Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Covid-19 dường như ít để lại di chứng hơn SARS
Thứ hai: 19:06 ngày 27/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Người mắc Covid-19 đã hồi phục dường như khỏe mạnh, chức năng phổi bình thường hơn so với người bệnh SARS.

Tiến sĩ David Hui Shu, Trưởng khoa Trị liệu Đại học Trung Quốc, hôm 25/4 cho biết đội ngũ bác sĩ tại Bệnh viện Prince of Wales đã theo dõi 10 người sau khi khỏi Covid-19. Tất cả không gặp bất cứ di chứng nào. 

"Trong số 70 bệnh nhân tại Bệnh viện Prince of Wales, khoảng một nửa đã hồi phục, 10 người hoàn thành quá trình cách ly theo dõi sau điều trị. Phổi của họ hoạt động bình thường, hô hấp không bị ảnh hưởng", ông Hui nói.

Tuy nhiên, một nghiên cứu khác, thực hiện cùng bệnh viện hồi tháng 3, chỉ ra rằng từ hai đến ba trong số 12 người đã hồi phục vẫn cảm thấy khó thở khi đi bộ nhanh. Tiến sĩ Hui cho rằng cần tiếp tục theo dõi để có kết luận cuối cùng, song "dường như Covid-19 ít để lại hệ quả sức khỏe lâu dài hơn so với SARS, triệu chứng cũng không nghiêm trọng bằng".   

Các thí sinh thi đại học tại Hong Kong đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn 2 m. Ảnh: AP

Trong 1.035 ca nhiễm được ghi nhận trong khu vực, 5% điều trị tại khoa hồi sức tích cực (ICU), 30 người biểu hiện tổn thương kính mờ ở phổi. Hồi dịch SARS, một phần tư trong số 1.755 bệnh nhân phải vào ICU.

"Tôi đã theo dõi sức khỏe của các bệnh nhân SARS. Hai năm sau khi hồi phục, khoảng 20% người điều trị ở ICU vẫn gặp vấn đề về phổi. Lần này, ICU tiếp nhận ít bệnh nhân hơn và có vẻ như rất nhiều người đã hồi phục hoàn toàn", tiến sĩ Hui cho biết.

Theo ông, thời gian nằm viện trung bình của người mắc Covid-19 là 17 ngày. Hầu hết có tải lượng virus thấp kể từ ngày thứ 10. Số khác đang chờ kiểm tra sâu hơn, để đảm bảo nCoV đã bị tiêu diệt hoàn toàn.   

"Họ vẫn có thể sử dụng điện thoại, tập thể dục trong khu cách ly, nhiều người rất khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng", ông Hui nói.

Mặc dù Covid-19 ít nghiêm trọng và không để lại nhiều di chứng như SARS, tốc độ lây lan chóng mặt vẫn là vấn đề khiến giới chuyên gia lo ngại. Là một cố vấn dịch tễ của chính phủ, tiến sĩ Hui nhìn nhận dịch có chiều hướng suy yếu trong vài tuần gần đây, song ông cho rằng "thách thức vẫn ở phía trước".   

"Thế giới còn nhiều ca dương tính, Trung Quốc có thể đón làn sóng dịch bệnh thứ hai. Chính vì vậy, cần phải cảnh giác", ông nhận định. Tiến sĩ cũng dự báo Australia và New Zealand sẽ ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới vào tháng 6. Covid-19 có thể tiếp tục tấn công Hong Kong vào tháng 12 năm nay.   

"Đây là dịch bệnh trăm năm có một, và chỉ Hong Kong khống chế tốt thôi thì chưa đủ. Các biện pháp phòng chống chúng ta đang thực hiện, như đeo khẩu trang, có thể phải kéo dài đến giữa tháng 6 năm sau, khi vaccine đã được phân phối rộng rãi", ông nói.

Ông Hui cho rằng nếu trong hai tuần tới số ca lây nhiễm nội địa vẫn ở mức thấp, Hong Kong có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế, để người lao động đi làm trở lại, học sinh tiếp tục đi học vào giữa tháng 5.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục