Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cuối tháng 8.2017, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tiến hành giám sát tình hình quản lý, thực hiện quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát, cho thấy việc quy hoạch phát triển đô thị còn nhiều bất cập.
Nhiều khu vực tại TP Tây Ninh, cứ mưa là ngập. Ảnh minh hoạ: ĐHT
những con hẻm “đầu chuột đuôi voi”
Can cứ Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh năm 2014-2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, toàn tỉnh có 14 đô thị, gồm 1 đô thị loại III: thành phố Tây Ninh; 3 đô thị loại IV: các thị xã Trảng Bàng, Hoà Thành, Gò Dầu; 10 đô thị loại V: các thị trấn Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Bến Cầu, đô thị mới Phước Đông - Bời Lời và 4 đô thị cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát, Chàng Riệc, Kà Tum. Các đồ án quy hoạch chung của các đô thị trên dự kiến trình Bộ Xây dựng công nhận trong năm 2017.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Xây dựng, nhìn chung, các đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt bảo đảm chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, hợp lý, đồng bộ và khả thi. Chất lượng quy hoạch ngày càng được nâng cao.
Việc tổ chức không gian đô thị, điểm dân cư, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đúng hướng theo đặc thù của từng đô thị, bám sát hiện trạng và nhu cầu thực tế của địa phương theo các quy hoạch ngành, lĩnh vực để dự báo.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác phối hợp với các ngành chức năng chưa chặt chẽ, dẫn đến việc phát triển đô thị chưa đồng bộ với các ngành khác.
Đơn cử, hiện nay trên địa bàn tỉnh quy hoạch đô thị còn khập khiểng với phát triển giao thông. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Tây Ninh, nhiều năm qua còn tồn tại những con đường, con hẻm, bên trong thì rộng rãi, nhưng phía ngoài đầu đường, đầu hẻm lại chật hẹp.
Cụ thể như đường Phạm Văn Xuyên (phường 3), bảng lộ giới ghi rõ 12m, nhưng tại đầu đường- nơi giáp với đường Cách Mạng Tháng Tám (CMT8)- chiều ngang (tính cả lòng, lề đường) chỉ khoảng 9m.
Bên trong con đường này có hàng trăm hộ dân làm ăn, sinh sống. Trong đó có trụ sở công ty, kho chứa hàng hoá của một số doanh nghiệp. Vì vậy, hằng ngày có nhiều xe ô tô tải, xe container vào ra đường này.
Mỗi lần xe ô tô tải từ đường CMT8 rẽ vào đường Phạm Văn Xuyên, tài xế phải de tới de lui nhiều lần mới vào được, gây ùn tắc giao thông và thường xuyên xảy ra cự cãi với chủ hộ ở ngay đầu đường, vì chủ hộ này lo sợ xe tải cọ vào vách tường làm sập nhà mình nên đứng ra ngăn cản, không cho xe vào.
Về việc này, một chủ doanh nghiệp có cơ sở ở phía trong đường Phạm Văn Xuyên rất bức xúc: “Mỗi lần xe tải lớn hoặc xe container vào, ra chỗ đầu đường này là tài xế toát hết cả mồ hôi”.
Tương tự, bên trong đường 3.2, mặt đường rộng khoảng 5m, nhưng đầu đường, nơi giáp với đường CMT8 chỉ hơn 1m. Hẻm số 41, đối diện chợ phường 3, ở bên trong mặt đường rộng khoảng 5m, nhưng nơi giáp với đường CMT8 chỉ còn khoảng 4m.
Hẻm số 21 và 23, đối diện công viên 30.4, bên trong mặt đường rộng khoảng 4m, nhưng đầu đường, nơi giáp với đường CMT8 chỉ còn khoảng 1,5m. Phương tiện vào được các con hẻm này chỉ duy nhất có xe hai bánh.
Tình hình ở phường IV cũng chẳng tốt hơn, có khá nhiều con hẻm “mình to, đầu nhỏ”. Đi dọc theo con đường Lạc Long Quân, từ hướng ngã tư Ao Hồ lên ngã ba chợ Hiệp An (chợ cửa số bảy), phía bên khu phố 4, phường IV có đến ba con hẻm có “định dạng” như thế.
Ví dụ con hẻm số 11, bên cạnh Trường THPT Lê Quý Đôn. Bên trong hẻm chiều ngang rộng 4m, nhưng ở đầu hẻm chiều ngang “bó lại” chỉ còn khoảng 2m. Ở đầu hẻm số 9, chiều ngang rất hẹp, chỉ hơn 1m, nhưng càng vào bên sâu đường càng rộng ra, từ 3-4m.
Hẻm số 17 cũng tương tự. Bên trong hẻm, mặt đường nhựa rộng rãi, phẳng phiu, nhưng tại đầu hẻm là một căn nhà tôn vách ván xiêu vẹo, cũ kỹ nằm chắn ngang một bên hẻm. Người tham gia giao thông qua hẻm 17 bằng xe ô tô từ hướng đường Nguyễn Văn Rốp đến gần đầu hẻm phải quẹo sang hẻm khác mới ra được đường Lạc Long Quân.
Thực trạng hẻm đô thị “đầu chuột đuôi voi” này gây nhiều khó khăn cho hoạt động giao thông nội thị. Đáng lo ngại nhất là nếu chẳng may xảy ra thiên tai, hoả hoạn, việc ứng cứu sẽ rất khó khăn và dễ gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân ngụ trong hẻm.
Một đoạn đường 785 bị ngập.
Và ngập nước
Công tác chống ngập cho đô thị cũng đang là bài toán nan giải. Nhiều năm qua, cứ mỗi khi mưa to, kéo dài là nhiều tuyến đường giao thông, khu dân cư bị ngập nước.
Một số điểm đen về ngập cục bộ như ở TP. Tây Ninh, trên đường CMT8 có đoạn Trảng Dài, đoạn trước trụ sở UBND phường Hiệp Ninh.
Trên đường 30.4 nối dài có đoạn trước giao lộ Hoàng Lê Kha, đoạn trước Cục Kiểm lâm tỉnh. Đường 785 có đoạn gần Trường cao đẳng Sư phạm, đoạn gần cầu Trà Phí. Đường Yết Kiêu, Nguyễn Đình Chiểu, Ngô Gia Tự cũng có nhiều đoạn là những điểm ngập thường xuyên.
Các khu dân cư ở hẻm số 15, đường Phan Chu Trinh (phường 1), hẻm số 2, đường Trưng Nữ Vương và đường Yết Kiêu (phường 2)… dọc theo rạch Tây Ninh, mỗi mùa mưa đều được “bà Thuỷ” viếng thăm.
Ở phường 3 cũng có những khu dân cư thường bị ngập úng. Mùa mưa năm ngoái, trên địa bàn phường có tới 4/7 khu phố bị ngập úng cục bộ. Nhiều nhà dân bị ngập nước kéo dài hàng tháng. Thậm chí có người phải bắc cầu ván đi lại trong nhà, hoặc đóng cửa bỏ nhà, đi thuê nơi khác ở.
Ở huyện Hoà Thành, có đường Lý Thường Kiệt, Lạc Long Quân (ranh giới thành phố Tây Ninh và huyện Hoà Thành), Âu Cơ v.v… cứ mưa to là giao thông tê liệt và người dân hai bên đường phải thức thâu đêm để tát nước, kê, dời vật dụng trong nhà.
NHIỀU KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
Trong quy trình thực hiện quy hoạch đô thị, các địa phương trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Chất lượng công tác lập quy hoạch xây dựng còn thấp, chưa bảo đảm tính dự báo và khả thi, dẫn đến sau khi được phê duyệt quy hoạch lại phải điều chỉnh tổng thể và cục bộ nhiều lần.
Mỗi lần điều chỉnh đều theo ý chí chủ quan, chạy theo sự vụ, sự việc, không bảo đảm chỉ tiêu, cơ cấu sử dụng đất của đồ án quy hoạch được duyệt. Công tác phối hợp và triển khai thực hiện giữa các ngành chưa thể hiện sự đồng bộ và khoa học.
Triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng không tuân thủ quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Quản lý quy hoạch xây dựng lỏng lẻo. Chưa thực hiện rà soát quy hoạch xây dựng định kỳ theo quy định.
Chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời những quy định pháp luật có liên quan, dẫn đến bất cập trong việc thực hiện quy hoạch xây dựng trên thực tế, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân.
Về mặt chủ quan, khó khăn trong việc hiện thực hoá quy hoạch đô thị chủ yếu do thiếu nguồn lực thực hiện, dẫn đến các dự án, quy hoạch treo, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân trong khu quy hoạch.
Đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công tác thẩm định quy hoạch thiếu trầm trọng. Các công chức chuyên ngành quy hoạch đô thị ở các cấp thường làm việc kiêm nhiệm, áp lực nặng nề do công việc quá tải, nên không kịp thời cập nhật kiến thức.
Ngân sách hạn chế, chưa thu hút kêu gọi đầu tư theo kế hoạch nên không thể triển khai các dự án một cách đồng bộ theo quy hoạch xây dựng. Một số chủ thể quản lý quy hoạch xây dựng không thực hiện nghiêm phân kỳ đầu tư, không có kế hoạch thực hiện cụ thể từng loại quy hoạch cho từng năm và từng giai đoạn trên địa bàn quản lý.
Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân trong thực hiện quy hoạch và chấp hành nghiêm các quy định về quản lý trật tự xây dựng đô thị chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức.
Khu dân cư ven rạch Tây Ninh hễ mưa to, kéo dài là ngập nước.
GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ THÁO GỠ ?
Để thực hiện mục tiêu xây dựng Tây Ninh trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối hiện đại, đồng bộ, gắn liền với sự phát triển kết cấu hạ tầng của vùng TP. Hồ Chí Minh và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, UBND tỉnh đã xác định rõ những giải pháp trọng điểm như tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống đường bộ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị theo tiêu chuẩn đô thị văn minh, hiện đại.
Hoàn thành cơ bản mạng lưới giao thông nông thôn theo hướng hình thành các cụm, điểm dân cư hiện đại. Thực hiện đầu tư phát triển hệ thống bưu chính, viễn thông với công nghệ và trình độ hiện đại ngang tầm khu vực v.v...
Hy vọng, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền và nỗ lực của các ngành, các cấp, trong tương lai không xa, công tác quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh ta sẽ dần khắc phục những khó khăn, trở ngại để góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển đô thị tỉnh nhà theo hướng văn minh, hiện đại.
Đại Dương