Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
TRẢ LỜI BÀ LÊ THỊ ÐẸP (TRẢNG BÀNG):
Công an, Xã đội xử lý về trật tự, tranh chấp đất do Toà án giải quyết
Thứ bảy: 17:29 ngày 03/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Về vấn đề phản ánh Công an và Xã đội có mặt tại hiện trường tranh chấp, ông Dương Văn Y - Chủ tịch UBND xã Gia Bình cho biết, hai lực lượng này đến hiện trường nơi tranh chấp theo chỉ đạo của UBND xã để giải quyết vấn đề an ninh trật tự tại địa phương, khi nhận được tin báo của người dân.

Bà Đẹp bên thửa đất đang tranh chấp.

Ðược sự uỷ quyền của người cô ruột là bà Lê Thị Nem, bà Lê Thị Ðẹp (ngụ ấp Phước Hiệp, xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng) gửi đơn đến Báo Tây Ninh trình bày như sau: bà nội của bà Ðẹp là bà Vương Thị Ý (mất năm 1972), cha của bà Ðẹp là liệt sĩ Lê Văn Kiệp (hy sinh năm 1966). Sinh thời, bà Ý có phần đất thổ cư hơn 1.000m2 toạ lạc tại ấp Chánh, xã Gia Bình. Trên đất có cất một căn nhà ngói kiểu xưa. 

Bà nội, cha và hai người cô của bà Ðẹp trước đây sống trong căn nhà này. Từ khi bà nội mất, cha hy sinh, hai người cô ruột của bà Ðẹp là Lê Thị Nem và Nguyễn Thị Tám (đổi họ do chiến tranh) tiếp tục sống trong căn nhà, quản lý, sử dụng thửa đất. Trên thửa đất còn có khu thổ mộ gia tộc, kể cả cha và bà nội của bà Ðẹp cũng được an táng tại đây. Sau này, bà Tám có cất một căn nhà mái tôn ở riêng gần đó trên cùng thửa đất.

Cũng theo đơn, sau năm 1975, Nhà nước kêu gọi nhân dân thực hiện kê khai và đăng ký QSDÐ. Trong lúc đi làm thủ tục, bà Nem gặp một người cháu tên Vương Văn Hiệp, người này chủ động nhận giúp bà Nem đăng ký đất. Vì ông Hiệp là chỗ con cháu trong dòng họ ruột, ngụ kế bên nhà, lại đang là cán bộ địa chính xã nên bà Nem tin tưởng giao hồ sơ cho ông Hiệp đăng ký giúp.

Sau đó, bà Nem có hỏi về giấy tờ đất đã nhờ người cháu làm giùm, nhưng ông Hiệp cứ hẹn lần hẹn lữa mà không giao cho bà Nem. Mãi đến gần đây, bà Nem mới phát hiện ông Hiệp đã đứng tên luôn trên phần đất của bà. Việc tranh chấp đất giữa hai người cô và Hiệp bắt đầu xảy ra.

“Trong quá trình tranh chấp, gia đình ông Hiệp ngăn cản không cho hai người cô sửa nhà, khoan giếng, xịt thuốc khai quang cỏ dại, thậm chí còn tự ý đập phá nhà tắm, chuồng heo, nhà nấu ăn, chặt bỏ bụi trúc của bà Tám. Nghiêm trọng hơn, vào sáng chủ nhật 30.7.2017, ông Hiệp khoá cổng không cho bà Nem và bà Tám vào nhà.

Ðồng thời, đi cùng ông Hiệp còn có cả lực lượng Công an và Xã đội của xã Gia Bình xuống tận nơi, trong khi vụ việc tranh chấp đất chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết xong”- bà Ðẹp kể. Theo video clip do bà Ðẹp cung cấp, vụ việc xảy ra hôm đó khá đông người, có xảy ra xô xát giữa hai bên gia đình và những người mặc đồng phục Xã đội, Công an xã.

Biên bản làm việc của UBND xã Gia Bình ngày 30.7.2017 về việc “đình chỉ xây dựng trên phần đất cho ở tạm” nêu: “Theo đơn của bà Lê Thị Mai (vợ ông Hiệp), bà Tám và các con của bà Tám ở tạm trên phần đất của gia đình bà Mai. Bà Tám và các con đã đi ở ổn định nơi khác nhưng chẳng những không chịu tháo dỡ nhà trả lại hiện trạng đất cho chủ, mà còn quay lại định xây nhà ở luôn với mục đích chiếm đoạt đất.

Thực tế, gia đình bà Tám đã cho xe chở đồ đạc xuống ngay vị trí đất nhằm cất nhà kiên cố, nên gia đình bà Mai mới ngăn cản... Trong khi chờ chính quyền giải quyết, đề nghị hai bên gia đình phải giữ nguyên hiện trạng đất, giữ gìn an ninh trật tự địa phương, nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Tiếp đến, biên bản hoà giải ngày 14.12.2017 của UBND xã Gia Bình, bên phía bà Nem và bà Tám vẫn một mực khẳng định như nội dung trên, riêng ông Hiệp giải thích kỹ hơn về nguồn gốc sử dụng đất. Ông Hiệp cho hay, thửa đất này là của ông Vương Văn Kiên (ông nội của ông Hiệp) mua lại từ vợ chồng của một người quốc tịch Pháp vào năm 1928.

Ðến năm 1938 được cải chính tại Tây Ninh và có giấy mua bán vào thời điểm đó hẳn hoi. Ông Hiệp là người thừa kế duy nhất và được Nhà nước cấp giấy chứng nhận QSDÐ vào năm 1982… Ðến năm 2003, ông Hiệp tiến hành làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận QSDÐ theo bản đồ chính quy. Kể cả vị trí đất ngay tại khu mộ gia tộc cũng đã được ông Hiệp đứng tên trong giấy chứng nhận QSDÐ.

“Bà Vương Thị Ý chỉ ở đậu trên phần đất của ông Vương Văn Kiên. Khi bà Ý mất, các con của bà Ý là bà Nem và bà Tám tiếp tục ở đó. Nay hai bà này được con cháu rước về ở ổn định nơi khác thì phải trả lại phần đất cho người đứng tên quyền sử dụng. Bà Nem, bà Tám và các con không được xây dựng bất cứ công trình nào khác trên đất, chờ kết quả xử lý của cơ quan có thẩm quyền. Việc bà Ðẹp cho rằng tôi đã đập phá tài sản của bà Tám là không đúng sự thật”, ông Hiệp nêu ý kiến.

Qua trao đổi với bà Ðẹp, bà đã phản bác lại nội dung mà ông Hiệp vừa nêu. Bà Ðẹp đưa ra vấn đề: “Mồ mả của ông cố, bà cố, bà nội, bác hai, cha, anh hai và chị ba của tôi… đều nằm trên thửa đất đang tranh chấp. Bác hai tôi sinh ra và lớn lên tại căn nhà ngói từ năm 1916 thì làm gì có chuyện ông Kiên mua đất của người Pháp vào năm 1928? Hơn nữa, nhà của cô Nem và cô Tám trên thửa đất đều có hộ khẩu và số nhà cụ thể từ khá lâu, làm sao ông Hiệp có thể bảo là các cô của tôi chỉ ở đậu?”. Ðược biết, vừa qua, TAND huyện Trảng Bàng tiến hành thụ lý vụ án.

Về vấn đề phản ánh Công an và Xã đội có mặt tại hiện trường tranh chấp, ông Dương Văn Y - Chủ tịch UBND xã Gia Bình cho biết, hai lực lượng này đến hiện trường nơi tranh chấp theo chỉ đạo của UBND xã để giải quyết vấn đề an ninh trật tự tại địa phương, khi nhận được tin báo của người dân.

QUỐC SƠN

Tin cùng chuyên mục