Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Công nghệ thông tin:
Công cụ đắc lực phòng, chống dịch
Thứ năm: 20:31 ngày 02/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tây Ninh đẩy nhanh chuyển đổi số, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được riển khai hỗ trợ rất tích cực trong công tác lấy mẫu, truy vết, kiểm soát an toàn Covid-19, cung cấp thông tin và hỗ trợ người dân. Qua đó góp phần thực hiện tốt phương châm “5K + Vaccine + Công nghệ” trong phòng, chống dịch Covid-19.

Công chức Sở Thông tin và Truyền thông trực tổng đài 1022 tiếp nhận câu hỏi và trả lời người dân.

KẾT NỐI CHÍNH QUYỀN VỚI NGƯỜI DÂN

Anh T.Q.V ngụ khu phố Ninh Phúc, phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh là một trong những công dân được tỉnh tổ chức đón từ TP. Hồ Chí Minh về trong đợt đầu tiên. Anh V chia sẻ: “Từ đầu tháng 7.2021, khi thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, tôi bị mất việc, không có thu nhập, cuộc sống ở phòng trọ cũng ngày một khó khăn hơn. Nhờ nắm được thông tin tỉnh tổ chức đón người dân lưu trú ở TP. Hồ Chí Minh về, tôi cài App Tây Ninh Smart trên điện thoại và đăng ký về quê.

Lúc nhận được tin nhắn sẽ được về đợt 1 ngày 25.8, tôi và gia đình rất mừng. Chị gái tôi đã chuẩn bị sẵn sàng các loại thực phẩm và dành nguyên căn nhà để tôi yên tâm cách ly theo quy định. Trong thời gian cách ly tại nhà, tôi khai báo sức khoẻ ngày hai lần trên App Tây Ninh Smart”.

Anh T.Q.V cho biết thêm: “Tôi khá bất ngờ về tốc độ phổ cập các ứng dụng trên điện thoại thông minh để hỗ trợ người dân trong thời điểm dịch bệnh của tỉnh. Đặc biệt, lúc về đến Tây Ninh, tôi có một chút trục trặc ở chốt kiểm soát nên đã gọi tổng đài 1022 và được người trực tổng đài hỗ trợ rất tận tình”.

Thời gian qua, ứng dụng Tây Ninh Smart trên điện thoại thông minh, tổng đài 1022 (số 0276.1022), phản ánh hiện trường, hỏi - đáp trực tuyến là những kênh giao tiếp rất hiệu quả giữa chính quyền với người dân trong bối cảnh dịch bệnh phải hạn chế tiếp xúc.

Đặc biệt, để hỗ trợ cho người dân tiếp cận thông tin, từ ngày 1.8.2021, tỉnh đã miễn cước phí tổng đài 1022 cho đến khi kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng Tây Ninh Smart cũng được tích hợp bổ sung thêm nhiều tính năng trong công tác phòng, chống dịch như bản đồ Covid, tạo mã kiểm dịch, quản lý danh sách người ra/vào các địa điểm, hỗ trợ khai báo y tế tại nhà cho tất cả các đối tượng, tạo mã QRcode cá nhân để quản lý trong công tác hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng Covid-19, đưa rước, di chuyển, hỗ trợ giám sát cách ly tại nhà.

Người dân khai báo y tế trên ứng dụng Tây Ninh Smart.

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, chỉ riêng trong tháng 8.2021, hệ thống phản ánh hiện trường ghi nhận 299 phản ánh, hệ thống hỏi - đáp ghi nhận 3.550 câu hỏi và tiếp nhận gần 27.000 cuộc gọi vào tổng đài 1022 (trong đó có 16.818 cuộc gọi nhỡ).

Chị Huỳnh Thị Như Hảo, công chức phòng Giám sát, điều hành Đô thị Thông minh, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Thời điểm này, việc tiếp nhận thông tin qua tổng đài 1022, phản ánh hiện trường và hỏi - đáp trực tuyến chủ yếu liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Người dân phản ánh về việc chấp hành chưa tốt các quy định phòng, chống dịch, việc thực hiện “3 tại chỗ” của công nhân, việc đi chợ... Còn các câu hỏi của người dân hầu như xoay quanh vấn đề đăng ký tiêm vaccine Covid-19, hồ sơ trợ cấp cho lao động tự do, đăng ký đón người dân từ thành phố Hồ Chí Minh về, di chuyển từ nơi khác về tỉnh và di chuyển nội tỉnh.

Ngoài ra, cũng có một số người dân gọi đến tổng đài 1022 xin được hỗ trợ lương thực thực phẩm trong thời gian phong toả phục vụ việc lấy mẫu xét nghiệm tổng sàng lọc SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh và thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Đối với những trường hợp này, chúng tôi ghi nhận lại thông tin của người dân chuyển về địa phương nhờ hỗ trợ hoặc cho số của ban chỉ đạo phòng chống dịch của từng xã, phường, thị trấn để người dân liên hệ trực tiếp”.

NHIỀU NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ ĐƯỢC ÁP DỤNG

Khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng loạt ứng dụng CNTT đã được Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu tỉnh triển khai. Có thể kể đến hệ thống tiếp nhận thông tin phản ánh người dân và ứng dụng trên di động (1022 Tây Ninh); lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các cơ sở cách ly tập trung và lắp đặt wifi tại các khu vực cách ly y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Gần đây là triển khai nền tảng công nghệ tiêm chủng Vaccine Covid-19, nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện xây dựng phần mềm nhập số liệu báo cáo ngày cho UBND tỉnh, Tỉnh ủy liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Sở phối hợp Zalo xây dựng trang kênh OA Zalo “BCĐ phòng chống dịch Covid -19 Tây Ninh” tích hợp nhiều chức năng như xác nhận nơi đến, quét QRcode, khai báo sức khoẻ hằng ngày, phản ánh dịch bệnh, đăng ký nhận trợ cấp, đăng ký tiêm vaccine, khai báo tại chốt kiểm soát phòng chống dịch.

Đối với ứng dụng Tây Ninh Smart trên thiết bị di động, nhờ tích hợp nhiều chức năng và cung cấp nhiều thông tin hữu ích, mức độ quan tâm của người dân đối với ứng dụng này ngày càng tăng. Tính đến ngày 28.8 đã có gần 85.000 thiết bị cài đặt ứng dụng này trên điện thoại di động.

Tình nguyện viên lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 quét mã QRcode tờ khai y tế của người dân.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo rất sát sao, đưa ra yêu cầu để nắm thông tin quản lý trong công tác chỉ đạo điều hành.

Thời gian qua, việc ứng dụng CNTT trong công tác phòng chống dịch mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, thuận lợi cho cả người dân và cơ quan quản lý nhà nước. Đối với người dân, giúp họ nắm thông tin chính xác và tin tưởng vào chỉ đạo điều hành của tỉnh.

Ứng dụng CNTT cũng giúp cán bộ địa phương quản lý và nắm được thông tin số lượng người dân từ địa phương khác đăng ký về tỉnh để xác minh cách ly, quản lý số lượng đăng ký hưởng trợ cấp do ảnh hưởng dịch, đánh giá, nắm được số liệu chính xác.

Nhờ ứng dụng hiệu quả CNTT, từ ngày 25 đến 29.8, trên 1.500 người dân lưu trú tại thành phố Hồ Chí Minh được tỉnh tổ chức đón về địa phương một cách khoa học, chu đáo, an toàn. Trong thời gian tới, sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục theo sát và đồng hành cùng sở Y tế đưa ra các đề xuất trong công tác quản lý trên nền tảng công nghệ nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, sớm đưa Tây Ninh trở về trạng thái “bình thường mới”.

Phương Thuý

Tin liên quan