Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Văn bản số 1151/BGDĐT-HSSV gửi các Sở GD&ĐT về việc phối hợp đẩy nhanh tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi.

Nội dung văn bản nêu rõ: thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 15.3.2025 về việc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi; nhằm chủ động các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ mắc, lây lan bệnh sởi đối với trẻ em mầm non, học sinh trong các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và cơ quan chức năng tại địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi theo hướng dẫn của ngành Y tế; thực hiện việc theo dõi thường xuyên sức khoẻ của trẻ em mầm non, học sinh và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, không để lây lan trong trường học.
Tăng cường tuyên truyền, vận động cha mẹ, gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế; phối hợp tổ chức các điểm tiêm chủng tại trường học bảo đảm an toàn; thực hiện rà soát, kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học theo hướng dẫn tại Kế hoạch số 980/KH-BYT-BGDĐT ngày 19.7.2023 của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phòng ngừa bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp bằng các hình thức phù hợp; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Sởi có thể mắc ở mọi lứa tuổi kể cả trẻ sơ sinh và trên 70 tuổi cho thấy có khoảng trống trong độ bao phủ vaccine. Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống, thu dung và điều trị bệnh sởi, thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tiếp có các chỉ đạo, ban hành các văn bản hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và phòng, chống bệnh sởi nói riêng; trong đó, công tác truyền thông được tăng cường, đặc biệt là tuyên truyền qua các kênh truyền thông hiện đại để tiếp cận tới nhiều tầng lớp người dân, để người dân đưa con em đi tiêm chủng và phòng ngừa lây nhiễm sởi.
Theo Bộ Y tế, hiện tại cả nước ghi nhận 52.000 ca bệnh sởi, trên thực tế con số này có thể còn cao hơn. Thách thức hiện nay là nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm phòng, khi người mẹ không tiêm phòng thì không có kháng thể bảo vệ, trẻ nguy cơ mắc sởi cao. Do đó, cần phải đẩy mạnh ý thức của người dân về tiêm phòng nói chung và tiêm phòng sởi nói riêng.
Y.K