Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngày 24/5, tại thành phố Việt Trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ Ba và công bố Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày 24/5, tại thành phố Việt Trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ Ba và công bố Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận hội nghị.
Các đồng chí: Trần Lưu Quang - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 14 tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc gồm: Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
Các đồng chí chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị, về phía tỉnh Phú Thọ có các đồng chí: Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phùng Khánh Tài - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao Quyết định phê duyệt quy hoạch vùng cho lãnh đạo các địa phương.
Hội nghị đã công bố Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, vùng Trung du và miền núi phía Bắc trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, có khung kết cấu hạ tầng cơ bản kết nối nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội và tiểu vùng Bắc Trung Bộ; thực hiện phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp giá trị cao, hữu cơ, đặc sản, xanh, tuần hoàn; kinh tế cửa khẩu, du lịch; bảo vệ, khôi phục rừng. Bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Quy hoạch nhấn mạnh 6 quan điểm mang tính chiến lược, cốt lõi: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc phải phát triển nhanh, bền vững, toàn diện. Phát triển kinh tế trên cơ sở tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng và quốc tế. Gìn giữ và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa các dân tộc; phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội. Tổ chức không gian theo các tiểu vùng, vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang gắn với vùng phát triển Thủ đô Hà Nội và các vành đai kinh tế. Tăng cường quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc.
Quy hoạch đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá: Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và với Trung Quốc, Lào. Tập trung phát triển khu vực động lực, các cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế quan trọng, các ngành kinh tế có lợi thế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng và hợp tác quốc tế. Thực hiện thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới, đặc thù trong phát triển vùng, đặc biệt là đối với các địa bàn, khu vực giữ vai trò quan trọng về bảo vệ rừng, an ninh biên giới, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã báo cáo về triển khai Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc; sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Tham luận tại hội nghị, đồng chí Bùi Văn Quang – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị Hội đồng điều phối vùng xem xét, rà soát, điều chỉnh bổ sung Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước theo hướng tăng điểm tiêu chí, tăng nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho Vùng trong thời gian tới. Tăng cường hỗ trợ nguồn vốn ODA cho các địa phương, giảm tỷ lệ vốn vay lại trong tổng nguồn ODA/dự án còn 10%; nâng tỷ lệ dư nợ vay từ ngân sách địa phương theo Điều 7 Luật Ngân sách; tăng tỷ lệ vốn góp Nhà nước tham gia dự án giao thông theo phương thức PPP lên mức 70% tổng mức đầu tư dự án. Xem xét điều chỉnh tỷ lệ điều tiết từ nguồn thu xuất nhập khẩu với các địa phương.
Đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tham luận tại hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sớm ban hành một chính sách chung, liên quan đến việc cấp chứng chỉ các-bon, để các địa phương thuận lợi trong triển khai thực hiện. Đồng thời có chính sách ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án về giao thông liên vùng; có các quy định cụ thể trong việc cho thuê tài sản công trong lĩnh văn hóa, thể thao. Hội đồng điều phối vùng nghiên cứu xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể trong việc tổ chức sản xuất giữa các tỉnh trong vùng.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu quang bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao với những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu dự hội nghị. Đồng chí khẳng định: Vấn đề liên kết vùng đã có từ lâu, có ý nghĩa với sự phát triển của các địa phương. Hội nghị công bố Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cách tiếp cận mới, khoa học, bài bản hơn, đã định hướng, chỉ ra mục tiêu để các địa phương cùng phát triển bền vững; đưa ra khung khái niệm để tính toán kế hoạch cụ thể cho từng năm, đề ra giới hạn kiểm soát sự phát triển của từng tỉnh cho phù hợp với sự phát triển bền vững chung của vùng. Đối với khu vực Trung du và miền núi phía Bắc – là khu vực còn nhiều khó khăn, cần rất nhiều nguồn lực, thời gian, giải pháp đặc thù để phát triển bền vững. Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành nhanh chóng hoàn thiện các đề án, kế hoạch, văn bản đã, đang triển khai, tạo thuận lợi cho việc thực thi. Đối với các địa phương, cần quan tâm phát triển hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, nhất là giữa các địa bàn, địa phương khu vực giáp ranh. Quan tâm phát triển du lịch, các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc, đặc trưng riêng của từng địa phương. Đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, nhất là công tác giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng giao thông. Các địa phương cũng cần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác triệt để chuyển đổi số, đặc biệt là Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Với những kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo Bộ KH-ĐT và các địa phương, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ xem xét căn cứ trong điều kiện các quy định đã ban hành và có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Trung ương vì sự phát triển chung của vùng và của từng địa phương./.
Nguồn BAOPHUTHO.VN