Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cộng đồng trách nhiệm trong xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở
Thứ hai: 07:43 ngày 15/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để xây dựng đời sống văn hoá và để văn hoá trở thành nền tảng tinh thần nâng cao chất lượng cuộc sống, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, rất cần sự cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và người dân.

Đời sống văn hoá cơ sở được xây dựng trước hết từ nhận thức, hành vi, hành động của mỗi người- bất kể đó là người dân hay cán bộ, công chức, viên chức. Để xây dựng đời sống văn hoá và để văn hoá trở thành nền tảng tinh thần nâng cao chất lượng cuộc sống, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, rất cần sự cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và người dân.

Ảnh minh hoạ

Giảm chất lượng cuộc sống vì karaoke, nhạc sống tự phát

Không thể phủ nhận những giá trị văn hoá tinh thần mà lời ca tiếng hát mang lại cho con người. Những điểm “hát cho nhau nghe” trên địa bàn tỉnh còn góp phần giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể đờn ca tài tử Nam bộ. Tuy nhiên, những hoạt động văn hoá văn nghệ trên địa bàn khu dân cư hiện nay vẫn còn nặng tính tự phát, vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân thiếu ý thức và do thiếu sự hướng dẫn, kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng, gây ra những hệ luỵ không hề nhỏ trong đời sống cộng đồng. Tình trạng “phát âm thanh gây tiếng ồn trong khu dân cư” không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sức khoẻ, việc học tập của con em mà còn gây “sứt mẻ” tình cảm hàng xóm láng giềng, gây mất an ninh trật tự, thậm chí đã từng xảy ra án mạng.

Từ thực tế cuộc sống đặt ra những yêu cầu về giải pháp chấn chỉnh, xử lý đối với cơ quan quản lý nhà nước. Đây cũng chính là những nội dung được các đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Trần Anh Minh tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Linh nêu tình trạng hát karaoke di động, loa kẹo kéo, nhạc sống diễn ra tràn lan. Mặc dù đã có quy định về việc bảo đảm sự yên tĩnh tại khu dân cư, nơi công cộng (từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau và quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu vi phạm theo Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP - PV), nhiều người vẫn tổ chức hát suốt ngày đêm, gây ảnh hưởng sức khoẻ, tâm lý của người “bị” nghe, gây bức xúc. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết trách nhiệm xử lý vấn nạn này và giải pháp trong thời gian tới.

Ông Trần Anh Minh cho biết, hoạt động văn hoá văn nghệ “phát ra âm thanh gây tiếng ồn trong khu dân cư” đã được nhận diện. Để quản lý vấn đề này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2320 ngày 23.10.2019 ban hành quy chế phối hợp trong quản lý việc sử dụng phương tiện phát âm thanh trong hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Quy chế 2320).

Quy chế 2320 phân cấp cho UBND cấp xã thực hiện chức năng kiểm tra, kiện toàn và nâng cao chất lượng Đội kiểm tra liên ngành văn hoá - xã hội; chỉ đạo đội này tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về việc sử dụng phương tiện phát âm thanh trong hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ theo thẩm quyền. Chủ tịch UBND cấp xã thiết lập đường dây nóng; phổ biến Quy chế trên hệ thống loa truyền thanh, niêm yết tại trụ sở và phổ biến đến từng tổ tự quản. Khi nhận được phản ánh của công dân thì phải chỉ đạo lực lượng chức năng nhanh chóng đến hiện trường kiểm tra, nhắc nhở hoặc lập biên bản xử lý nghiêm, kịp thời hành vi vi phạm quy định theo Quy chế này. Riêng công chức, viên chức vi phạm và bị xử lý vi phạm hành chính thì phải phản ánh bằng văn bản về cơ quan, đơn vị nơi người đó làm việc. Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, tới đây ngành sẽ phối hợp UBND cấp huyện nắm số liệu, tiếp tục tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh.

Trên cơ sở trả lời chất vấn, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cho rằng, trách nhiệm quản lý đã rõ, đề nghị Giám đốc Sở VH,TT&DL rà soát xem trên thực tế có triển khai Quy chế được hay không và có bảo đảm đủ các điều kiện để Đội kiểm tra liên ngành văn hoá - xã hội thực hiện nhiệm vụ hay không? Trường hợp chưa bảo đảm được thì phải tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải pháp và tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tăng cường thông tin tuyên truyền cho người dân biết, nhất là thông tin số điện thoại đường dây nóng để người dân biết đầu mối phản ánh. Đối với các điểm “hát với nhau” đã được cấp phép, ngành cần có hướng dẫn, theo dõi để các điểm này thực hiện theo đúng quy định, định hướng, mục tiêu, tránh tình trạng hoạt động làm ảnh hưởng đến cộng đồng.

Một bãi tập kết rác thường xuyên bị người dân lén vứt rác thải ở xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành.

Vứt rác bừa bãi: Phải thay đổi từ ý thức của người dân

Tình trạng vứt rác bừa bãi trên các tuyến đường vắng, ở các bãi đất trống… khiến rác tồn đọng, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến mỹ quan chung và chất lượng cuộc sống của các hộ lân cận đã được phản ánh tại nhiều đợt tiếp xúc cử tri. Nội dung này cũng đã được HĐND tỉnh lựa chọn làm nội dung chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tại kỳ họp trước. Tuy đây là hành động nhỏ nhưng về lâu dài đã ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng nếp sống văn hoá và ảnh hưởng tính thực chất của các danh hiệu văn hoá: gia đình văn hoá, ấp/khu phố văn hoá... đã được các ngành chức năng bình xét, công nhận.

Theo Sở VH,TT&DL, năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 269.165/296.084 gia đình văn hoá, đạt tỷ lệ 90,91%; 531/535 ấp, khu phố văn hoá, đạt tỷ lệ 99,25%.

Như vậy theo các con số trên, tỷ lệ đạt các danh hiệu văn hoá rất cao. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Chi, nhiều gia đình, ấp, khu phố đã được công nhận danh hiệu văn hoá, văn hoá tiêu biểu nhưng trên địa bàn vẫn còn sự nhếch nhác do có nhiều tấm pa-nô tuyên truyền chưa được kiểm chứng hoặc hết hiệu lực hoặc cũ nát rất phản cảm; tình trạng vứt rác bừa bãi trong khu dân cư- kể cả những khu đã được công nhận văn hoá vẫn còn; có những hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hoá nhưng không đăng ký thu gom rác. Đại biểu đặt vấn đề: “Việc xét các danh hiệu văn hoá đã thực chất chưa? Có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?”.

Giám đốc Sở VH,TT&DL Trần Anh Minh thừa nhận thực trạng tỷ lệ đạt trong xét tặng các danh hiệu văn hoá cao nhưng trên thực tế vẫn còn thực trạng đáng buồn như đại biểu đã nêu. Ông cho biết thêm, thời gian qua, việc xét tặng các danh hiệu văn hoá được thực hiện căn cứ Nghị định 122 của Chính phủ, có những nội dung chưa hợp lý về khâu chấm điểm. Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng nghị định mới theo hướng khắc phục những bất cập này. Ngành sẽ theo dõi sát và tham mưu UBND tỉnh thực hiện hiệu quả theo quy định mới để việc xét các danh hiệu văn hoá trong thời gian tới thực chất, hiệu quả hơn.

Trả lời bổ sung nội dung xử lý rác thải trong khu dân cư, Giám đốc Sở TN&MT Văn Tiến Dũng cho biết, đây là vấn đề đã được chất vấn tại kỳ họp thứ 10. Sở đã và đang thực hiện theo lời hứa tại phiên chất vấn. Thời gian qua, Sở đã phối hợp với MTTQ và các tổ chức hội, đoàn thể, các cơ quan báo chí để tuyên truyền, giáo dục tới cơ sở, người dân không vứt rác bừa bãi. Hiệu quả có thể thấy rõ là tuyến dọc quốc lộ 22 và tuyến đường nội bộ các xã, tuyến đường đi Tân Biên, Tân Châu, lượng rác thải vứt hai bên đường đã giảm rất nhiều so với trước. Về chuyên môn, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phân luồng, xử lý rác thải sinh hoạt hiệu quả. Hiện nay phân luồng cho rác thải tại Hoà Thành, Bến Cầu về xử lý tại nhà máy rác của Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương; lượng rác thải còn lại do Nhà máy xử lý rác Tân Hưng của Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tây Ninh xử lý. Nhà máy này cũng có thêm một dây chuyền mới, bảo đảm trước mắt không có lượng rác tồn phát sinh mới.

Về hành vi vứt rác bừa bãi và vẫn còn nhiều hộ gia đình không đóng tiền thu gom rác, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “Vấn đề này thuộc về ý thức, thói quen xấu của người dân; cần tăng cường tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” cho người dân hiểu và thực hiện”.

Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ với ngành Văn hoá rằng, ngoài trách nhiệm trước hết của cơ quan quản lý nhà nước thì trách nhiệm, ý thức của người dân trong tham gia xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh là rất quan trọng. Với vai trò một đại biểu HĐND tỉnh, ông mong cử tri phát huy tinh thần xây dựng, cộng đồng trách nhiệm cùng chính quyền địa phương trong xây dựng đời sống văn hoá, nhất là tham gia dịch vụ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn.

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh