Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
COVID-19 tới 6h sáng 31/12: Thế giới có tới 1,7 triệu ca mắc mới; Một loạt nước ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục
Thứ sáu: 13:58 ngày 31/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận tới 1,7 triệu ca mắc COVID-19 và trên 6.100 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là trên 286,6 triệu ca, trong đó trên 5,44 triệu ca tử vong.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế ở New York, Mỹ ngày 14/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 466.000 ca), Pháp (206.243 ca) và Anh (189.213 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.216 ca), Nga (926 ca) và Ba Lan (709 ca).

Số ca mắc mới tăng vọt ở nhiều nước, đẩy tổng số ca mắc trong ngày 30/12 toàn thế giới lên tới 1,7 triệu ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày toàn thế giới vượt mốc 1 triệu kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây 2 năm.

Số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã tăng 44% trong tuần trước so với tuần trước đó. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo một "cơn sóng thần" COVID-19 có nguy cơ khiến các hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải.

Hơn 85% các ca nhiễm mới xảy ra ở hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Omicron gồm châu Âu với 4.022.000 ca mắc mới trong 7 ngày qua, tăng 36% so với tuần trước, và Mỹ và Canada với 2.264.000 ca trong cùng giai đoạn, tăng 83%. Trong khi đó, châu Á ghi nhận 268.000 ca mắc mới, giảm 12% so với tuần trước. Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới tiếp tục giảm trong 3 tuần liên tiếp với 6.400 ca được ghi nhận trong tuần qua - giảm 6% so với tuần trước.

Trong bối cảnh biến thể Omicron lây nhanh, có nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong vì biến thể Omicron thấp hơn 75% so với các biến thể gây ra các đợt bùng phát COVID-19 trước đây. Đây là kết luận của các nhà khoa học được đăng tải trên tờ Telegraph của Anh trích dẫn dữ liệu của các nhà nghiên cứu từ Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nam Phi và Đại học Pretoria.

WHO khuyến nghị các nước cẩn trọng trong giảm thời gian cách ly

Nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Norwood, Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị chính phủ các nước không nên giảm các biện pháp phòng dịch COVID-19, trong đó có việc giảm thời gian cách ly, mặc dù các phát hiện ban đầu cho thấy biến thể Omicron có thể khiến bệnh tình người mắc ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó. 

Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, chỉ ra rằng ngay cả với những biến thể trước, hầu hết bệnh nhân sẽ ủ bệnh và xuất hiện các triệu chứng hoặc cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 6 ngày đầu.

Như vậy, chỉ sau khoảng thời gian này, khả năng dương tính hoặc truyền bệnh mới thấp hơn. Do đó, việc giảm thời gian cách ly với những người mắc COVID-19 là “sự đánh đổi” giữa việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh với duy trì các hoạt động của nền kinh tế.

Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO đưa ra tuyên bố trên sau khi Tây Ban Nha thông báo rút ngắn thời gian cách ly đối với các ca mắc COVID-19 từ 10 xuống còn 7 ngày. Trước đó, Mỹ cũng giảm khuyến nghị cách ly đối với các trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng từ 10 xuống còn 5 ngày.

Châu Mỹ

Số ca bệnh mới ở châu Mỹ tiếp tục tăng mạnh

Thông báo ngày 30/12 của Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) cho biết số ca mắc mới COVID-19 tại khu vực Mỹ Latinh đã tăng 50% trong tuần qua, trong khi số bệnh nhân tử vong tăng 11%.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Mississauga, Ontario, Canada, ngày 27/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thống kê cho thấy chỉ từ ngày 19 đến 25/12, hơn một nửa số quốc gia tại châu Mỹ ghi nhận số ca bệnh mới tăng hơn 20%, mức tăng cao nhất trên toàn thế giới. Mỹ đứng đầu châu lục về số ca mắc mới COVID-19, tiếp theo là Canada và Argentina. 

Khu vực Trung Mỹ không ghi nhận xu hướng gia tăng số ca bệnh mới, ngoại trừ Panama và Belize. Trong khi đó, ở khu vực Andes, các quốc gia như Bolivia, Colombia, Ecuador và Peru đều ghi nhận tình trạng tăng mạnh số ca nhiễm mới. Tại khu vực phía Nam, số ca mắc mới COVID-19 đều tăng mạnh ở Paraguay và Uruguay. Tại khu vực Caribe, Puerto Rico, Cộng hòa Dominica và Jamaica cũng ghi nhận mức tăng đáng kể.

PAHO cảnh báo rằng số lượng ca bệnh mới sẽ có thể tiếp tục gia tăng trong những tuần tới, cũng như các ca nhập viện và tử vong do COVID-19, vì biến thể Omicron rất dễ lây lan và đã xuất hiện tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực.

Số ca mắc mới COVID-19 trung bình mỗi ngày tại Mỹ cao chưa từng có trong 7 ngày qua

Số ca mắc mới COVID-19 trung bình mỗi ngày trong vòng 7 ngày qua tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục - 258.312 ca. Lần gần đây nhất số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày ở mức cao đỉnh điểm là 250.141 ca, được ghi nhận vào đầu tháng 1 năm nay.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Dearborn, Michigan, Mỹ, ngày 17/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca mắc mới gia tăng trở lại tại Mỹ vào đúng thời điểm người dân đi du lịch nước ngoài trong các kỳ nghỉ. Tuy nhiên, kể từ dịp Giáng sinh vừa qua, mỗi ngày có hàng trăm chuyến bay đã bị hủy trên toàn lãnh thổ Mỹ do nhân viên hàng không dương tính với virus SARS-CoV-2 phải nghỉ hàng loạt. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ hiện cũng đang giám sát 86 tàu du lịch ghi nhận các ca mắc COVID-19. 

Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky nhấn mạnh dù dữ liệu từ các nước cho thấy biến thể Omicron không gây biến chứng nặng, nhưng hiện vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá chính xác tác động của làn sóng dịch bệnh này trên phạm vi toàn nước Mỹ, đặc biệt là khi độ bao phủ vaccine phòng bệnh giữa các bang không đồng đều.

Bà lưu ý rằng dù số ca mắc trung bình theo ngày trong một tuần qua tăng 60% so với tuần trước đó, nhưng tỷ lệ nhập viện trong cùng thời điểm chỉ tăng 14% lên khoảng 9.000 ca/ngày. Tỷ lệ tử vong giảm khoảng 7% xuống mức 1.100 ca mỗi ngày. Trên cả nước hiện có khoảng 76.000 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế, tăng 19% trong 10 ngày qua.

Argentina ghi nhận con số đáng báo động về dịch bệnh

Argentina ghi nhận con số đáng báo động về dịch COVID-19 với 50.506 ca mắc mới trong ngày 30/12, mức cao nhất kể từ tháng 5 vừa qua.

Con số này tăng hơn gấp đôi so với mức kỷ lục 20.263 ca trong ngày 27/12. Như vậy, đến nay, đất nước 45 triệu dân này có trên 5,6 triệu ca mắc COVID-19 và 117.146 ca tử vong (tăng 35 ca trong 24 giờ qua). Giới chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ lây lan dịch COVID-19 ở nước này hiện ở mức rất cao, đặc biệt ở vùng thủ đô Buenos Aires.

Argentina đã tiêm phòng cho 70% dân số đủ các mũi tiêm cơ bản và đang triển khai tiêm mũi tăng cường cho nhân viên tuyến đầu và người trên 60 tuổi.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Canada tiếp tục vượt mốc 20.000 ca

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Vancouver, British Columbia, Canada, ngày 28/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Số ca mắc mới COVID-19 tại Canada lần thứ hai vượt mốc 20.000 ca trong ngày 30/12. Theo đó, với 27.995 ca mắc mới phát hiện, tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Bắc Mỹ này hiện là trên 2,1 triệu ca, trong đó có 30.265 ca tử vong.

Số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Canada liên tục lập mốc cao kỷ lục trong những ngày gần đây trong bối cảnh siêu biến thể Omicron lây lan mạnh.

Châu Âu

Bồ Đào Nha ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Cascais, Bồ Đào Nha, ngày 22/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bồ Đào Nha ngày 30/12 thông báo ghi nhận 28.659 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất từ trước đến nay, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 1,35 triệu ca, trong đó có 18.937 ca tử vong (tăng 12 ca).

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là thủ đô Lisbon, vùng Vale do Tejo và khu vực miền Bắc nước này. Hiện tỷ lệ lây nhiễm ở Bồ Đào Nha là 923,4 ca/100.000 dân.

Chính phủ Bồ Đào Nha đã gia hạn các biện pháp phòng dịch đến ngày 5/1/2022, theo đó yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính khi tới các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán bar và các tụ điểm giải trí.

Bồ Đào Nha là một trong số những quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, với gần 90% dân số đã tiêm đủ liều cơ bản và gần 2,4 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.

Ca nhập viện tại Ireland tăng kỷ lục

Tại Ireland, 20.554 ca mắc mới COVID-19 được báo cáo trong ngày 30/12, vượt qua mức kỷ lục một ngày trước đó, trong bối cảnh số ca nhập viện bắt đầu tăng. Hiện biến thể Omicron chiếm phần lớn số ca mắc mới COVID-19 tại Ireland.

Người đứng đầu Cơ quan Y tế Ireland, ông Tony Holohan, đã bày tỏ quan ngại về diễn biến tình hình dịch bệnh tại nước này, đồng thời khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch. Ireland hiện có 768.449 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.912 ca tử vong.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Anh tiếp tục chạm mốc cao kỷ lục  

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Portsmouth, phía Nam vùng England ngày 23/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 30/12, số ca mắc mới COVID-19 tại Anh lập kỷ lục mới với 189.213 ca, trong đó có gần 23.000 ca được báo cáo tại Bắc Ireland trong 5 ngày kể từ lễ Giáng sinh.

Trong 7 ngày qua đã có 914.723 người xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trên khắp Vương quốc Anh. Số liệu của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) England, vùng duy nhất của Vương quốc Anh không áp dụng thêm các biện pháp hạn chế sau Giáng sinh cho thấy, tính đến ngày 29/12, số ca nhập viện do COVID-19 tại vùng England đạt mức cao kỷ lục kể từ tháng 3 với 10.462 ca, tăng 48% so với tuần trước. Tuy nhiên, khoảng 30% trong số bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện để điều trị các chứng bệnh khác.

Giám đốc Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) - Tiến sĩ Jenny Harries, cho biết UKHSA cần theo dõi dữ liệu trong vài tuần tới để đánh giá chắc chắn làn sóng dịch đang diễn ra theo hướng nào.

Ngày 30/12, Anh thiết lập các bệnh viện dã chiến nhằm ngăn chặn nguy cơ quá tải bệnh nhân nội trú vì số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt. 

Ca mắc cao kỷ lục, Hy Lạp tăng cường các biện pháp phòng dịch

Hy Lạp đã đưa ra các biện pháp phòng dịch mới đối với ngành dịch vụ giải trí để ngăn chặn biến thể Omicron. Các biện pháp này có hiệu lực từ ngày 30/12/2021 đến ngày 16/1/2022. 

Theo đó, giới chức Hy Lạp yêu cầu các quán bar, câu lạc bộ giải trí ban đêm và nhà hàng phải đóng cửa vào lúc nửa đêm và không được bật nhạc, ngoại trừ đêm Giao thừa đón Năm mới 2022, các địa điểm này có thể mở cửa đến 2h sáng 1/1/2022 nhưng cũng không có âm nhạc. Trong thời gian được phép hoạt động, các cơ sở này chỉ được phép tiếp đón mỗi bàn 6 người. 

Hy Lạp buộc phải áp dụng các biện pháp mới nói trên sớm hơn dự kiến vì số ca nhiễm mới tăng mạnh. Ngày 30/12, giới chức y tế Hy Lạp thông báo nước này ghi nhận 35.580 ca mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, và 72 ca tử vong. Bộ trưởng Y tế Hy Lạp Thanos Plevris cho rằng biến thể Omicron đang dần trở thành biến thể lây lan chính tại nước này, chỉ trong vòng 1 tháng kể từ khi Hy Lạp phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể được đánh giá là có khả năng lây nhiễm cao này, và đang gây áp lực cho hệ thống y tế công. 

Biến thể Omicron lan rộng tại CH Séc

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Praha, CH Séc ngày 6/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại CH Séc, Bộ trưởng Y tế Vlastimil Válek cảnh báo làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron gây ra sẽ đạt đỉnh vào tuần cuối cùng của tháng 1/2022 và tuần đầu tiên của tháng 2/2022.

Hiện biến thể này đang lan rộng trong cộng đồng ở một số vùng của CH Séc. Dự kiến, ông Válek sẽ làm việc với các chuyên gia vào ngày 30/12 nhằm thảo luận về khả năng giảm thời gian cách ly và thời gian tiêm chủng vaccine. Trên cơ sở đó, chính phủ sẽ thảo luận và ban hành các biện pháp mới.

Chính phủ Séc đang đẩy nhanh việc tiêm chủng liều thứ 3 cho người trưởng thành sau 5 tháng tiêm đủ liều cơ bản, kể từ ngày 4/1/2022.

Châu Á

Nhật Bản mở rộng chương trình xét nghiệm miễn phí

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản ngày 30/10/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Chính phủ Nhật Bản đang tích cực mở rộng chương trình xét nghiệm COVID-19 miễn phí trong bối cảnh dịch bệnh đang có dấu hiệu tái bùng phát trong những ngày gần đây do người dân đi lại nhiều vào dịp cuối năm.

Tính tới ngày 28/12, có 14 tỉnh, thành ở Nhật Bản đã thành lập các cơ sở xét nghiệm miễn phí. Riêng tại thủ đô Tokyo, có khoảng 160 nhà thuốc do Công ty Welcia Yakkyoku Co. quản lý đang cung cấp dịch vụ xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho người dân theo chương trình của chính phủ.

Việc thành lập các trung tâm xét nghiệm miễn phí là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Nhật Bản nhằm kiểm soát dịch COVID-19, giúp phát hiện sớm các ca mắc mới, nhất là các ca nhiễm biến thể Omicron, góp phần ngăn chặn biến thể này trong cộng đồng.

Chỉ riêng trong ngày 29/12, Nhật Bản đã phát hiện 501 ca mắc COVID-19 mới trên toàn quốc. Đây là ngày đầu tiên số ca nhiễm mới ở nước này vượt ngưỡng 500 ca/ngày kể từ ngày 16/10 vừa qua.

Philippines duy trì cảnh báo dịch bệnh COVID-19 ở cấp độ 2 

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại thành phố Marikina, Philippines, ngày 29/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 30/12, Philippines cho biết nước này sẽ duy trì cảnh báo dịch bệnh COVID-19 ở cấp độ 2 cho đến ngày 15/1/2022 bất chấp sự gia tăng số ca nhiễm mới và quan ngại về biến thể Omicron. 

Theo người phát ngôn của Tổng thống Philippines, Karlo Nograles, ở mức cảnh báo cấp độ 2, một số doanh nghiệp và sự kiện tại các địa điểm trong không gian kín được phép hoạt động với tối đa 50% công suất và áp dụng với những người đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản, nhóm đối tượng dưới 18 tuổi và thậm chí cả những những người chưa tiêm chủng; đối với các cơ sở ngoài trời, công suất hoạt động tối đa là 70% với điều kiện tất cả những người tham gia đã tiêm đủ liều cơ bản. 

Bộ Y tế Philippines cho biết nước này đang chứng kiến số ca COVID-19 tăng mạnh khi ngày càng nhiều người dân ra ngoài tham gia các hoạt động tập trung đông người vào mùa lễ hội hiện nay. Đến nay, Philippines đã phát hiện 4 ca nhiễm biến thể Omicron, tất cả đều là các ca nhập cảnh. 

Thái Lan yêu cầu công chức làm việc tại nhà sau kỳ nghỉ Năm mới

Người dân đeo khẩu trang tại trung tâm thương mại ở  Bangkok, Thái Lan ngày 24/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 30/12, Bộ Y tế Thái Lan cho biết nhằm ngăn chặn biến thể Omicron, các quan chức chính phủ sẽ làm việc tại nhà sau kỳ nghỉ Năm mới 2022, trong khi học sinh có thể quay lại học trực tuyến. Khu vực tư nhân cũng đang được khuyến khích cho phép nhân viên làm việc tại nhà.

Số ca nhiễm biến thể Omicron ở Thái Lan đang gia tăng với 740 ca được xác nhận ở 33/77 tỉnh, trong đó 489 ca là các trường hợp nhập cảnh và số còn lại là các ca lây nhiễm trong cộng đồng có liên quan đến những trường hợp này. Ngày 29/12, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) đã yêu cầu các quan chức nhà nước phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu về làm việc tại nhà trong hai tuần sau kỳ nghỉ Năm mới. 

Trong khi đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã kêu gọi người dân cẩn thận hơn khi đón Năm mới, luôn đeo khẩu trang và cố gắng tránh những khu vực đông người.

Nguồn Báo Tin tức

Tin cùng chuyên mục