Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Chưa được quan tâm
Thứ hai: 08:09 ngày 09/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ở một vài nơi chưa thật sự chuyên sâu, chưa được quan tâm; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa được tổ chức thường xuyên.

Dây nịt da cá sấu có giá “siêu rẻ” bày bán tại hội chợ mỹ nghệ thương mại tiêu dùng năm 2020 do Công ty Thảo Vân tổ chức.

Quy định tổ chức hội chợ thương mại rất nghiêm ngặt, nhưng tình trạng vi phạm quy định pháp luật vẫn xảy ra, Báo Tây Ninh đã nhiều lần phản ánh các hoạt động: buôn bán hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, hàng cấm, không niêm yết giá cả… Việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động xúc tiến thương mại này không được chặt chẽ, tạo “điều kiện” cho một số doanh nghiệp tiêu thụ những mặt hàng kém chất lượng.

Hàng kém chất lượng tràn lan

Theo quy định, doanh nghiệp tham gia tổ chức hội chợ thương mại trong nước phải có đủ các điều kiện như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân hoặc giấy phép đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; giấy phép thành lập đối với chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, có ngành nghề kinh doanh dịch vụ, thương mại. Ðơn vị tham gia phải gửi văn bản đăng ký kế hoạch tổ chức hội chợ thương mại hằng năm đến Sở Công Thương nơi tổ chức hội chợ trước ngày 1.10 của năm trước kế hoạch; hàng hoá phải tuân thủ quy định việc ghi nhãn…

Quy định là vậy, nhưng tại các hội chợ, doanh nghiệp tổ chức quảng cáo không đúng chất lượng hàng hoá. Mới đây, tại Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Truyền thanh thị xã Hoà Thành diễn ra hội chợ mỹ nghệ thương mại tiêu dùng năm 2020 do Công ty TNHH dịch vụ thương mại xây dựng Thảo Vân tổ chức, từ ngày 30.10.2020 đến ngày 6.11.2020.

Có 50 đơn vị tham gia với 60 gian hàng trưng bày, buôn bán các mặt hàng như: hàng điện tử; quần áo, đồ chơi trẻ em, đồ mỹ nghệ… Ðiều đáng nói là, rất nhiều hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không niêm yết giá cả như: quần áo, dây nịt, ví cầm tay, đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng… Không ít hàng nhái các thương hiệu lớn như LV, Gucci, Adidas... được bày bán với giá "siêu rẻ".

Tại hội chợ, có một doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm chủ lực là máy massage đa năng, giá 40 triệu đồng/cái. Người bán quảng cáo máy có nguồn gốc Nhật Bản, doanh nghiệp có quầy trưng bày tại Trung tâm thương mại Vincom (TP. Tây Ninh). Tuy nhiên, theo tìm hiểu, tại Vincom hoàn toàn không có bất kỳ quầy hàng nào trưng bày máy massage này.

Việc hội chợ bày bán hàng kém chất lượng, không nguồn gốc diễn ra khá phổ biến, làm người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm bán ở hội chợ. Chị Lê Thị Thu Trang (ngụ ấp Năm Trại, xã Trường Ðông, thị xã Hoà Thành) bày tỏ ý kiến, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các đơn vị vi phạm để người dân yên tâm mua sắm, sử dụng.

Trước những phản ánh về hội chợ do Công ty TNHH dịch vụ thương mại xây dựng Thảo Vân tổ chức, Ðội Quản lý thị trường số 3 (thị xã Hoà Thành) kiểm tra và phát hiện tại đây bày bán hàng hoá nhập lậu gồm: 10 đèn pin hiệu Km-8796; 10 cây súng bắn keo hiệu Xru; 22 cái kính lúp hiệu Magnifing Glass, loại 75mm; 32 cái ổ khoá hiệu Byland; 66 bịch dao cạo râu hiệu Sky do Hungary sản xuất.

Ðội Ðội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm đối với Công ty Thảo Vân, tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm trên (trị giá 6 triệu đồng) và buộc đơn vị tổ chức nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là 1,6 triệu đồng.

Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thời gian qua, trên thị trường vẫn còn nhiều vụ kinh doanh hàng hoá kém chất lượng, hàng giả, nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… gây bức xúc cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức.

Theo Cục QLTT tỉnh, 9 tháng năm 2020, đơn vị đã phát hiện 272 vụ vi phạm về kinh doanh hàng hoá nhập lậu; buôn bán, vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu; hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Mới đây, Cục đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần xăng dầu, dầu khí Tây Ninh (ấp Long Bình, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành) do ông Ngô Văn Nhiệm làm Giám đốc do vi phạm hành chính về việc sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu quy định về kỹ thuật đo lường, phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng. Công ty này cũng bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh 2 tháng và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do vi phạm là 3.542.924 đồng.

Ngày 16.9.2020, Cục QLTT tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Hoàng Ân Tây Ninh (ấp Suối Cao, xã Phước Ðông, huyện Gò Dầu) do ông Nguyễn Thế Nhân làm Giám đốc do vi phạm hành chính về việc chứa chai LPG của thương nhân khác, không có hợp đồng thuê nạp LPG tại trạm nạp; tang vật vi phạm là 253 chai LPG nhãn hiệu Sun Petro Gas loại 12kg/chai của Công ty TNHH sản xuất thương mại Thái Dương Gas, trị giá 44.275.000 đồng. Số tiền phạt vi phạm hành chính là 70 triệu đồng. Ðồng thời, công ty bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG 2 tháng và bị tịch thu tang vật vi phạm hành chính.

Ðội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra hàng hoá vi phạm trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm.

Theo Sở Công Thương, UBND tỉnh liên tục chỉ đạo các sở ban, ngành trên địa bàn tỉnh kết hợp, tích hợp mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào các nhiệm vụ chung, các kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của lĩnh vực quản lý.

Ðiều đáng quan tâm là, dù được thành lập từ năm 2013, nhưng đến nay, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh chưa thật sự đi vào hoạt động, vì chưa có cán bộ chuyên trách; không có kinh phí hoạt động, không có lương và phụ cấp cho cán bộ quản lý. Một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ở một vài nơi chưa thật sự chuyên sâu, chưa được quan tâm; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa được tổ chức thường xuyên.

Trước những khó khăn trên, Sở Công Thương đề nghị Bộ Công Thương phối hợp Bộ Nội vụ trình Chính phủ phương án bổ sung bộ máy chuyên trách và đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hỗ trợ phát triển Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục