Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Công bố danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
Thứ ba: 23:09 ngày 27/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hội đồng Bầu cử Quốc gia quyết nghị công bố danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV.

Cong bo danh sach 868 nguoi ung cu dai bieu Quoc hoi khoa XV hinh anh 1

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 27/4, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức họp báo công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Tỷ lệ 1,74 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu

Tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường đã công bố Nghị quyết số 559/NQ-HĐBCQG công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước.

Theo đó, Hội đồng Bầu cử Quốc gia quyết nghị công bố danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV.

Theo danh sách, trong tổng số 868 người ứng cử, số người ứng cử do Trung ương giới thiệu là 203 người; địa phương có 665 người; đạt tỷ lệ 1,74 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu (trong đó có 9 người tự ứng cử).

Về cơ cấu kết hợp chung của cả nước, người ứng cử là phụ nữ: 393 người (tỷ lệ 45,28%); người ứng cử là người dân tộc thiểu số: 185 người (tỷ lệ 21,31%); người ứng cử là người ngoài Đảng: 74 người (tỷ lệ 8,53%).

Về trình độ chuyên môn, người ứng cử có trình độ trên đại học: 564 người (tỷ lệ 64,98%); người ứng cử có trình độ đại học: 294 người (tỷ lệ 33,87%); người ứng cử có trình độ dưới đại học: 10 người (tỷ lệ 1,15%).

Về trình độ lý luận chính trị, Cử nhân: 55 người (tỷ lệ 6,34%); Cao cấp: 587 người (tỷ lệ 67,63%); Trung cấp: 111 người (tỷ lệ 12,79%); Sơ cấp: 35 người (tỷ lệ 4,03%); có 80 người không có chứng chỉ về trình độ lý luận chính trị (tỷ lệ 9,22%).

Về trình độ ngoại ngữ, tin học: Hầu hết người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học.

Theo Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường, người ứng cử là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử: 205 người (tỷ lệ 23,62%); người ứng cử là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 224 người (tỷ lệ 25,81%).

Về độ tuổi bình quân (tính trung bình trong 868 người ứng cử): 46 tuổi (Người cao tuổi nhất là 77 tuổi; người trẻ tuổi nhất là 24 tuổi).

Đáng chú ý, trong số 203 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở Trung ương, các cơ quan Đảng: 11 người (tỷ lệ 5,42%); Cơ quan Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp: 5 người (tỷ lệ 2,46%); Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương): 129 người (tỷ lệ 63,55%); Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an): 15 người (tỷ lệ 7,39%); Lực lượng vũ trang: Quân đội (cơ quan Bộ, các quân khu, quân chủng và lĩnh vực trọng yếu): 12 người (tỷ lệ 5,91%); Công an: 2 người (tỷ lệ 0,99%); Kiểm toán nhà nước: 1 người (tỷ lệ 0,49%); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên: 28 người (tỷ lệ 13,79%).

Về cơ cấu kết hợp: Phụ nữ 45 người (22,17%); dân tộc thiểu số 22 người (10,84%); tôn giáo 4 người (1,97%); người ngoài Đảng 4 người (1,97%); Trình độ học vấn (trên Đại học: 168 người, 82,76%; Đại học: 35 người, 17,24%; dưới Đại học: 0); Tái cử 99 người (48,77%); Trẻ tuổi 5 người (2,46%).

Trong số 665 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở địa phương, người ứng cử là phụ nữ: 348 người (tỷ lệ 52,33%); người ứng cử là người dân tộc thiểu số: 163 người (tỷ lệ 24,51%); người ứng cử là người ngoài Đảng: 70 người (tỷ lệ 10,53%).

Về trình độ chuyên môn, người ứng cử có trình độ trên đại học: 396 người (tỷ lệ 59,55%); người ứng cử có trình độ đại học: 259 người (tỷ lệ 38,95%); người ứng cử có trình độ dưới đại học: 10 người (tỷ lệ 1,5%).

Người ứng cử là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 219 người (tỷ lệ 32,93%); người ứng cử là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử: 106 người (tỷ lệ 15,94 %).

Quy trình bầu cử chặt chẽ

Tại cuộc họp báo, đại diện một số tiểu ban của Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã trả lời một số vấn đề mà phóng viên báo chí quan tâm liên quan đến công tác nhân sự, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19…

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Phó trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Nhân sự của Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết công tác nhân sự là nội dung quan trọng với mục tiêu cuối cùng là lựa chọn được đại biểu ưu tú nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước để tham gia cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cong bo danh sach 868 nguoi ung cu dai bieu Quoc hoi khoa XV hinh anh 2

Trưởng Ban công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu, thông tin đến phóng viên cơ quan báo chí. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngay từ những ngày đầu, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cơ quan được phân công đã tham mưu rất sớm với Bộ Chính trị, Ban Bí thư để ban hành phương án về đề án về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp. Trong đó, quy định rõ số lượng đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn, điều kiện đại biểu Quốc hội nói chung, trong đó có đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan đã bám sát, tham mưu Hội đồng Bầu cử Quốc gia thực hiện chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bám sát theo quy định pháp luật hiện hành.

Bà Nguyễn Thị Thanh cũng thông tin về việc số người ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương giảm đi 2 người sau hiệp thương lần 3.

Trường hợp thứ nhất là ông Võ Trọng Việt, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội được giới thiệu ở cơ cấu Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thuộc khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vì lý do sức khỏe không đảm bảo, rất khó thực hiện nhiệm vụ của ứng cử viên đại biểu Quốc hội như tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử.

Trường hợp này, các cơ quan đã xin ý kiến của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, báo cáo Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Hội đồng Bầu cử Quốc gia thống nhất cho rút khỏi danh sách đối với ông Võ Trọng Việt.

Trường hợp thứ hai là bà Phạm Thị Bích Ngọc, Hàm Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội đã có đơn gửi Hội đồng Bầu cử Quốc gia xin rút vì lý do gia đình.

Đối với trường hợp Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn có trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trước thông tin cơ quan công an làm việc với Bệnh viện Tim Hà Nội liên quan đến những vấn đề trong thời gian ông Tuấn làm Giám đốc bệnh viện này, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, sau khi báo chí đưa tin, Tiểu ban Nhân sự đã chủ động có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị có thông tin chính thức và Bộ Công an đã có văn bản trả lời.

Theo văn bản trả lời, ông Tuấn có ký một số văn bản có liên quan nhưng để khẳng định ông Tuấn có vi phạm pháp luật hay không thì đang trong quá trình điều tra.

Bà Nguyễn Thị Thanh khẳng định, quy trình bầu cử rất chặt chẽ, đã trải qua 3 vòng hiệp thương lựa chọn người ứng cử, lập danh sách chính thức. Tới đây, ngay cả trong quá trình bầu cử, thậm chí đã trúng cử, nếu người nào vi phạm pháp luật, không đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội thì vẫn bị các cơ quan có trách nhiệm xử lý.

Đối với rà soát quốc tịch của người ứng cử, tránh tình trạng đáng tiếc từng xảy ra ở nhiệm kỳ trước là một đại biểu có hai quốc tịch, bà Thanh cho biết Hội đồng Bầu cử Quốc gia phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để rà soát nhân thân, xác minh kê khai của những người ứng cử, bảo đảm thông tin kê khai chính xác.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra an toàn, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Văn bản Pháp luật và Thông tin tuyên truyền của Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, hiện nay các cơ quan chức năng đang chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch, đặc biệt là các biện pháp cách ly người nhập cảnh, siết chặt kiểm soát biên giới, vận động nhân dân thực hiện khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế.

Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng có hướng dẫn thực hiện các biện pháp an toàn, sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tại các điểm bầu cử. Trong thời điểm bỏ phiếu, nếu địa phương nào xảy ra dịch thì kịp thời báo cáo để có chỉ đạo, áp dụng kịp thời các biện pháp phòng chống dịch.

Nguồn TXVN/Vietnam+

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục