Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Còn chồi nảy cây
Thứ hai: 12:36 ngày 30/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày ngày tôi đi làm đến tối mới về nhà. Cơm nước tôi làm sẵn, đến bữa chị em nó tự biết chia nhau ăn uống rồi tha thẩn trong khuôn sân nhỏ chờ ba về.

Vợ tôi bỏ chồng con đi theo ông lái mì. Hàng xóm an ủi: Chắc nó ăn phải bùa mê nên mới lú lẫn vậy, xưa rày vợ chồng chú có xảy ra điều tiếng gì đâu. Tôi cũng nghĩ như vậy. Vẫn có bụng chờ cô ấy quay về cho các con tôi có mẹ.

Năm ấy tôi ba mươi lăm tuổi, hai con tôi, đứa gái lớn lên sáu, thằng em nó lên ba. Tôi là thợ chính của ông thầu khoán chuyên nhận xây những ngôi nhà cấp bốn. Hai năm đầu trong cảnh gà trống nuôi con, thu nhập ngày nắng bù ngày mưa, cũng đủ cho ba cha con tôi sống không đến nỗi nào.

Ngày ngày tôi đi làm đến tối mới về nhà. Cơm nước tôi làm sẵn, đến bữa chị em nó tự biết chia nhau ăn uống rồi tha thẩn trong khuôn sân nhỏ chờ ba về. Những lúc chăm chú vào công việc, tôi tạm quên hai đứa nhỏ lủi thủi ở nhà. Lúc buông con dao xây nghỉ giải lao, nghĩ tới con, bụng tôi nóng như lửa đốt. Gặp phải hoàn cảnh ngặt nghèo vậy, tính kiểu gì cũng không tròn vẹn.

Người ta cứ bảo ở hiền gặp lành, tôi không tin vậy. Cứ tưởng cảnh đàn ông không vợ, một nách hai con nhỏ dại, đời tôi đã khổ cùng khổ kiệt rồi. Vậy mà chuỗi ngày gian nan ấy chưa thấm vào đâu với đận tôi bị tai nạn ngã từ giàn giáo, gãy một đốt sống lưng. Sáu tháng trời nằm viện chịu bao đau đớn. May mà tiền bạc ông chủ thầu và ông chủ căn nhà tôi đang xây thương tình lo liệu giúp cho. May mà hai cháu được mấy nhà hàng xóm tốt bụng nuôi giùm. Không được vậy chắc ba bố con tôi cùng ôm nhau chết mất. Ngày tôi ra viện với đốt xương sống bị đóng mấy chiếc đinh cứng ngắc, toàn thân như cây gỗ. Hai chân tôi teo tóp hết khả năng hồi phục. Hai cánh tay thẽo thượt không bằng sức đôi tay cụ già gần đất xa trời, bê chén cơm không nổi. Nhờ còn lại ít tiền tôi dành dụm được trong những năm làm thợ, cộng với các ban, ngành, đoàn thể và mấy nhà hảo tâm giúp đỡ, tôi gắng gượng được một năm ở nhà khổ công luyện tập. Kết quả, không đi lại được nhưng ngồi được xe lăn. Mỗi ngày con gái tôi đẩy đi đẩy lại quanh sân, quanh nhà, nhìn trời nhìn đất rộng mênh mông sao tôi chẳng tìm ra một chỗ cỏn con nào cho cha con tôi bám víu vào mà sống. Lúc này con gái tôi đã được bảy tuổi rồi. Bảy tuổi mà nó chỉ bằng con người ta năm tuổi. Từ bé đến giờ nó có được khi nào ăn uống đầy đủ đâu. Nhưng được trời thương, bé vậy mà nó đã tự biết hoàn cảnh khốn khó nhà mình, biết nấu hai bữa cơm, nồi cháo, biết lón cón đi bộ ra chợ mua túi gạo, mớ rau xanh, biết chăm chắm lo cho em trai từng miếng ăn, giấc ngủ. Những ngày đầu, ngay cái chén đồ ăn tôi cũng không bưng nổi. Mỗi bữa con bé phải bón cho tôi từng hớp cháo. Mỗi bữa, tôi nuốt nước mắt nhiều hơn nuốt đồ ăn thức uống.

Tới lúc túi không còn đồng cắc, buổi sáng, con gái tôi quen như mọi bữa ngửa tay nói với tôi: Ba đưa tiền con đi chợ mua gạo. Tôi ôm con vào lòng oà khóc nức nở. Con bé cũng theo tôi khóc nấc. Bố chẳng còn đồng xu nào con ạ. Ba bố con mình cùng chết thôi con ơi! Vào giấc này mọi bữa, ông hàng xóm thường mang bình trà sang nhà tôi cùng uống. Sáng nay ông đứng như trời trồng trước tình trạng thiểu não của cha con tôi. Ông cũng bật khóc. Nhưng rồi ông gạt nước mắt quả quyết: Đâu đã tuyệt vọng vậy các em ơi! Ông giời chẳng tuyệt lộ ai đâu. Nói rồi ông quay về nhà, lát sau mang sang bịch gạo và mắm muối. Ông nắm cánh tay mềm oặt của tôi: Cháu bé có đẩy được xe ra ngoài đường phố không? Con gái tôi chùi nước mắt: Thưa được ạ. Vậy thì tốt rồi. Cháu cứ đẩy bố cháu theo đường này ra ngoài phố, ông chạy lại đại lý vé số bảo họ chia cho ít tờ. Cứ các quán ăn, các quán cà phê mà vào. Gắng giúp ba con lê tới cửa quán, con cầm xấp vé số đi các bàn năn nỉ họ mua. Ngày đầu, tôi đau quá, vừa nhoài khỏi xe lăn đã nằm vật trước một cửa quán bên đường. Một số khách uống cà phê biết tôi lâm hoạn nạn hiểm nghèo, chuyền nhau tập vé số năm chục tờ, người mua một vài, người rút cặp năm, cặp bảy, một loáng hết veo. Sáng ấy cha con tôi đã có hơn năm chục ngàn mua gạo, chia ra cũng đủ sống mấy ngày rồi. Hôm sau ông hàng xóm tốt bụng lại chế cho tôi chiếc ghế inox có bánh xe, đeo bên chiếc xe lăn, đến mỗi quán, con bé đỡ tôi vịn vào mặt ghế rồi đẩy từ từ từng bước ngắn. Đến đâu cha con tôi cũng được nhiều tấm lòng trắc ẩn thương tình tôi mỗi bước mỗi nghiến răng đau đớn, thương con bé mồ hôi giàn giụa gương mặt trẻ thơ nhem nhuốc bụi đường, mua cho người ít, người nhiều. Không ít những buổi chiều gặp mưa, con tôi cong tấm lưng bé bỏng ướt sũng vừa đẩy xe vừa rét run cầm cập. Nhiều buổi trưa nắng chang chang, con tôi lã chã mồ hôi bảo bố: Con mệt lắm rồi, nghỉ chút xíu ba ơi! Ngồi trên xe lăn, lòng tôi đau quặn, không ngăn được hai dòng nước mắt chảy dài.

Rất nhiều đêm nằm giữa hai con, tôi thức trắng. Lo chuyện xa xôi càng nghĩ càng bế tắc, càng hốt hoảng, lỡ ra bệnh tật bắt tôi nằm liệt thì cái tổ chim gặp bão xác xơ này bấu víu vào đâu. Hễ nhắm mắt, trong đầu tôi lại hiện lên cảnh thằng con năm tuổi của tôi đã nhiều lần đứng tần ngần nhìn mấy thằng nhỏ bằng tuổi nó ngồi sau xe máy mẹ, tay cầm chùm bóng bay xanh đỏ phất phơ. Thích lắm mà nó chưa một lần dám níu áo tôi: Ba ơi! Con muốn chơi bóng bay. Cũng không ít lần tôi phải nén lòng quay mặt để khỏi phải nhìn con gái tôi đứng nuốt nước miếng nhìn vào tô phở nghi ngút khói thơm lừng trước mặt đứa bé gái mũm mĩm hồng hào nhõng nhẽo được mẹ dỗ dành ép ăn từng muỗng nhỏ: Con yêu ráng ăn hết, chiều nay mẹ chở đi siêu thị sắm đồ.

Đã mấy buổi sáng, thấy con gái ôm em nó ngủ ngon lành, tôi không nỡ gọi con dậy sớm. Mới tí tuổi đầu, hai con tôi từ lâu đã chịu thiếu thốn tình mẹ rồi, phải nhịn thèm những miếng ăn ngon, ao ước những bộ quần áo đẹp. Tôi biết chỉ trong những giấc mơ ngắn ngủi chúng mới dám thoải mái ăn, mới dám xỏ tay vào những bộ đồ in hoa rực rỡ. Giờ chỉ còn một chút ngủ ngon, nỡ nào tôi lại lấy đi của chúng sao đành. Đắp thêm tấm mền cho con đỡ lạnh, tôi lết lên xe gắng gượng lăn bánh ra đường. Mỗi đoạn ngắn, tôi lại phải dừng vì hai tay chẳng còn chút sức lực nào. Ngồi bất lực bên dòng người lành mạnh vun vút lao xe qua lại, tôi ngơ ngẩn nhìn trời cao thăm thẳm không cùng, muốn hắt vào ông tạo bất công cắc cớ một tràng cười cay đắng mà sao khoé lệ tự nhiên rơi. Muốn lặng lẽ ôm con từ giã cái thế gian này. Nhưng rồi, lẫn vào những ồn ào dòng đời thiên hạ vi vu xe cộ, tôi nghe tiếng gọi của con tôi: Ba ơi! Chờ con với. Tiếng con tôi yếu ớt vọng đến như tiếng chim non mất tổ gọi mẹ chiều mưa. Nén đau, quay đầu, tôi trông thấy con gái bé bỏng của tôi sấp ngửa chạy trong màn sương lạnh. Tới nơi nó trách tôi: Sao ba không gọi con? Tay ba lẩy bẩy thế này, lỡ tai nạn nữa thì chị em con biết dựa vào ai? Chao ôi! Con tôi tám tuổi hay là mười tám tuổi đây! Dù thế nào, ba cũng quyết sống mười năm nữa. Sống tới lúc chị em con tự sống được rồi ba mới ra đi.

Dạo này, tôi thường gặp hai mẹ con chị ấy len lỏi bán vé số như tôi. Khi dắt tay thằng con nhỏ tầm tuổi con trai tôi, khi thằng bé ngặt nghẽo nằm trên lưng mẹ. Mà tấm thân mẹ nó xanh xao gầy guộc nhường kia. Đã nhiều buổi trưa cùng ngồi nghỉ nắng dưới bóng cây ven đường, chúng tôi nhường nhau từng chai nước mát, khi chiếc bánh mì hai đứa trẻ bẻ đôi chia nhau. Chị kể: Tôi quê dưới miền Tây. Sau ngày ba thằng nhỏ mất vì mắc bệnh ung thư, vài công ruộng và căn nhà nhỏ phải bán đi trả nợ. Anh em nội ngoại hai bên chẳng có ai, ở nhờ nhà người quen mãi không đành. Đi làm mướn thì bỏ thằng bé ai trông. Nghe người ta nói ra thành phố bán vé số cũng kiếm được tiền, tôi lang thang bán dạo mấy tháng, rồi lưu lạc đến đây. Kiếm đủ tiền thì thuê nhà trọ. Bằng không đầu đường xó chợ qua đêm. Tưởng mình cực khổ cùng đường, trên đời này lại còn những hoàn cảnh thương tâm không kém. Tôi thật lòng nói với chị: tôi bị tai nạn gãy đốt sống mấy năm rồi. Nhà chỉ có ba cha con. Tôi chẳng còn là thằng đàn ông nữa. Nếu chị không ngại về nhà tôi tá túc qua ngày. Nghe vậy chị chảy hai dòng nước mắt gật đầu. Sao thế gian này nhiều nước mắt vậy, ông trời ơi!

Từ hôm ấy, căn nhà tôi ban ngày có tiếng cười bọn trẻ. Ban đêm ngọn đèn toả sáng ấm áp hơn. Buổi sáng cha con tôi và chị đi bán số, chiều về chị luôn tay quét dọn, giặt giũ mùng mền. Nhà cửa lâu rồi không có bàn tay đàn bà thu vén, bây giờ gon gàng ấm cúng như những ngày vợ tôi còn ở với các con tôi. Chị bàn với tôi: Năm học tới phải cho con bé đi học. Không có chữ sau này khó ngẩng mặt được với đời. Ngày ngày tôi đẩy xe cùng anh theo đuổi nghề vé số. Để con bé còi cọc vậy đẩy xe khổ lắm. Thương tâm lắm. Tôi nghẹn lời: Tôi bây giờ chẳng phải đàn ông. Đời chị còn trẻ, còn dài. Tôi không nỡ để chị cột vào gánh nợ đời tôi chị ạ. Chị gạt đi: Anh ơi, em khổ quá nhiều rồi. Lửa hương nguội lạnh lâu rồi. Anh cho em làm em gái để lo cho các cháu và anh không được sao anh. Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây. Xin anh đừng tuyệt vọng. Không nên duyên chồng vợ thì nên đạo nghĩa anh em. Trừ phi anh đuổi em, em mới chịu gạt nước mắt ra đi anh ạ! Chả lẽ dưới bầu trời này không còn chỗ tí xíu nào cho anh em mình xây chiếc tổ cỏn con cho các con đụt mưa tránh nắng sao?

Đêm ấy, đêm đầu tiên sau mấy năm trời tuyệt vọng, tôi được ngủ một giấc ngon lành. Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây. Lời em gái tôi cứ vang lên trong cơn mơ yên bình kéo dài tới sáng. Sớm nay, khi ba con tôi còn yên giấc trẻ thơ, em gái tôi đẩy xe chở tôi hoà vào dòng người trên đường khởi đầu một ngày làm ăn tất bật. Tôi ngước nhìn bầu trời cao rông mênh mang, trăm đám mây bay về trăm nẻo. Chợt nhớ lời ông hàng xóm tốt bụng: Ông giời chẳng tuyệt lộ ai đâu!

V.T.K

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục