Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 18.10, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) tổ chức hội nghị trực tuyến đến 63 tỉnh, thành công bố Quyết định Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá và thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2045. Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Hoàng Đạo Cương chủ trì hội nghị.
Lãnh đạo Sở VHTT-DL cùng các sở, ngành của tỉnh tham dự hội nghị trực tuyến
Tại điểm cầu Tây Ninh, ông Trần Anh Minh- Giám đốc Sở VHTT-DL cùng lãnh đạo các sở, ngành tham gia hội nghị.
Quy hoạch nhằm phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao gắn với cơ chế thị trường, là nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao; hình thành các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ học tập, rèn luyện suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đến năm 2045, Bộ VHTT-DL đặt mục tiêu mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia phát triển cân đối, phân bố không gian hợp lý, trở thành thương hiệu đại diện cho nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc; hình thành những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, có tính biểu tượng cho Việt Nam hội nhập trong thế kỷ XXI, trở thành những dấu ấn lịch sử và di sản dành cho tương lai.
Về quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ VHTT-DL định hướng phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu; chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác; góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.
Theo đó, mục tiêu năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới; đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.
Phát triển cơ sở vật chất cũng là một trong những điểm thu hút khách đến với địa phương.
Để đạt được mục tiêu thu hút khách du lịch giữa các địa phương và du khách quốc tế, Bộ đưa ra phương hướng khai thác tối ưu tài nguyên du lịch biển, đảo, phát triển các trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp, có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế; phát huy giá trị văn hóa vùng, miền, làm nền tảng xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu lối sống, ẩm thực; kết nối các di sản Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới.
Cùng với đó là phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái dựa trên lợi thế về tài nguyên tự nhiên, đặc biệt là tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và khu bảo tồn biển; coi trọng phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn, sinh thái miệt vườn, sinh thái hang động, sông, hồ.
Bộ VHTT-DL cũng xác định, phát triển các loại hình du lịch mới theo hướng đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với những xu hướng mới của thị trường, như: du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao, thể thao mạo hiểm; du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE); du lịch giáo dục; du lịch du thuyền; du lịch công nghiệp; phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, nổi trội theo vùng; hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng và tạo dựng thương hiệu du lịch vùng trên cơ sở tăng cường liên kết vùng…
Phát triển các loại hình du lịch và định hướng không gian du lịch là một trong những giải pháp được Bộ VHTT-DL đặt ra trong phát triển du lịch thời gian tới.
Theo Bộ VHTT-DL, để việc quy hoạch thực hiện theo đúng mục tiêu, trước mắt, đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy hoạch đến các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động. Trên cơ sở nội dung quy hoạch, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phối hợp triển khai kế hoạch đảm bảo đồng bộ, tăng cường tính chủ động, trách nhiệm. Các đơn vị, địa phương cũng cần chủ động sửa đổi cơ chế, chính sách thực hiện phù hợp với quy hoạch ban hành, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng hiệu quả công việc.
Ngọc Diêu