Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vừa qua, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh và Công an TP.Tây Ninh tổ chức thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân có gắn chíp điện tử cho cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị. Đây là buổi thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân có gắn chíp điện tử đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ, chiến sĩ chờ thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân có gắn chíp điện tử.
Theo kế hoạch, lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ thực hiện thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân có gắn chíp điện tử cho cán bộ, chiến sĩ tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Thành phố, sau đó thu nhận tại Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát cơ động, cán bộ công tác tại Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, cán bộ lão thành cách mạng, gia đình chính sách…
Sau khi thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân có gắn chíp điện tử cho cán bộ, chiến sĩ trực thuộc và một số sở, ban, ngành, Công an tỉnh sẽ họp rút kinh nghiệm và triển khai cấp căn cước rộng rãi cho người dân trên toàn tỉnh.
Việc cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Về phía Nhà nước, thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử góp phần tích cực trong việc xây dựng chính quyền điện tử, đơn giản hoá thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Thao tác thu nhận vân tay bằng máy.
Đối với người sử dụng, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử có thể lưu trữ thông tin trong nhiều lĩnh vực, có quy định về bảo mật cao, hạn chế việc các loại giấy tờ bị giả mạo. Khi tích hợp đầy đủ các thông tin, người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang theo nhiều loại giấy tờ, chỉ cần dùng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử sẽ thực hiện được các giao dịch.
Quy trình thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân có gắn chíp điện tử được thực hiện theo hướng đơn giản, tiện lợi. Khi có nhu cầu cấp thẻ mới, công dân cung cấp thông tin cơ bản của mình (họ và tên, ngày tháng năm sinh hoặc số CMND/CCCD), cán bộ tra cứu dữ liệu sẵn có trong phần mềm để lấy thông tin cần thiết cho việc thu nhận. Công dân không phải mang và xuất trình bất cứ giấy tờ nào (sổ hộ khẩu, giấy khai sinh) khi đi làm thủ tục và không cần thực hiện viết tờ khai căn cước công dân.
Cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đến làm căn cước công dân có gắn chip điện tử.
Sau đó, cán bộ thực hiện thao tác thu nhận vân tay bằng máy. Trong thao tác này, cán bộ sẽ hướng dẫn công dân thu nhận vân tay theo 13 bước bao gồm 4 ngón chụm phải, 4 ngón chụm trái, hai ngón cái và vân tay lăn 10 ngón. Việc thu nhận vân tay bằng máy giúp không lấy nhầm đường vân của ngón tay khác, dấu vân tay hợp lệ sẽ được lưu trữ ngay vào phần mềm trên hệ thống, giảm sự phiền hà và bảo đảm vệ sinh so với việc thu nhận vân tay bằng mực như trước.
Kết thúc thao tác thu nhận vân tay, cán bộ tiếp tục mời công dân thực hiện quy trình thu nhận ảnh, hướng dẫn chụp hình chân dung đạt yêu cầu. Máy ảnh được kết nối trực tiếp với máy lưu trữ dữ liệu. Hình ảnh của công dân vừa chụp sẽ lưu ngay vào phần mềm dữ liệu cá nhân trên hệ thống, không bị nhầm lẫn ảnh do chụp và rửa ảnh thủ công. Người dân có thể nhận thẻ căn cước mới theo hai cách: nhận trực tiếp theo địa chỉ ghi trong giấy hẹn hoặc đăng ký nhận tại nhà qua đường bưu điện.
Phương Thảo