Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
13 năm tranh chấp lối đi chung ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành:
Con đường được trả lại trọn vẹn cho người dân
Thứ sáu: 09:45 ngày 11/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - “Chưa bao giờ chúng tôi vui mừng như hôm nay, mừng đến nỗi muốn hét lên thật to, vì đã 13 năm, sự mong đợi của chúng tôi giờ đã thành hiện thực!”, đó là lời bộc bạch của bà con tại phiên tòa xử phúc thẩm “tranh chấp mở lối đi chung” tại TAND tỉnh Tây Ninh mở vào tháng 10.2019.

Một lối đi, cả xóm đưa nhau ra tòa

Chỉ vì một lối đi chung rộng 4m bỗng dưng bị “tóp” lại còn 1m từ năm 2006 bởi một hộ dân lấn chiếm đất làm chuồng bò, hơn 20 hộ dân đã gõ cửa nhiều cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết hợp tình, hợp lý. Mười mấy năm trôi qua, có người đã mất, đến nay chỉ còn lại 10 hộ dân đứng nguyên đơn nhưng họ quyết tâm đòi lại lối đi chung cho những người đang sinh sống trong con hẻm nhỏ số 7, ven Quốc lộ 22B, thuộc tổ 8, 9, 10 ấp Bình Hòa (xã Thái Bình, huyện Châu Thành).

Bà Nguyễn Thị Út (61 tuổi, ngụ tổ 9) kể, từ nhỏ bà đã đi trên con đường quen thuộc này, con đường chỉ rộng khoảng 4-5m, xe bò ra vào trong xóm hàng ngày. Nhưng đến năm 2006, con đường này bị ông Đỗ Văn Lợt (81 tuổi) dựng chuồng bò, xây tường rào chắn hết lối đi.

“Chúng tôi bức xúc lắm vì đã nói đủ chuyện với vợ chồng ông Chín (ông Lợt- NV), nhưng ông bảo đất của ông thì ông có quyền rào. Rồi sinh mâu thuẫn, cãi vả, thậm chí xảy ra ẩu đả giữa gia đình ông và chúng tôi. UBND xã Thái Bình cũng nhiều lần xuống giải quyết, nhưng sự việc không đâu vào đâu. Cùng là hàng xóm, họ hàng thân thuộc, nhưng vì quá bức xúc, chúng tôi mới khởi kiện ra tòa”- bà Út nghẹn ngào nói.

Chị Trần Thị Thảo Hồng (46 tuổi) và anh Nguyễn Thanh Phong (54 tuổi, ngụ cùng ấp) cho biết, suốt 13 năm trời anh chị theo suốt vụ kiện. Ở đâu cũng đến, gõ cửa từng cơ quan chức năng để “tìm công lý”, để được mở lối đi chung. Năm 2013, bà Nguyễn Thị Tấm (SN 1947) mất, anh Phong và chị Hồng tiếp tục kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng theo suốt vụ án. Bà Hồng than “Ép buộc lắm mới đưa nhau ra tòa. Cũng là lối xóm láng giềng với nhau, bệnh đau cũng có mặt để giúp đỡ nhau. Đến khi kéo nhau ra tòa rồi, không ai còn thèm nhìn mặt nhau nữa”.

Ông Trần Văn Chung (67 tuổi) cho hay, ông là người đầu tiên khởi kiện vụ việc vào năm 2006, bởi ông Lợt xây chuồng bò bít lối đi chung mà còn thách thức người dân đi kiện. Đến nỗi, ông Lợt và ông còn xảy ra ẩu đả nhau.

Ông Chung kể, hàng ngày đi bán rau cũng phải “né” lắm mới chạy ra khỏi con hẻm chưa đầy 70cm, va quẹt liên tục. Có lần, ông té vào vách chuồng bò , trầy cả tay, chân. Rau thì chở mỗi lần một cần xé nhỏ, vừa đủ chui hẻm, muốn chở thêm cũng không được. Mà như vậy thì vừa cực công, vừa mất vốn vì phải chở nhiều lần. “Bức bách mới đâm đơn ra tòa, chứ ai muốn hàng xóm láng giềng xích mích nhau”, ông Chung nói.

Hai lần hủy án

Lối đi chung mà các bên đang tranh chấp có diện tích 65,75m2 (2,5m X 26,3m) thuộc thửa 61, tờ bản đồ số 32 tọa lạc tại tổ 9 ấp Bình Hòa, do ông Đỗ Văn Lợt (81 tuổi) đứng tên Giấy CNQSDĐ được UBND huyện Châu Thành cấp năm 2001.

Theo các hộ dân trình bày, lối đi chung được hình thành trước năm 1954, có trước khi ông Đỗ Văn Lợt, bà Nguyễn Thị Nhân sang nhượng lại của ông Đỗ Văn Vạn và bà Nguyễn Thị Cụt vào năm 1976 (đã mất). Lối đi này có chiều ngang giáp Quốc lộ 22B, theo thời gian, các hộ dân đã cải tạo, sửa chữa con đường, đổ đá, làm cống thoát nước... để thuận tiện cho việc đi lại. Trong quá trình sửa chữa, ông Lợt không có ý kiến hay phản đối.

Lối đi chung bị chuồng bò nhà ông Đỗ Văn Lợt xây cất làm “tóp” lại trong nhiều năm.

Năm 2006, ông Lợt xây dựng chuồng bò, chắn ngang lối đi. Mâu thuẫn xảy ra, có người còn đổ cả máu vì ẩu đả, chính quyền xã Thái Bình vào cuộc, lập biên bản buộc tạm đình chỉnh xây cất hàng rào và chuồng bò đối với ông Lợt. Vụ việc chưa dừng lại, ông Lợt tiếp tục xây cất chuồng bò, 20 hộ dân không đồng ý, làm đơn khởi kiện ra tòa.

Phía nguyên đơn cho rằng lối đi chung mà ông Lợt khai trên giấy CNQSD đất (do UBND huyện Châu Thành cấp năm 2001) là hoàn toàn không đúng và yêu cầu trả lại con đường nêu trên. Trái lại, phía bị đơn cho rằng lối đi đang tranh chấp là phần diện tích đất nằm trong thửa đất của ông, nếu các hộ dân có nhu cầu, ông sẽ bán 2m ngang, dài hết đất với giá 14 cây vàng 24K (loại 99%). 

Xét xử sơ thẩm, TAND huyện Châu Thành tuyên bố chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, xác định con đường là đường đi công cộng, buộc bị đơn tháo dỡ chuồng bò, hàng rào để trả lại lối đi công cộng. Không đồng ý, bị đơn tiếp tục kháng cáo.

Bản án dân sự phúc thẩm năm 2007, TAND tỉnh Tây Ninh quyết định sửa án sơ thẩm, buộc ông Lợt, bà Nhân tháo dỡ chuồng bò để mở con đường ngang 3,5m dài 25,9m. Phía nguyên đơn phải có nghĩa vụ thanh toán cho vợ chồng ông Lợt, bà Nhân 6,25 triệu đồng/hộ. Đồng thời kiến nghị UBND huyện Châu Thành điều chỉnh Giấy CNQSDĐ cho phù hợp.

Sau khi xét xử phúc thẩm, TAND huyện Châu Thành có Công văn đề nghị TAND tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm, vì cho rằng Tòa án cấp phúc thẩm xác định lối đi không phải là lối đi chung của các hộ dân là không đúng, không khách quan. Hai mươi hộ dân cũng có đơn khiếu nại đề nghị xem xét lại.

Năm 2010, Tòa Dân sự TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, quyết định huỷ bản án dân sự phúc thẩm và sơ thẩm, vì một lẽ, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án hai cấp có xem xét đến quyết định cá biệt là giấy CNQSDĐ, nhưng không đưa UBND vào tham gia tố tụng theo quy định là thiếu sót.

Năm 2012, bản án DSST không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các đồng nguyên đơn. Xác định con đường có diện tích (2,5m X 26,3m) thuộc quyền sử dụng của ông Đỗ Văn Lợt, bà Nguyễn Thị Nhân. Năm 2013, tại bản án DSPT, TAND tỉnh Tây Ninh quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ngày 5.7.2016, Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị đến Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao xét xử giám đốc thẩm. Năm 2017, TAND cấp cao quyết định hủy Bản án dân sự phúc thẩm và Bản án dân sự sơ thẩm giữa các bên, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Châu Thành xét xử sơ thẩm lại theo quy định.

Phải trả lại lối đi 

Theo xác minh nguồn gốc đất, lối đi chung đang tranh chấp có trước khi ông Vạn, bà Cụt về ở trên đất này. Năm 1976, ông Lợt, bà Nhân nhận chuyển nhượng phần đất 600m2 (15m X 40m) từ ông Vạn, bà Cụt. Trong quá trình chuyển nhượng, hai bên không xác định tứ cận cũng như không kê khai trên đất có một lối đi công cộng.

Chuồng bò nhà ông Đỗ Văn Lợt xây cất nằm bít lối đi chung của 20 hộ dân ra hướng QL 22B.

“Giấy bán nhà” được lập ngày 16.4.1976 do ông Đỗ Văn Mầm viết giùm. Tuy nhiên, ông Mầm xác nhận, các chữ ký giữa hai bên và người làm chứng là ông Đỗ Văn Phẩm đều do ông “viết, ký giùm” nên chữ ký trong “Giấy bán nhà” không phải của ông Vạn, bà Cụt và ông Phẩm (ông Phẩm không biết viết chữ).

Năm 2001, ông Lợt được Giấy CNQSDĐ có diện tích 847,6m2, nghĩa là bao gồm cả lối đi chung đang tranh chấp, vượt hơn so với “Giấy bán nhà” 247m2. Năm 2006, ông Lợt xây dựng chuồng bò, chắn ngang lối đi chung.

Tuy nhiên, ông Lợt cũng xác nhận vẫn mở lối đi chung hướng ra quốc lộ 22B khoảng 1,4m (thực tế khoảng 70cm- PV). Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Lợt yêu cầu cấp phúc thẩm không chấp nhận đơn khởi kiện của các nguyên đơn; nếu Tòa án quyết định mở lối đi chung, phải buộc các nguyên đơn thanh toán cho ông Lợt bằng trị giá đất theo giá thị trường (400 triệu đồng/m ngang), vì lối đi này ông Lợt đã được cấp Giấy CNQSDĐ.

Theo công văn phúc đáp của UBND huyện Châu Thành, xác định “đường đi của 20 hộ dân bên trong, trên thực tế con đường được sử dụng từ trước giải phóng, nhưng do tập quán và quan hệ thân tộc nên con đường không bồi đắp, cắm mốc và ranh giới rõ ràng, khi đo đạc đoàn đo theo chỉ dẫn của ông Lợt và số liệu địa chính được thiết lập”.

Những người cao tuổi sống tại khu vực này và  những cán bộ từng công tác tại Ban Quản lý ấp Bình Hòa, trong đó có lời khai của các con ông Vạn, bà Cụt cũng xác định “Lối đi chung đang tranh chấp có trước khi ông Vạn, bà Cụt về sinh sống”.

Qua 2 lần TAND cấp cao hủy án, đầu tháng 10.2019, tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Tây Ninh buộc ông Đỗ Văn Lợt trả lại lối đi chung có diện tích 65,75m2 (2,5m X 26,3m), đồng thời tháo dỡ chuồng bò 19,5m2 (1,3m X 15m) trên lối đi công cộng và hàng gạch xây tạm tô xi măng bên ngoài dài 6,9m để trả lại lối đi chung cho các hộ dân bên trong. Vì đây là con đường đủ diện tích tối thiểu để các phương tiện lưu thông đi lại. Ông Lợt không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

TAND tỉnh cũng kiến nghị UBND huyện Châu Thành điều chỉnh Giấy CNQSDĐ cấp cho ông Đỗ Văn Lợt theo quyết định của bản án. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

"Cảm ơn tòa đã trả lại công bằng cho chúng tôi sau 13 năm dài. Giờ, con cháu của chúng tôi đã thật sự nhìn thấy “con đường” mà ông bà chúng từng nhiều lần kể ”, cô Út và chị Hồng thay mặt cho những hộ dân tổ 9 ấp Bình Hòa là nguyên đơn vụ án chia sẻ.

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục