Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Việc công bố thông tin những cô gái liên quan đến đường dây bán dâm là TT và TH hoàn toàn không vi phạm điều gì nhưng nó để lại rất nhiều hệ lụy.
Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên - người vừa được công an xác nhận không phải là người đẹp TT trong đường dây mại dâm.
Thế nhưng danh dự của nàng hậu liệu lấy lại được bao nhiêu, khi mà người tin thì sẽ tin, còn kẻ định kiến ắt có “suy nghĩ khác”. Điều này đặt ra vấn đề về hệ lụy của việc công bố tên viết tắt những người liên quan trong một số vụ việc.
Khi thông tin về đường dây mại dâm do Lê Hoàng Long điều hành bị triệt phá được công bố chính thức, có hai điều mà cư dân mạng bàn tán đó là giá mua bán dâm và… ai là TT, TH. Hai người được nhắc đến khá nổi trong giới showbiz Việt và từng đoạt thứ hạng cao tại các cuộc thi hoa hậu đã tham gia đường dây bán dâm.
Lê Hoàng Long - "tú ông" điều hành đường dây mại dâm có sự tham gia của nhiều cô gái từng đạt thứ hạng cao tại các cuộc thi sắc đẹp. Ảnh: CAND
Thậm chí, khi giá mua bán dâm tạm lắng xuống thì việc đồn đoán ai là TT và TH vẫn còn rất sôi nổi. Dễ hiểu thôi, cái gì càng mập mờ thì người ta càng tò mò, suy đoán.
Nếu nói về trách nhiệm của những người tung lời đồn đoán không rõ căn cứ và ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người khác thì chúng ta đã phân tích và bàn luận nhiều rồi. Nhưng đó là việc xử lý hành vi đã xảy ra, là “chuyện đã rồi”. Uy tín, danh dự của những người bị đồn đoán sai cũng đã bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Trong vụ Lê Hoàng Long bị bắt nêu trên, Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên chính là người bị cư dân mạng réo tên chỉ vì có tên viết tắt là TT. Đối với một cô gái, đặc biệt lại là một hoa hậu, việc bị đồn đoán là người tham gia đường dây mua bán dâm đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm và hình ảnh của nàng hậu, kéo theo đó có thể là thiệt hại về kinh tế.
Để bảo vệ mình, Thùy Tiên đã chính thức dùng biện pháp pháp lý, lập vi bằng ghi nhận những đồn đoán sai sự thật về mình, nhờ luật sư vào cuộc và sẵn sàng cho con đường kiện tụng. Người mà Hoa hậu Thùy Tiên yêu cầu xử lý là người có sức ảnh hưởng trên mạng, lượng theo dõi và tương tác cao.
Thế nhưng trên thực tế, còn bao nhiêu người khác đã và đang đăng trạng thái ẩn ý có, công khai có hướng đến cô và những người “xui xui” có tên viết tắt tương tự như trên? Liệu Thùy Tiên có thể phát hiện, tổng hợp, xử lý toàn bộ đến nơi đến chốn cho rốt ráo vấn đề hay không? Đó là chưa kể ngoại trừ những thông tin đồn đoán trên mạng thì còn bao nhiêu cuộc rỉ tai nhau trong tiệc trà, tiệc rượu, những buổi gặp riêng theo kiểu “lấy câu chuyện làm quà”.
Từ trường hợp của Hoa hậu Thùy Tiên, có thể thấy rằng việc công bố thông tin những cô gái liên quan đến đường dây bán dâm là TT và TH hoàn toàn không vi phạm điều gì nhưng nó để lại rất nhiều hệ lụy. Vậy nên chăng chúng ta cần xem xét để có quy định cụ thể về việc công bố những dạng thông tin như trên.
Giả dụ như chúng ta hoàn toàn có thể ghi anh A, chị B hay anh Y, chị Z. Với cách ghi này, hoàn toàn không ảnh hưởng đến bản chất vụ việc, thông tin được truyền tải đến người đọc, mà lại hạn chế tối đa việc đồn đoán, gây ảnh hưởng xấu đến những người tự dưng “tai bay vạ gió”.
Ngoài ra, một vấn đề khác cũng cần được xem xét đó là việc mã hóa thông tin nhân thân của người tham gia tố tụng (cả án hình sự và dân sự) với bản án đã có hiệu lực pháp luật và công bố công khai.
Khi tôi tham dự các phiên tòa, các bên đương sự trong vụ án dân sự thường có đơn yêu cầu không công bố thông tin bản án. Và tất cả trường hợp đó, chủ tọa đều giải thích là thông tin sẽ được mã hóa.
Tuy nhiên, việc mã hóa nhưng vẫn nhận diện được rất thường xuyên diễn ra. Giả như đối với án tranh chấp về lao động thì việc một người lao động kiện công ty cũ của mình, dù có thắng kiện đi chăng nữa cũng làm chùn chân nhà tuyển dụng. Hay như tại đề thi kết thúc tập sự hành nghề luật sư, vụ án đã được mã hóa thông tin nhưng phần đông luật sư nhận diện được tên pháp nhân là đương sự. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu của doanh nghiệp có tên trong vụ án. Và trong kinh doanh, tôi tin chắc không doanh nghiệp nào thoải mái với điều này, dù họ đứng về phía bên nguyên hay bên bị.
Việc công bố thông tin vụ án đến người dân dù ở góc độ nào cũng là việc nên làm. Nhưng có lẽ hơn thế nữa, cần phải xem xét lại cách thức công bố tên người liên quan, nhất là trong những vụ việc mang tính nhạy cảm như vụ đường dây mua bán dâm vừa qua. Tránh việc cung cấp thông tin tới người này nhưng lại ảnh hưởng đến người khác.
Nguồn PLO