Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn:
Còn khó khăn trong thực hiện
Thứ hai: 15:09 ngày 03/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Công tác xã hội hoá, mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình nước sạch là chính sách tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư, xây dựng, quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh, nhằm đa dạng hoá nguồn lực đầu tư, mô hình quản lý, tạo môi trường thu hút đầu tư, giúp người dân có nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn nước sạch. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thực hiện đã có một số khó khăn, hạn chế. Hiện chính sách đang được các sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh để có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Trạm cấp nước ấp Tân Lập, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu (ảnh minh hoạ).

Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư, ngày 31.5.2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1351/QÐ-UBND công bố danh mục công trình cấp nước sạch nông thôn khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, đã có một số nhà đầu tư đăng ký đầu tư các dự án cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn. Tuy nhiên, đa số các nhà đầu tư chưa xác định rõ được hình thức đầu tư theo Luật Ðầu tư số 67/2014/QH13 hay theo hình thức đối tác công tư PPP; đồng thời, quy mô và mức vốn đầu tư quá lớn so với danh mục tại Quyết định số 1351/QÐ-UBND.

Ðến ngày 23.2.2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 05/2017/QÐ-UBND quy định mức hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh (trên cơ sở Nghị quyết số 26/2016/NQ-HÐND ngày 22.9.2016 của HÐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh). Từ cơ sở này, các nhà đầu tư đăng ký đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP nhưng đề xuất mức hỗ trợ theo Quyết định số 05/2017/QÐ-UBND.

Ðến nay, chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký thực hiện đầu tư 1 dự án theo chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 26/2016/NQ-HÐND của HÐND tỉnh.

Hiện nay, chưa có dự án nào được phân bổ vốn hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời, nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 không cân đối để hỗ trợ công trình cấp nước sạch nông thôn.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư, quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 1351/QÐ-UBND và Quyết định số 05/2017/QÐ-UBND còn nhiều bất cập, từ khâu chuẩn bị vốn hỗ trợ, đăng thông tin công bố danh mục kêu gọi đầu tư, cho chủ trương chưa được quy định rõ ràng. Mặt khác, do doanh nghiệp bỏ vốn theo Luật Ðầu tư số 67/2014/QH13 nên công tác quản lý, kiểm tra, giám sát… của cơ quan Nhà nước từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt thực hiện dự án đến quyết toán công trình chưa được quy định rõ ràng, chặt chẽ trong 2 quyết định trên, dẫn đến quá trình thực hiện lúng túng, dễ gây lãng phí, thất thoát vốn Nhà nước.

Khó khăn chủ yếu là quy định còn chưa nêu cụ thể trách nhiệm của các sở, ngành từ giai đoạn chuẩn bị đến giai đoạn quyết toán, vận hành dự án; do đó, các sở, ngành còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện.

Do đó, Sở Kế hoạch và Ðầu tư đề xuất HÐND, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT (là đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 05/2017/QÐ-UBND ngày 23.2.2017) chủ trì, phối hợp các ngành liên quan, có tham khảo các địa phương khác, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh lại quyết định trên. Căn cứ các Thông tư số 37/2014/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHÐT ngày 31.10.2014, Thông tư số 76/2017/TT-BTC ngày 26.7.2017, Luật Ðầu tư số 67/2014/QH13 và các văn bản pháp luật có liên quan để quy định rõ quy trình, thủ tục hồ sơ thực hiện, từ công tác chuẩn bị đầu tư đến khâu quyết toán dự án, hoàn trả kinh phí của nhà đầu tư và phân công trách nhiệm cụ thể của từng sở, ngành đối với việc đầu các dự án thuộc lĩnh vực cấp nước sạch khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh được hưởng chính sách hỗ trợ.

Theo Sở NN&PTNT, năm 2017, Công ty cổ phần tư vấn - thiết kế - xây dựng - công nghệ môi trường Hùng Phương đã triển khai dự án công trình cấp nước ấp Long Hoà, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu. Công trình có công suất 1.000m3/ngày đêm, cung cấp nước cho khoảng 1.000 hộ dân thuộc các ấp Long Hoà, Long Phi (xã Long Thuận), ấp Xóm Lò (xã Tiên Thuận), huyện Bến Cầu. Ðến nay, khối lượng và tiến độ thực hiện đạt khoảng 50% khối lượng thiết kế. Dự kiến hoàn thành, hoạt động cung cấp nước cho người dân vào quý I năm 2019.

Ngoài công trình trên, có một số công trình khác mà nhà đầu tư đang tiếp cận, nghiên cứu. Như công trình cấp nước ấp An Thới, xã An Hoà (huyện Trảng Bàng). Cuối năm 2017, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần Ðầu tư xây dựng VietCom tiếp cận, khảo sát, nghiên cứu thực hiện dự án. Qua khảo sát thực tế, doanh nghiệp đã gửi hồ sơ đề xuất dự án công trình cấp nước ấp An Thới, xã An Hoà (huyện Trảng Bàng) thành công trình cấp nước liên xã An Hoà, Gia Bình (huyện Trảng Bàng), xã Thanh Phước (huyện Gò Dầu), có công suất thiết kế 2.900m3/ngày đêm, cấp nước cho 14.500 hộ (theo đề xuất yêu cầu cấp nước dự án cũ là 600 hộ).

Tuy nhiên, công trình cấp nước liên xã An Hoà, Gia Bình, huyện Trảng Bàng, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu có phạm vi cấp nước trùng với nhà máy nước Trảng Bàng, đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3276/QÐ-UBND ngày 22.12.2016. Ðồng thời, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh thực hiện giai đoạn 1 đến năm 2020, với công suất 30.000m3/ngày đêm, cấp nước cho đô thị Trảng Bàng, một phần huyện Gò Dầu; giai đoạn 2 đến năm 2030, nâng cấp công suất lên 100.000m3/ngày đêm, kết nối mạng lưới bổ sung cấp nước cho huyện Bến Cầu.

Nếu thực hiện theo quy mô kêu gọi đầu tư của tỉnh (600 hộ) thì quá nhỏ, khai thác không hiệu quả, Công ty cổ phần Ðầu tư xây dựng VietCom không tham gia dự án này. Vì vậy, Sở NN&PTNT có văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành NN&PTNT tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện dự án. Hiện dự án này có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020); và đã được UBND tỉnh phân khai kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2018.

Ðối với công trình cấp nước sạch 3 xã Trà Vong, Tân Phong, Mỏ Công (huyện Tân Biên), Công ty cổ phần Bơm Châu Âu, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng VietCom đã gửi đơn đề xuất tiếp cận nghiên cứu dự án. Sở Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp với các Sở NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng làm việc, hướng dẫn cụ thể hình thức đầu tư để doanh nghiệp làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Shiny Việt Nam, Công ty Remy cũng đã khảo sát dự án cấp nước khác. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng nước của người dân không nhiều, quy mô dự án nhỏ, công trình nằm khu vực nông thôn, biên giới, lợi nhuận đầu tư không cao... Do đó, sau khi khảo sát, tiếp cận, các doanh nghiệp không đề xuất dự án để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.

Theo Sở NN&PTNT, sau khi chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh được ban hành, Sở đã phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện hướng dẫn nhà đầu tư khảo sát thực địa, chính sách của tỉnh… công trình mời gọi đầu tư. Tuy nhiên, đây là chính sách mới, liên quan đến các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, đồng thời liên quan đến các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, giá nước sạch nông thôn... do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên có liên quan. Thời gian qua, có lúc, có nơi còn chậm, lúng túng nên có dự án xử lý kéo dài như việc xây dựng tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp trong trường hợp có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện một dự án, đề xuất tiêu chí mời gọi đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn. Ðây là nội dung cơ bản ban đầu để các nhà đầu tư tiếp cận. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch- Ðầu tư thực hiện nhưng đến nay cũng còn ý kiến khác nhau. Mặt khác, đây là chính sách mới nên còn lúng túng, khó khăn trong việc mời gọi doanh nghiệp cũng như tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, về quy định trình tự, thủ tục triển khai dự án từ công tác chuẩn bị đầu tư đến quyết toán đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn, trách nhiệm của các sở, ngành liên quan đã được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 37/2014/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHÐT (Ðiều 13, Ðiều 14, Ðiều 15, Ðiều 16). Tuy nhiên, qua rà soát các quy định tại Quyết định số 131/2009/QÐ-TTg, Thông tư liên tịch số 37/2014/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHÐT, Quyết định số 05/2017/QÐ-UBND của UBND tỉnh và các văn bản liên quan, việc quy định trách nhiệm các Sở NN&PTNT, Kế hoạch và Ðầu tư, Tài chính… còn một số nội dung chưa cụ thể về nguồn vốn hỗ trợ, cơ quan thẩm định, quyết toán dự án để hỗ trợ nhà đầu tư. Vì vậy, để kịp thời tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc nêu trên, Sở NN&PTNT đang phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh quy định trách nhiệm các sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc cụ thể hoá nội dung nêu trên.

Một khó khăn khác trong quá trình triển khai thực hiện là quy mô đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn nhỏ, dân cư nông thôn sinh sống phân tán... Do đó, suất đầu tư cho công trình cấp nước cao, khả năng thu hồi nguồn vốn chậm. Người dân nông thôn có thói quen sử dụng nguồn nước giếng khoan nhỏ, lẻ (không phải tốn chi phí gắn đồng hồ nước, trả tiền nước hằng tháng) để sinh hoạt, chưa thay đổi nhận thức về sử dụng nước sạch. Ðây là khó khăn khi doanh nghiệp khảo sát thăm dò xem xét đầu tư các công trình nước sạch ở khu vực nông thôn.

Theo Sở NN&PTNT, để công tác mời gọi doanh nghiệp đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, cần có sự chung tay, phối hợp của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức sử dụng nước sạch, từng bước hạn chế sử dụng các công trình cấp nước nhỏ lẻ, phân tán không hợp vệ sinh.

Ðồng thời, để thu hút doanh nghiệp đầu tư công trình cấp nước sạch, Sở NN&PTNT phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện các văn bản trong việc tổ chức thực hiện chính sách, sớm tham mưu UBND tỉnh quy định cụ thể một số nội dung về trách nhiệm các sở, ngành trong việc xã hội hoá đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn; rà soát, bổ sung danh mục công trình cấp nước sạch nông thôn khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

TRÚC LY

Tin cùng chuyên mục