Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19.8.1945 - 19.8.2024)
Công an Tây Ninh hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân
Thứ hai: 10:35 ngày 19/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trải qua 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân (CAND) nói chung và Công an tỉnh Tây Ninh nói riêng được sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc, giúp đỡ của mọi tầng lớp nhân dân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong từng giai đoạn cách mạng.

Đại tá Nguyễn Văn Trãi- Giám đốc Công an tỉnh thăm, tặng quà gia đình chính sách.

Tự hào truyền thống anh hùng

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 25.8.1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, lực lượng cách mạng và quân dân đã giành chính quyền trong tỉnh. Để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, đầu tháng 9.1945, Quốc gia Tự vệ Cuộc Tây Ninh được thành lập (đây là tổ chức đầu tiên của lực lượng Công an Tây Ninh ngày nay).

Tuy mới ra đời với lực lượng còn rất mỏng, nhưng Quốc gia Tự vệ Cuộc đã bắt tay ngay vào cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù, chống lại phản ứng của các thế lực phản động và tay sai, trừng trị nhiều tên Việt gian đầu sỏ, ngoan cố.

Để giải quyết khó khăn, thiếu thốn về vũ khí, năm 1946, Công an Tây Ninh thành lập Ban Recharge (Rờ-sạt), sau đó gọi là Công an xưởng, lấy vỏ đạn cũ - chiến lợi phẩm thu được của địch, chế lại đạn và sản xuất các khẩu súng, giải quyết được nhu cầu trước mắt về vũ khí trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp.

Trong giai đoạn này, lực lượng Công an Tây Ninh bằng nhiều biện pháp sáng tạo, mưu trí, dũng cảm đã tổ chức phục kích đánh địch, chống càn quét hàng trăm trận, diệt 395 tên, bắt sống 31 tên, thu hồi 131 súng các loại... Trong đó, có nhiều trận đánh vang dội như: cuối năm 1947, đánh bót Thầy Phi (Cầy Xiêng), diệt 7 tên địch thu 2 súng; đánh bót An Thạnh thu 21 súng, phục kích đánh đoàn công-voa của Pháp ở Cầu Khởi phá huỷ 17 xe quân sự, thu 40 súng các loại...

Thi hành Hiệp định Genève, cuối năm 1954, tổ chức Công an giải tán. Những cán bộ Công an trung kiên được Đảng bố trí ở lại hoạt động trong Ban Địch tình trực thuộc Tỉnh uỷ, chiến đấu với địch trong hoàn cảnh mới đầy gian nan, thử thách.

Thời điểm này, lực lượng Công an các cấp của tỉnh đã trừng trị 266 tên tề, tình báo ác ôn các loại. Nổi bật là việc Ban Địch tình Tây Ninh chủ trương diệt tên Tổng thống Ngô Đình Diệm tại lễ khai mạc Hội chợ triển lãm kinh tế Tây Nguyên tại Buôn Ma Thuột ngày 22.2.1957 do đồng chí Phạm Công Phú (tức đồng chí Phan Văn Điền, Mười Thương), cán bộ Ban Địch tình Tây Ninh thực hiện nhiệm vụ.

Tháng 5.1961, Ban An ninh tỉnh Tây Ninh và Ban An ninh các huyện được thành lập. Lực lượng An ninh Tây Ninh dũng cảm, kiên cường bám trụ, tổ chức đánh địch ở các địa bàn trọng điểm; làm tốt công tác nắm tình hình, tham mưu cấp uỷ các chủ trương, đối sách đấu tranh chống âm mưu, hoạt động đánh phá của các loại tình báo, gián điệp Mỹ, nguỵ, phát hiện bóc gỡ hàng chục tổ chức tình báo đánh vào vùng giải phóng, vùng căn cứ; xử lý nhiều vụ nội gián, góp phần cùng các lực lượng vũ trang đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ - nguỵ.

Sau ngày giải phóng, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh rất phức tạp, một số phần tử trong nguỵ quân, nguỵ quyền bắt đầu nhen nhóm hình thành các tổ chức phản động, thực hiện một số hoạt động phá hoại chính quyền ở cơ sở. Trên biên giới, Pol Pot - Ieng Sary đã chủ trương thực hiện các hoạt động khiêu khích vũ trang và lấn chiếm lãnh thổ ta ở biên giới, cướp bóc, giết hại nhân dân.

Trước tình hình trên, lực lượng An ninh tổ chức cho hơn 32.000 nguỵ quân, viên chức nguỵ quyền đăng ký trình diện để quản lý, thiết lập lại trật tự trị an; trấn áp trên 40 tổ chức phản động, thu hàng trăm khẩu súng, hàng tấn tài liệu tuyên truyền chống cách mạng.

Trên biên giới, lực lượng Công an vũ trang tỉnh (nay là Bộ đội Biên phòng) cùng quân đội phối hợp chặt chẽ đánh trả hơn 300 đợt tấn công, đánh phá của địch, diệt 578 tên Khmer đỏ, bị thương 173 tên, bắt sống 58 tên, tịch thu 21 súng...

Đặc biệt, giai đoạn này, Công an Tây Ninh đã lập chiến công xuất sắc khi tham gia Kế hoạch CM12 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), góp phần phá tan tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”- một tổ chức phản động được tình báo Mỹ và Thái Lan nuôi dưỡng, yểm trợ do bọn gián điệp biệt kích Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh cầm đầu.

Công an tỉnh ra quân thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Xây dựng lực lượng Công an chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, Công an Tây Ninh không ngừng đổi mới, từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị nghiệp vụ, chất lượng đội ngũ ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao.

Đến nay, đã hoàn thành xong việc kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của Công an tỉnh theo hướng tinh, gọn, mạnh đúng với Đề án 19 của Bộ Công an; lực lượng Công an xã bố trí bảo đảm số lượng (mỗi xã ít nhất 7 Công an chính quy).

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị công tác, chiến đấu bảo đảm theo lộ trình, chủ trương theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Trong đó, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án “Xây dựng trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác cho Công an xã trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025”, đến nay đã xây dựng xong 26 trụ sở, số còn lại đang xây dựng.

Công an tỉnh làm tốt vai trò tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đề ra các giải pháp tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, giải quyết ổn thoả nhiều vấn đề phức tạp, không để lan rộng thành điểm nóng; phối hợp các ban, ngành mở hàng trăm đợt truy quét, tấn công, trấn áp tội phạm, bắt giữ hàng nghìn tên tội phạm hình sự, triệt phá hàng trăm băng, ổ, nhóm tội phạm; phối hợp với Campuchia giải quyết tốt các vấn đề liên quan an ninh biên giới; bảo vệ an toàn công tác phân giới, cắm mốc.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác cải cách hành chính, qua đó đem lại hiệu quả tích cực. Các thủ tục hành chính được thực hiện nhanh, gọn chỉ bằng một nửa thời gian quy định, giảm bớt thời gian, chi phí được người dân đồng tình ủng hộ. Đối với 2 dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý CCCD được Công an tỉnh triển khai quyết liệt, bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu.

Tây Ninh được xác định là địa bàn trung chuyển ma tuý từ Campuchia vào Việt Nam. Tình hình hoạt động của tội phạm ma tuý trên tuyến biên giới phía ngoại biên đối diện Tây Ninh thời gian gần đây diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma tuý, Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, mở nhiều đợt tấn công, trấn áp các loại tội phạm về ma tuý; thường xuyên rà soát, khảo sát tình hình người nghiện và tội phạm về ma tuý tại các địa bàn, khu vực biên giới, cửa khẩu, các xã, thị trấn trọng điểm về ma tuý để kịp thời phối hợp đấu tranh, triệt xoá.

Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ 131 vụ/306 đối tượng; thu giữ gần 5kg ma tuý các loại; tiến hành test nhanh 1.207 đối tượng, kết quả dương tính 617 trường hợp, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý với tổng số tiền hơn 544 triệu đồng.

Từ năm 2020 đến nay, lực lượng Công an đã phát hiện 599 vụ, bắt giữ 952 đối tượng có liên quan đến sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; thu giữ 20 khẩu súng quân dụng, 74 khẩu súng tự chế, hàng ngàn viên đạn, hơn 200 vũ khí thô sơ (đao, kiếm, mã tấu...), 13.693kg pháo nổ các loại; khởi tố 186 vụ, 324 bị can; xử lý hành chính 291 vụ, 460 đối tượng với tổng số tiền phạt 1,646 tỷ đồng...

Ngoài ra, Công an tỉnh còn làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đẩy mạnh xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; kịp thời tham mưu các văn bản về tổ chức, xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Hiện toàn tỉnh có 535 tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở với 3.277 thành viên, hỗ trợ Công an cấp xã trong công tác quản lý đối tượng, xử lý tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Để có được những kết quả, chiến công được ghi nhận có một phần đóng góp không nhỏ công sức, sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ Công an như: tấm gương của Trung sĩ Trần Văn Lành, chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hay Thiếu tá Lê Huỳnh Nhật Minh- Phó trưởng Công an xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Sự hy sinh cao cả của các cán bộ, chiến sĩ đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng của CAND, xây đắp nên tượng đài “Vì an ninh Tổ quốc, vì hạnh phúc Nhân dân”.

Thiên Di - Hà Thuỷ

Tin cùng chuyên mục