Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Con gái của lính
Chủ nhật: 10:55 ngày 12/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Với tôi, cô Phiến là một người đặc biệt. Tôi sẽ không bao giờ quên kỷ niệm ngày nhỏ đến trường mẫu giáo trong tình trạng mang một cái kiềng… đất trên cổ và cô giáo đã lấy cây bút quẹt lên mấy đường bảo tôi về chà sạch mới được đến lớp. Kì rát cả cổ. Bài học đầu tiên nhớ đời. Và cô giáo đầu tiên ấy sau này là thủ trưởng, là bạn vong niên của tôi. Và bây giờ, vì chồng tôi có họ hàng gần với cô nên theo yêu cầu của cô, tôi được phép gọi “chị” cho thân mật.

Mồ côi thời bom đạn…

Ngày trước (trước khi tôi kể câu chuyện này), mỗi lần đến nhà chơi, nhìn ngôi nhà thập niên 40 được giữ gìn, tôn tạo, nhìn hai cây mai chiếu thuỷ được tạo dáng thành hai chiếc lư hương khổng lồ trước sân thì tôi đã mặc định chị được sinh ra trong gia đình quyền quý. Lại thêm dáng vóc mình hạc sương mai và cốt cách tiểu thư nên tôi chưa bao giờ hình dung tuổi thơ chị có lấy một ngày buồn khổ. Nhưng vừa rồi, trong buổi chị em trà nước nói tầm phào, khi tình cờ thấy một cụ già đeo những chiếc huy chương trước ngực đi về phía hội trường huyện, khi bất chợt thấy giọt nước rớt ra từ mắt chị, tôi mới biết được tuổi thơ thời đạn bom của chị.

Bằng giọng sũng ướt, chị kể: chị sinh năm 1945. Lớn lên không thấy ba, mẹ. Không cần ngoại nói thì hàng xóm cũng nói cho chị biết mẹ mất sau sinh. Vậy là cứ thỏ thẻ hỏi ba đâu, mỗi lần như vậy chị đều nhận cùng một câu trả lời. Bà ngoại, bằng vẻ mặt rất trìu mến (pha lẫn lo âu) đưa tay chỉ về hướng núi: ba đang đi đánh giặc. Đi đánh giặc là đi đâu hả ngoại? Là đi lính. Rồi bà dạy thuộc lòng câu: Bé Phiến ở nhà ngoan để ba đi đánh giặc. Và như thế, bé Phiến “an tâm công tác”, không lẽo đẽo hỏi ba đâu nữa. Khổ. Sống với bà ngoại từ nhỏ. Năm mười ba tuổi ngoại mất, chị Phiến trở thành đứa trẻ mồ côi. À, chị còn có ba đi lính. Nhưng… Nhưng ba chị ở tiền tuyến chắc chi đã biết mình có một đứa con gái ở hậu phương.

Ba chị Phiến tên Trần Trung Nghĩa, là người cùng thôn, cái thôn nhỏ được ruộng đồng bao bọc. Con nhà nông, chàng trai có vóc dáng thư sinh học mấy năm đầu cấp rồi cũng nối nghiệp cha mẹ, vỡ đất làm nông. Nhưng năm hai mươi tuổi, anh nông dân lấy vợ chưa tròn năm ấy đã thay áo nông dân mặc áo lính. Hỏi sao lại bỏ cha mẹ già nua, bỏ vợ con, bỏ ruộng vườn ra lính, người con trai tên Trung Nghĩa rắn rỏi nói: Vì muốn xóm làng, nhà cửa yên ổn. Vì không muốn phải nghe tiếng khóc la bi thiết nên đi! Ngày đưa tiễn, thấy vợ nước mắt vắn dài thì “hét”: Làm gì mà khóc? Thời buổi chiến chinh, bom đạn tơi bời, có sống chung cũng đâu được hạnh phúc mà đòi?!...

Chồng ra trận không bao lâu thì mẹ chị Phiến phát hiện mình có mang. Mừng nhưng lo, nỗi lo con thơ chào đời mà “buổi chiến trận mạng người như rác”. Từng ngày vui mừng thấp thỏm trôi qua. Tới tháng thứ chín thì đứa con gái đầu lòng cất tiếng khóc. Nhưng máu ra nhiều quá, không cách chi cầm cự. Ngày ấy sục sôi, bốn bề ầm ào rực sáng. Mẹ chị đã mất ngay sau cuộc nói chuyện yếu ớt với bà ngoại.

Câu chuyện ấy sau này bà ngoại đem kể hết cho cháu gái rồi mỉm cười nhắm mắt.

... trở thành cô giáo mầm non

Sau bà ngoại mất. Chị Phiến được ông anh họ (con nhà bác Tư) đem về cưu mang. Anh muốn đùm bọc nhưng chị dâu không muốn. Không muốn nhưng cũng khó lòng từ chối - để đẹp lòng chồng - nên từ ngày đem cô em họ côi cút về ở chung, chị dâu luôn trong trạng thái mặt bằng nhưng lòng không ưng.

Những đứa trẻ bất hạnh thường nhạy cảm nhiều hơn tuổi. Cách đối xử lạnh lùng đến khó chịu của người chị họ càng làm tăng nỗi tủi hờn trong lòng cô bé mồ côi. Ngày nào cũng bị đá thúng đụng nia, không đánh mắng trực tiếp nhưng với một đứa bé mong manh từ máu thịt thì khó có thể mặt dày mày dạn mà mặc kệ tất cả. Những chuyện tẹp nhẹp như tới bữa cơm càu nhàu hay sai giặt đồ, quét sân, hốt chuồng bò, phải làm đi làm lại mới ưng lòng nở dạ. Chưa hết, quần áo thì mấy chị lớn (con ruột) bỏ ra, bé Phiến mới được mót. Tất cả những chuyện đó chị chịu được hết nhưng tới cái ngày chuẩn bị đi chăn bò, chị chạy xuống lục cơm nguội, vét sạch sẽ cũng được hai muỗng vậy mà buổi chiều đó chị bị cắt cơm, lý do nhà đâu nhiều thóc gạo, của đâu của dư mà chút chạy lục cơm. Và giọt nước đã tràn ly khi chị tình cờ nhặt ngoài đường một tờ bạc, về nhà bà chị cũng tuyên bố mất đúng tờ bạc đó. Nhân chứng vật chứng rành rành, khi bị kiểm điểm trước toàn thể gia đình, chị ngồi khóc rồi ôm thân chạy vù ra đêm tối.

Phải “ôm thân” chạy vì một cô bé mồ côi thì có gì ngoài tấm thân còm cõi. Chị Phiến chạy ào qua nhà cô Năm - em ruột của ba. Từ lâu, cô Năm cũng có ý kêu qua ở cùng nhưng chị Phiến thấy không ổn, nhiều người cũng bảo không nên nhưng giờ chẳng còn cách nào.

Cô Năm hiền lành nhưng hoàn cảnh có hơn gì chị. Thân đàn bà mồ côi chồng, cô còn phải cõng tới mười đứa con. Nhưng cô bảo cứ ở với cô, có mắm ăn mắm, có muối ăn muối. Chị còn mong muốn gì hơn thế. Có một người đáng tuổi mẹ làm chỗ dựa. Có chỗ chui ra chui vô là mừng rồi, chị có dám nghĩ gì đến cơm ăn áo mặc. Nên dù chỉ được hai bộ đồ, rách đâu vá đấy. Những khi rời nhà đi làm mướn thì chỉ dám mặc bộ trên người - ít rách. Đi xa nhà cả tuần, mặc đúng một bộ đồ, tắm giặt phơi cũng ở nguyên trên người vậy - nói tới đây chị lại rớt nước mắt. “Nhưng chị hạnh phúc, đó là khoảng thời gian cơ cực nhưng đã rất hạnh phúc!” - chị nói.

Rồi một ngày năm 1962, có giấy báo tử từ chiến trường. Mười bảy tuổi, chị trở thành con liệt sĩ.

 Ở với cô Năm, chị được đến trường. Rồi chị được địa phương tạo điều kiện cho đi học một lớp đánh máy ngắn hạn sau đó nhận về làm ở văn phòng xã. Rồi sau đó chị lại được ưu tiên cử đi học tiếp lớp trung cấp Sư phạm. Cuộc đời đã sang trang, cô bé côi cút ngày xưa trở thành cô giáo mầm non trường làng.

Cây lớn trổ hoa, gái lớn gả chồng. Chị Phiến lấy chồng, cũng một anh giáo trường làng. Ngày bom đổ xuống ngôi trường nhỏ bé đầu thôn, chồng chị bị thương nặng sau đó qua đời.

Một mình, chị lo cho các con học hành đến nơi đến chốn - đó là một quãng thời gian đầy khó khăn nhưng giờ cơn bĩ cực đã qua.

Hành trình đưa bố về quê

Ngoại chị từng kể lại câu chuyện của mẹ chị ngày bà lâm chung. Đêm ấy có ba người lính xin trú đêm. Bà ngoại đưa xuống hầm, mẹ chị nhận nhiệm vụ cơm nước chu cấp đủ đầy.

Một, hai, ba rồi… một tuần, một tháng. Ban đầu ngoại đối đãi đơn thuần như những người lính cần sự giúp đỡ, nhưng dần dà là sự thân tình của những người cộng sinh trong một mái nhà. Bà ngoại được các chú thân thương gọi “mẹ Hai”.

Rồi có một đêm, chú Sử trở về trong bộ dạng bê bết mưa. Mẹ chị đem nước nóng xuống hầm. Phía trên bom gầm gào nên bị chụp tay kéo lại khi mẹ định bước lên. Hầm sập, chú Sử nằm phía trên mẹ nên bị gãy một cánh tay, mẹ và cái thai trong bụng vẫn lành lặn chui ra từ đống đổ nát.

Sau vụ đó, mẹ chị và chú Sử trở thành bạn. Hỏi thăm về ba thì chú ấy bảo cứ đưa hết những thông tin cần thiết và hứa sẽ tìm cách liên lạc.

Rồi chị Phiến được bà ngoại dặn mai mốt tìm ba cứ tìm chú Sử ở Thọ Lâm. Chú ấy đã như người anh lớn và nguyện sẽ đỡ đầu cho bé Phiến.

Manh mối chỉ có nhiêu đó.

Không dễ dàng cho việc tìm kiếm. Tất cả đều mơ hồ. Một bức ảnh nhoè, một địa chỉ của người cha đỡ đầu khi chị mới là cái thai. Chị tìm đến địa chỉ nhà chú Sử. Đến nơi, lân bang hàng xóm nói đã chuyển về quê vợ. Lang thang giữa miền Trung rồi quật lên Tây Nguyên thì hay chú đã mất. Người con trưởng chỉ đến một địa chỉ quen, là đồng đội thân tình. Thật may. Cơ duyên đưa đẩy, chú ấy dẫn chị đến một địa chỉ đáng tin hơn - bạn của bố. Hết cơn bĩ cực rồi. Tưởng như vậy nhưng vẫn không/chưa đạt được mục đích. Người bạn ấy cũng không có manh mối.

Không tin lắm chuyện nhà ngoại cảm đi tìm hài cốt liệt sĩ nhưng chị cũng đến. Vẫn chưa có đường đi nước bước khả thi nhưng lòng người rung động đất trời. Hay ba chị đã linh thiêng mà âm thầm dẫn lối để chị tình cờ biết chị họ của người bạn học ngày xưa từng là y tá của chiến trường. Chị Trực cũng trong tâm thế như chị Phiến, đi nhờ nhà ngoại cảm tìm hài cốt chồng. May thay, sau khi trình bày ngọn nguồn và đưa tấm ảnh mờ nhoẹt kia, chị Trực đã nhận ra người lính mình tự tay săn sóc năm nào. Rồi chị kể trong trận càn năm 1962, đại đội chủ công ở Đăk Lăk đưa quân về Dinh Điền để bảo vệ đồng bào ăn tết. Chiều 30 Tết, địch điều ba tiểu đoàn, chia làm hai cánh bao vây, đổ bộ lên Dinh Điền. Lực lượng ta tuy mỏng hơn nhưng chống trả quyết liệt. Cuối cùng, hai cánh quân được trang bị vũ khí hiện đại kia đã không chiếm được Dinh Điền. Dù không chiến thắng giòn giã, dù đổ máu thịt nhưng những người lính đã giữ được xóm làng, bảo vệ đồng bào ăn tết. Ngày tỉnh dậy ở trạm y tế dã chiến, anh lính tên Nghĩa đã rấn nước mắt kể lại cảm xúc của mình khi thấy những đồng đội đã hy sinh. Nhưng anh cũng không vượt qua được vết thương của mảnh đạn ghim sát tim. Chính y tá Trực và một vài đồng đội khác đã đưa người đồng đội của mình về với đất mẹ.

* * *

Giờ thì tôi đã hiểu nghị lực của chị có từ đâu để sống hết mình và lạc quan hết cỡ rồi. Câu chuyện của chị đã làm thay đổi mắt tôi nhìn, óc tôi nghĩ…

N.T.B.N

Tin cùng chuyên mục