Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trước khi xét xử, ông Nguyễn Văn Phúc đã nộp cho toà án các tài liệu, chứng cứ là file ghi âm, video hình ảnh ông Trần Văn Ba đến nhà thừa nhận việc đụng vào xe anh Hồ Đức Thái. Tại phiên toà, ông Phúc gửi hình ảnh chụp từ điện thoại thể hiện ông đã chuyển chứng cứ cho điều tra viên S và các tài liệu chứng cứ khác thể hiện ông đã gửi đơn khiếu nại, cũng như đơn tố cáo của các nhân chứng. Đặc biệt, tại toà, ông Phúc còn phát hiện một biên bản lấy lời khai đối với ông và 2 biên bản dựng hiện trường, mà ông cho là ghi khống.
Không tham gia dựng hiện trường vẫn có biên bản?
Sau khi nhận bản án, ngoài việc làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án, ông Phúc còn viết đơn tố cáo các nội dung trên gửi đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Clip: ông Nguyễn Văn Phúc-cha nạn nhân tử vong trong vụ TNGT ngày 1.9.2019 trình bày sự việc.
Trong đơn ông Phúc trình bày: “Vào lúc 9 giờ 14 phút ngày 20.9.2019, tôi đã nộp bằng chứng cho điều tra viên S. Ông Ba thừa nhận hôm xảy ra tai nạn đã đụng con tôi. Trong suốt những ngày qua, ông Ba ở trong nhà đóng cửa không dám rời khỏi nhà.
Bằng chứng tôi đã ghi âm, ghi hình trong điện thoại của tôi. Tôi đưa máy cho điều tra viên S xem, rồi ông S chuyển sang ứng dụng Zalo của điện thoại ông S. Nếu tôi cung cấp chứng cứ không đúng quy định thì tại sao ông S không hướng dẫn cho tôi cung cấp đúng quy định. Chứng cứ quan trọng này thì không được đưa vào hồ sơ vụ án.
Ngày 21.11.2019, Công an và Viện Kiểm sát (VKS) dựng lại hiện trường vụ án của con tôi. Hôm dựng lại hiện trường tôi có mặt để chứng kiến toàn bộ sự việc. Hiện trường ông Phan Văn Mão dựng như những gì ông chứng kiến hôm xảy ra tai nạn.
Ông S sửa xe con tôi lại. Ông Mão không đồng ý nhưng Công an vẫn bảo đứng vào hiện trường để chụp hình. Sau đó, ông Nguyễn Minh Quân và con rể tôi cũng không đồng ý hiện trường này vì không đúng như lúc xảy ra tai nạn.
Sơ đồ dựng hiện trường đường vẽ từ điểm số 2 đến điểm số 3 là Công an tự vẽ không tham khảo nhân chứng. So với camera của người dân cung cấp cho Công an thì hiện trường này hoàn toàn sai, không đúng sự thật.
Hình ảnh dựng hiện trường vụ tai nạn do ông Phúc chụp và ghi chú.
Khi ra toà, tôi phát hiện có 5 biên bản hiện trường, mỗi tờ biên bản cách nhau khoảng 20 phút, ghi cùng ngày, cùng tháng, cùng năm thì thật là vô lý. Vì ngày dựng lại hiện trường chỉ có lời khai của ông Mão và ông Ba để Công an dựng hiện trường. Ông Quân và Thái hoàn toàn không có dựng lại hiện trường trong ngày hôm đó. Tại sao cơ quan điều tra lại có biên bản hiện trường cho cả ông Quân và Thái.
Tôi xin trình bày tại sao có đến 5 biên bản hiện trường mà người làm chứng ký tên. Khi dựng hiện trường xong Công an mời những người làm chứng vào trước cổng nhà người dân ký tên. Tôi nhìn thấy 5 biên bản nhập lại thành 1 biên bản, chỉ lật phần dưới cho từng người ký tên hoàn toàn không nhìn thấy những gì bên trong biên bản.
Ngày 22 và 27.4.2020, điều tra viên S mời 3 người làm chứng đến Công an huyện để lấy lời khai, đó là ông Lê Văn Chiêu, Phan Văn Mão, Nguyễn Minh Quân nhưng tại sao trong hồ sơ vụ án không có 3 biên bản lời khai của 3 người làm chứng này.
Về chiếc nón bảo hiểm, khi con tôi té, chiếc nón vẫn còn đội trên đầu con tôi, người dân cấp cứu con tôi tháo chiếc nón ném vào bên trong lề đường. Vậy mà Công an xác định chiếc nón trong lề đường và chỗ con tôi nằm đưa vào hồ sơ vụ án là hoàn toàn sai vị trí. Ông Quân còn cho gia đình chúng tôi biết, khoảng tháng 10.2019, điều tra viên S gọi điện cho ông Quân đến uống cà phê tại một quán ở cửa 7 Toà thánh đưa cho ông Quân ký 3 biên bản, hai biên bản có chữ, và một biên bản không chữ”.
Về nội dung trên, ông Quân viết đơn đến gửi cơ quan có thẩm quyền như sau: “Tháng 10.2019, ông S có hẹn tôi đến quán cà phê cửa số 7 Toà thánh uống cà phê. Ông S trả tiền, nhờ tôi ký biên bản hồ sơ có 2 bản có chữ, 1 bản không có chữ, tôi cũng không được xem. Tôi có hỏi ông S, gia đình người ta khiếu nại phải không, ông S trả lời không có, vì muốn làm cho mau lẹ.
Ngày 21.11.2019, ông S mời tôi đến dựng hiện trường trở lại cũng là hồ sơ khống tôi cũng không được xem. Trong đó có 5 bản tôi ký nhưng không được xem. Dựng hiện trường chỉ có 2 hiện trường. Hiện trường đầu tiên do chú Mão dựng (dựng theo lời trình bày của ông Mão-NV), hiện trường thứ hai do ông Ba dựng.
Tôi chỉ biết chụp hình và ký tên. Ông S tự ý dời xe sửa lại không hỏi ý kiến của nhân chứng đó là làm sai hiện trường, không đúng hiện trường giao thông. Ngày 22.4.2020, ông S có mời tôi đến Công an Hoà Thành lấy lời khai. Tôi có đọc kỹ biên bản và ký tên nhưng ông S không nộp cho TAND thị xã Hoà Thành để giải quyết. Đến ngày 22.7.2020, ông S đưa ra biên bản khống ra cho Toà án giải quyết, điều đó không đúng với pháp luật. Cán bộ điều tra làm trái pháp luật. Cán bộ gạt nhân chứng, đó không phải là cán bộ điều tra”.
Tương tự như ông Quân, sau phiên xử, ông Mão bức xúc làm đơn gửi đến cơ quan có thẩm quyền: “Ngày 21.11.2019, Công an dựng hiện trường chỉ có 2 hiện trường. Hiện trường tôi dựng do ông S sửa là sai những gì tôi thấy. Trước đó, ông S lấy lời khai, tôi nói ông Ba có đậu xe lại nhìn rồi bỏ chạy đi luôn. Nhưng trong biên bản lại trái ngược lời khai của tôi.
Ngày 22.7, khi ra toà, tôi mới phát hiện có 5 biên bản hiện trường là không đúng sự thật. Trong ngày dựng hiện trường, ông S cho tôi ký 5 chữ ký nhập thành một phần dưới mà thôi. Khi tôi ký, nhìn không thấy gì trong biên bản…
Công an thị xã Hoà Thành mời tôi đến làm việc và tôi đã ký tên vào biên bản làm việc, tại sao Đại uý S không cung cấp cho toà. Hôm nay, tôi làm đơn tố cáo này mong TAND tỉnh, các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến vụ án nên điều tra làm rõ, đừng để oan sai cho người dân”.
Nhân chứng: Công an không lấy lời khai ông Phúc tại đám tang
Về biên bản lấy lời khai ông Phúc của điều tra viên vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 2.9.2019, trong đơn tố cáo, ông Phúc nêu: “Con gái tôi mất tại bệnh viện Chợ Rẫy lúc 5 giờ 40 phút, lúc này tôi đang ở bệnh viện làm thủ tục ra viện. Khoảng 9 giờ, tôi về đến nhà.
Khi về đến nhà, Công an và VKS đang có mặt tại nhà tôi làm thủ tục giải phẫu tử thi. Trong lúc này đầu óc tôi như một người tâm thần. Tôi la khóc và đập đầu muốn tự sát để được chết cùng con gái. Càng bị áp lực hơn nữa khi các cơ quan yêu cầu kiểm tra mổ tử thi nhưng tôi không đồng ý.
Sau đó, người thân trong nhà có động viên nên tôi mới đồng ý cho mổ tử thi. Khi kiểm tra tử thi xong, Công an có mời tôi ký giấy bàn giao tử thi. Tôi ký rất nhiều loại giấy tờ. Giấy tờ như thế nào tôi cũng không quan tâm. Đến ngày ra toà tôi mới phát hiện hôm ký giấy tờ trong ngày 2.9, có một biên bản khống Công an lấy lời khai tôi trong ngày hôm đó thì thật vô lý”.
Liên quan nội dung này, ông Đinh Hồng Trường- Phó Giám đốc thương mại điện tử- Chi nhánh Bưu chính Viettel Tây Ninh, nơi con gái ông Phúc làm việc có tờ tường trình như sau: “Tôi trực tiếp tham gia cùng gia đình để hỗ trợ và túc trực trong suốt thời gian từ 18 giờ 15 ngày 1.9.2019, lúc chị Ngân nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến lúc chị qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau đó tôi về Tây Ninh vào lúc 8 giờ ngày 2.9.2019 và tiếp tục xuống nhà chị Ngân để hỗ trợ gia đình lo đám tang đến 15 giờ ngày 2.9.2019 thì về nhà.
Từ 8 giờ đến lúc rời khỏi nhà chị Ngân vào lúc 15 giờ ngày 2.9.2019, tôi thấy có lực lượng Công an Hoà Thành đến nhà chú Phúc khám nghiệm tử thi từ lúc 11 giờ 20 đến 12 giờ 20 ngày 2.9.2019. Ngoài ra, lực lượng Công an không có nội dung làm việc hay lấy lời khai chú Phúc hoặc của bất kỳ thành viên nào trong gia đình của chú Phúc. Sau khi khám nghiệm tử thi xong lúc 12 giờ 20 ngày 2.9.2019, lực lượng Công an có đề nghị chú Phúc ký biên bản bàn giao tử thi và ra về”.
Với đơn tố cáo của ông Phúc và các nhân chứng, nếu có căn cứ, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần làm rõ, tránh để dư luận xã hội có nhiều ý kiến không đúng về quá trình tố tụng vụ án trên.
Ông Đinh Hồng Trường- Phó Giám đốc thương mại điện tử- Chi nhánh Bưu chính Viettel Tây Ninh, nơi con gái ông Phúc làm việc tường trình sự việc.
ĐỨC TIẾN