Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Còn khó xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử
Thứ sáu: 22:18 ngày 28/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hiện nay, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong thương mại điện tử đang diễn biến ngày càng phức tạp, trong khi đó để có thể xử lý các đối tượng, vụ việc luôn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, chiều 26-4, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Hiệp hội nhãn hiệu quốc tế (INTA) đã tổ chức tọa đàm "Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử".

Theo Cục phó Cục SHTT Lê Ngọc Lâm, việc sử dụng các thiết bị điện tử thông minh đang tăng rất nhanh trong thời gian qua đã đưa tốc độ tăng trưởng thị trường thương mại điện tử đạt khoảng hơn 20%, đạt quy mô khoảng 4 tỷ USD. Các giao dịch trên mạng đối với hàng hóa ngày càng nhiều. Do đó, vi phạm quyền SHTT cũng phức tạp, tinh vi hơn. Các sản phẩm giá rẻ vi phạm nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng được bảo hộ... được rao bán công khai trên các trang web.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của internet khiến cho các tên miền ngày càng có giá trị. Việc chiếm đoạt tên miền cũng vì thế mà phổ biến hơn… Ngày một nhiều hành vi vi phạm quyền SHTT, tuy nhiên việc xử lý lại gặp nhiều khó khăn vướng mắc.

Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Như Quỳnh cho biết, lực lượng chức năng khó xác định tổ chức, cá nhân vi phạm; khó thu thập chứng cứ về yếu tố xâm phạm; khó xác định giá trị hàng hóa xâm phạm...

Rất nhiều trường hợp các cơ quan chức năng nhận được thông tin, đến địa điểm được quảng cáo trên mạng thì không tìm thấy. Các cơ sở sản xuất hàng giả cũng thường xuyên thay đổi địa điểm. Xử lý vi phạm ở môi trường hữu hình đã khó, môi trường internet còn khó hơn nhiều lần.

Hiện tại, ở Việt Nam đang có rất nhiều nhãn hiệu bị xâm phạm thương hiệu, tên miền, được các đối tượng buôn bán các mặt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhưng khi xử lý cũng chưa đủ yếu tố để xử phạt mang tính răn đe.

Ông John Hill, Đại sứ quán Hoa Kỳ khẳng định, việc bảo vệ quyền SHTT là bảo vệ cho sáng tạo và bảo đảm các điều kiện để sáng tạo phát triển. Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật cũng tương đối bảo đảm trong việc bảo hộ quyền SHTT. Tuy nhiên, việc thực thi ngày càng trở nên khó khăn, khi những kẻ ăn cắp có thể bán sản phẩm ăn cắp một cách dễ dàng trên mạng.

Bởi vậy, theo ông Lê Ngọc Lâm, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ và thương mại điện tử, chủ thể quyền SHTT cần tự bảo vệ mình. Khi phát hiện hành vi xâm phạm, chủ thể cần thu thập, cung cấp chứng cứ xâm phạm cho các cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan quản lý sẽ điều tra, kết luận về hành vi vi phạm.

Nguồn Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục