Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Mừng Đảng - Mừng Xuân
Tư tưởng Hồ Chí Minh Mừng Đảng - Mừng Xuân
Công tác phòng, chống thiên tai đạt nhiều kết quả tích cực
Thứ ba: 10:36 ngày 11/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 23 vụ thiên tai trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Bến Cầu), làm 86 căn nhà bị hư hại, ngập nước và 381ha cây trồng bị ảnh hưởng; tổng giá trị thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng.

Công tác kiểm tra vận hành hồ Dầu Tiếng luôn được quan tâm thường xuyên, bảo đảm an toàn cho công tác phòng, chống thiên tai.

Thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2024 giảm về số lượng, mức độ thiệt hại và phạm vi ảnh hưởng, cụ thể so với năm 2023 giảm: 13 vụ thiên tai, 401 căn nhà bị hư hại, 1.193 ha cây trồng bị ảnh hưởng, giá trị thiệt hại giảm khoảng 10,3 tỷ đồng.

Hiệu quả từ công tác tuyên truyền

Thời gian qua, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai (PCTT) được các ngành, các cấp triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức như tổ chức tập huấn, lồng ghép các cuộc họp của cơ quan, đơn vị, xem phim tư liệu, video clip, tờ rơi, đăng cổng thông tin điện tử…

Qua đó, kịp thời phổ biến đến lực lượng làm công tác PCTT và Nhân dân những thông tin về thiên tai, kỹ năng ứng phó với các loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn, nâng cao nghiệp vụ trong thực hiện công tác phòng, tránh, ứng phó và giảm nhẹ ảnh hưởng do thiên tai gây ra.

Cổng thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tuyên truyền kỹ năng phòng tránh, ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, lốc, sét, lũ, ngập lụt, lũ quét; cung cấp kịp thời các bản tin thiên tai (nắng nóng; áp thấp nhiệt đới, bão số 2-10, dự báo mưa lớn, lốc, nhận định tình hình thuỷ văn tại sông Vàm Cỏ Đông, rạch Bến Đá) giúp cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt thông tin, chủ động chỉ đạo, triển khai thực hiện.

Ngoài ra, công tác thông tin, truyền tải thông tin cảnh báo, dự báo đến các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng để chủ động phòng tránh, thiên tai được chính quyền địa phương triển khai quyết liệt qua hệ thống thông tin truyền thông (Đài Phát thanh và Truyền hình, Đài Truyền thanh), hệ thống loa của các xã, thị trấn; mạng xã hội (faccbook, zalo)…

Thiệt hại do thiên tai năm 2024.

Xây dựng lực lượng tại chỗ sẵn sàng ứng phó

UBND các cấp đã chủ động kiện toàn, phân công cụ thể nhiệm vụ từng thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các cấp. Theo đó đã thành lập 112 đội cấp cứu, bảo đảm thông tin liên lạc, lương thực nhu yếu phẩm thiết yếu và rà soát 945 vị trí xung yếu trên lưới điện (vị trí mà khi hư hỏng có thể dẫn đến sự cố lan rộng, làm mất điện trên diện rộng) bảo đảm cung cấp điện liên tục 24/24 giờ để đáp ứng kịp thời nhu cầu trong trường hợp xảy ra thiên tai.

Duy trì nghiêm lực lượng trực PCTT và TKCN 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử lý khắc phục hậu quả thiên tai theo phương án được duyệt. Các ngành, các cấp từng bước đầu tư, nâng cấp, củng cố cơ sở hạ tầng PCTT, theo đó lồng ghép đầu tư 14 công trình, dự án: đầu tư xây dựng, nâng cấp kênh tưới, tiêu; sửa chữa hồ chứa nước Tha La huyện Tân Châu...

Kết quả giải ngân khoảng 315 tỷ đồng/377 tỷ đồng, đạt 83,54% kế hoạch vốn giao; đề xuất Bộ Tài chính về dự án Nước sạch nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh với tổng mức đầu tư 26,79 triệu USD (tương đương 650 tỷ đồng).

UBND các cấp kịp thời chi hỗ trợ giúp Nhân dân khắc phục hậu quả sau thiên tai với kinh phí khoảng 358 tỷ đồng, trong đó: hơn 332 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2023, năm 2024 trên địa bàn huyện Gò Dầu, Bến Cầu với tổng diện tích bị thiệt hại khoảng 165 ha/95 hộ/ 4 xã; 26 triệu đồng hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà cho 9 hộ dân.

Chủ động ứng phó với thiên tai

Công tác ứng phó với thiên tai và TKCN là công việc phức tạp, nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản, cần có sự chỉ đạo kịp thời của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, sự chung tay của cộng đồng dân cư, Nhân dân để nắm bắt tình hình, ứng phó kịp thời, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ngành chức năng sẽ tiếp tục rà soát điều chỉnh, ban hành và triển khai các chính sách, văn bản về PCTT trên địa bàn tỉnh; kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - PCTT và TKCN tỉnh theo nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Phòng thủ dân sự.

Tiếp tục thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu PCTT, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, nâng cao năng lực Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp; tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” năm 2025, theo đó: thông tin tuyên truyền trên Đài Phát thanh và Truyền hình, cổng thông điện tử, mạng xã hội giúp Nhân dân, cộng đồng dân cư tiếp cận thông tin cơ bản về thiên tai, kỹ năng phòng tránh, ứng phó với các nguy cơ thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt là hồ chứa nước (hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La); tăng cường quản lý cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thuỷ lợi, hồ chứa nước, hệ thống kênh tiêu thoát nước.

Các cấp chú trọng chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo kế hoạch, phương án được duyệt để tham gia ứng phó, khắc phục kịp thời khi có thiên tai xảy ra.

Tấn Hưng

Từ khóa:
thv
Tin cùng chuyên mục