Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đến với thơ hay
Còn đọng mãi tiếng mưa rơi...
Chủ nhật: 08:35 ngày 14/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phạm Công Trứ còn có bút danh Phạm Công, Phạm Thuần Việt, Phạm Thanh Tịnh; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông sinh năm 1953, quê Nam Ðịnh, từng là bộ đội Trường Sơn, cán bộ giảng dạy đại học, làm báo; hiện đã nghỉ hưu tại Hà Nội.

“Mùa mưa ấy” là một kỷ niệm đẹp của thời bộ đội Trường Sơn cách đây đã khá lâu. Lời thơ nhẹ nhàng, bình dị, nhịp thơ như hơi thở của anh bộ đội trẻ, lần đầu tiên trong đời, vô tình đối diện với một đồng đội nữ trong một tình huống khó khăn và cũng đầy thi vị: “Em còn nhớ không em/ Cái mùa mưa năm ấy / Hai đứa mình lính mới/ Tìm rau suýt lạc rừng”.

Khổ thơ đơn giản như lời tâm sự, đó là hồi ức về một chàng lính mới, trong một lần đi kiếm rau rừng để cải thiện bữa ăn đã suýt bị lạc rừng, hay đâu lại gặp một cô lính mới cũng đang đi tìm rau. Chỉ vừa mới gặp nhau nhưng sự đồng cảm, chia sẻ đã giúp hai người gần lại: “Gùi măng nặng trên lưng/ Em thương tôi gầy quá/ Những tháng năm nghiệt ngã/ Em cũng gầy như tôi”.

hính vì sự đồng cảm của những người lính giữa chiến trường, mà họ đã chia sẻ cho nhau miếng ăn và cả tình cảm chân thành nhất: “Bao dung quá rừng ơi/ Một chùm dâu da đất/ Cùng nụ cười chân thực/ Tôi trao em bồi hồi/ Em nhận vào im lặng/ Chỉ thì thào mưa rơi...”. Ðó là sự “bao dung” của rừng dành cho người lính.

Và người con trai đã trao cả “chùm dâu da đất” và “nụ cười chân thật” của mình cho người đồng đội nữ. Cô gái đón nhận nhưng chỉ im lặng, để tiếng mưa rơi nói hộ lòng mình. Khổ thơ 6 câu, như muốn kéo dài giây phút bồi hồi, kéo dài cả sự im lặng dễ thương trong tiếng mưa rơi hay tiếng nhịp tim, nhịp thở của đôi lứa?

Kết thúc bài thơ là hai cặp câu, mỗi cặp như một ngại ngùng, rụt rè thú nhận thật đáng yêu: “Rõ ràng tôi đã có/ Có một thời đôi mươi”. Ðó là thời đôi mươi gian khổ, nhưng cũng đầy lãng mạn và đầy những khát khao tình yêu chân thật: “Em hình như cũng có/ Có một thời yêu tôi”. Không chỉ mới “hình như cũng có” mà chắc chắn là đã có, đã là sự thật, song còn ngại ngùng, chưa dám thổ lộ; chưa thổ lộ nhưng khắc khoải và mãi nhớ suốt cả cuộc đời.

Nhà thơ Phạm Công Trứ vốn sở trường ở thể loại thơ lục bát, song với bài “Mùa mưa ấy”- làm theo thể ngũ ngôn, tác giả cũng đã thành công trong việc trao gửi đến bạn đọc một bài thơ giản dị, mộc mạc mà đằm thắm, sâu lắng và có giá trị vượt thời gian.

CHÍNH VŨ

Tin cùng chuyên mục