Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Khi Covid-19 hoành hành, Facebook, Google, Apple tăng tốc các hoạt động thiện nguyện, trong khi trước đó, hình ảnh họ bê bối bởi các vụ kiện và điều trần.
Ngày 5/3, khi Covid-19 bắt đầu tác động đến cuộc sống bình thường của người dân Mỹ, các mạng xã hội như Facebook hay Twitter trở thành nơi đăng tải thông tin chất lượng cao, với các nguồn từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ngay sau đó, Google cũng có động thái tương tự khi đưa kết quả tìm kiếm hoặc nội dung được kiểm chứng lên hàng đầu trên nền tảng của mình. Các thông tin được chia sẻ vẫn dựa trên nguồn cấp dữ liệu mà người dùng đăng ký hoặc chia sẻ, như vị trí địa lý, sở thích, địa điểm làm việc...
Nhóm Big Tech đang đóng vai trò lớn trong việc cung cấp dịch vụ cho người dân Mỹ khi đại dịch đang diễn ra. Ảnh: FT.
Trong những tuần tiếp theo, Big Tech (tập hợp công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ) bắt đầu tăng tốc các hoạt động thiện nguyện. Nhiều doanh nghiệp đóng góp lượng lớn khẩu trang N95 cho các tổ chức y tế. Khi thất nghiệp có chiều hướng gia tăng, Facebook cam kết tài trợ 100 triệu USD cho doanh nghiệp nhỏ, trong khi Amazon cho biết đã tạo thêm 100.000 việc làm mới.
Hình ảnh các Big Tech trở nên lung linh. Trong khi chỉ vài tuần trước đó, các thông tin về họ không mấy tích cực. Facebook, Google và nhiều công ty khác bị yêu cầu điều trần vì xâm phạm quyền riêng tư và khai thác dữ liệu cá nhân trái phép, dùng sai mục đích. Không ít vụ kiện đã xuất hiện, với số tiền đòi bồi thường hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD.
"Cuộc sống chúng ta đang bị chi phối bởi những 'gã' khổng lồ công nghệ. Họ khai thác dữ liệu cá nhân, độc quyền cạnh tranh và có thể gây suy thoái xã hội. Trước đại dịch, nhiều người muốn họ phải chia tách thành các công ty nhỏ hơn nhằm tránh thị trường bị chi phối, người dùng phụ thuộc", chuyên gia Steven Levy của Wired nhận xét.
Tuy nhiên, "đại dịch lại biến những hành động sai trái trước đây trở thành chính đáng. Mọi người không còn than phiền việc bị thu thập dữ liệu cho mục đích gì. Thay vào đó, họ dùng Facebook như nơi tự an ủi bản thân khi không thể ra đường. Google đang là nơi tiềm năng để thử nghiệm Covid-19. Amazon đang là nguồn cung thực phẩm quan trọng với nhiều người dân", Levy nói.
CNBC bình luận, sau chuỗi ngày bị lên án vì xâm phạm quyền riêng tư và sử dụng dữ liệu người dùng sai mục đích, Facebook đang cố gắng xây dựng lại hình ảnh qua dịch bệnh. "Facebook không thể khiến công chúng nghĩ tích cực về mình chỉ sau một đêm, nhưng công ty đang tỏ ra thiện chí bằng cách chủ động cung cấp những thứ hữu ích khi khủng hoảng sức khỏe và khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Họ đã biết nắm bắt thời điểm", tạp chí này viết.
Dịch bệnh hoành hành cũng khiến người lao động nghĩ khác về Big Tech. Một kỹ sư phần mềm tiết lộ, ông đã từ chối hàng tá lời mời, bỏ qua nhiều email tuyển dụng đến từ Facebook vài tháng qua để cân nhắc lập công ty khởi nghiệp hoặc đầu quân cho một doanh nghiệp trẻ có tham vọng. Tuy nhiên, Covid-19 khiến các nhà đầu tư mạo hiểm tạm thời đóng băng nguồn tài chính. Ông này đã quay lại đặt lịch hẹn phỏng vấn với mạng xã hội với lý do duy trì công việc ở một tập đoàn lớn sẽ giúp ông chủ động nguồn tài chính để lo cho dự án khởi nghiệp sau này.
Theo Infomation, còn quá sớm để biết các công ty công nghệ phát triển thế nào, bởi họ nhiều khả năng sẽ không thể tránh khỏi một cuộc suy thoái kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, việc tuyển dụng nhân tài là lợi ích thấy rõ trước mắt. Những năm gần đây các hãng công nghệ lớn phải cạnh tranh quyết liệt với các công ty khởi nghiệp đang phát triển nhanh chóng. Một phần là do sức hấp dẫn của môi trường start-up năng động, phần khác, những người ra start-up không muốn liên quan đến những bê bối mà các doanh nghiệp lớn gây ra.
Covid-19 cũng thay đổi cách mua sắm của mỗi người. Thay vì đến trực tiếp tại cửa hàng, giờ đây họ có thể đặt online. Hình thức này không mới, nhưng việc bị giới hạn ở nhà khi dịch bệnh xảy ra khiến mua hàng trực tuyến trở thành lựa chọn chính. "Những công ty như Amazon có thể sẽ thay đổi vĩnh viễn thói quen mua hàng của người dân khi dịch bệnh qua đi", Har Hararan, cựu nhân viên Amazon và sáng lập công ty phần mềm bán hàng tự động CommerceIQ, nhận định.
Tuy vậy, việc đặt trọn niềm tin vào Big Tech có thể gieo mầm nguy hiểm về một cuộc khủng hoảng sau đại dịch, nhất là khi người dân không còn lựa chọn nào khác. Theo The Verge, sự độc quyền có thể khiến cả doanh nghiệp lẫn người dùng thiệt hại, nhất là khi doanh nghiệp ít đổi mới, còn người dùng phải phụ thuộc.
"Dù tốt hơn hay tệ hơn, người Mỹ vẫn đang và sẽ dựa vào các công ty công nghệ lớn trong vài tháng tới. Nếu muốn chứng minh giá trị, các công ty nên làm điều đó ngay bây giờ", The Verge nhận định.
Nguồn VNE