Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Giới chuyên gia lo ngại sẽ có một cuộc suy thoái sâu do chính sách "không Covid-19" của Trung Quốc và chiến sự tại Ukraine
Hàn Quốc đã dỡ bỏ hầu hết biện pháp phòng dịch Covid-19 hôm 18-4, thể hiện bước tiến dài để quay lại cuộc sống bình thường. Nhà hàng và các doanh nghiệp không còn phải đóng cửa trước nửa đêm và lệnh cấm tụ tập trên 10 người được hủy bỏ. Dù vậy, người nhập cảnh chưa tiêm vắc-xin vẫn phải cách ly bắt buộc.
Số ca mắc Covid-19 mới ở Hàn Quốc ngày 18-4 dừng ở mốc hơn 47.700 ca, thấp nhất kể từ ngày 9-2. Nước này từng chứng kiến hơn 620.000 ca/ngày vào giữa tháng 3 vừa qua nhưng nhờ phủ vắc-xin đầy đủ tới gần 87% trong tổng số 52 triệu dân, nên Hàn Quốc vẫn khống chế được số trường hợp tử vong và nguy kịch.
Các công ty cũng dần đón nhân viên quay lại làm việc - theo Reuters. Hầu hết nhân viên của nhà sản xuất thép khổng lồ POSCO đã quay lại nơi làm việc từ tháng trước, còn LG Electronics giảm tỉ lệ nhân viên làm việc tại nhà từ 50% xuống 30%.
Người dân ở thủ đô Seoul - Hàn Quốc ngắm hoa anh đào nở hôm 9-4 Ảnh: REUTERS
Cùng ngày 18-4, du thuyền Pacific Explorer đã cập cảng Sydney của Úc, đánh dấu lần đầu tiên cảng biển này tiếp nhận các tàu thuyền du lịch trở lại sau hơn 2 năm áp đặt lệnh cấm.
Dù nhiều nước nới lỏng biện pháp phòng dịch nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn khẳng định còn rất lâu Covid-19 mới trở thành một bệnh thông thường. Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan, hôm 14-4 nhắc nhở rằng Covid-19 vẫn có khả năng gây dịch bệnh rất lớn.
Vài ngày sau cảnh báo của WHO, Ấn Độ hôm 18-4 thông báo số ca mắc Covid-19 hằng ngày đã tăng gần gấp đôi, lên mức 2.183 ca, lần đầu tiên trong tháng này. Riêng bang Kerala ở miền Nam, theo Reuters, thông báo số ca tử vong nhảy vọt, chiếm 151/214 ca tử vong mới của cả nước.
Tại Trung Quốc, TP Thượng Hải ghi nhận 3 trường hợp tử vong hôm 17-4, cả 3 người trong độ tuổi 89-91 và đều có bệnh nền. Đây là những ca tử vong đầu tiên của đợt bùng phát mới hiện nay cũng như của hơn 1 năm qua ở Trung Quốc, nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 4.641 người, theo AP.
Trong ngày 18-4, Trung Quốc thông báo ghi nhận 23.362 bệnh nhân mới trong 24 giờ trước đó. Từ cuối tuần rồi, TP Tây An ở phía Tây bắt đầu phong tỏa một phần trong 4 ngày, còn TP Trịnh Châu ở miền Trung đóng cửa sân bay trong 2 tuần và xét nghiệm diện rộng. Chính quyền TP Ôn Châu thậm chí treo thưởng 50.000 nhân dân tệ để tìm ra người khai báo y tế gian dối, theo trang tin The Paper.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý I/2022 đạt 4,8% - cao hơn so với mức 4,4% dự báo - song không vì thế mà giới chuyên gia bớt lo ngại, theo đài Al Jazeera. Thậm chí, họ sợ sẽ có một cuộc suy thoái sâu do chính sách "không Covid-19" của Trung Quốc và chiến sự tại Ukraine.
Trong khi sản lượng công nghiệp Trung Quốc trong tháng 3 tăng 5% (so với cùng kỳ năm ngoái) thì doanh số bán lẻ giảm 3,5%. "Điều tồi tệ nhất chưa tới. Hoạt động tháng 1-2 mạnh hơn kỳ vọng nhưng chúng ta đã kịp thấy ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa lên doanh số bán lẻ của tháng 3" - ông Carlos Casanova, nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng UBP, nói với Al Jazeera.
Theo Công ty Nghiên cứu đầu tư Gavekal, trong số 100 thành phố lớn nhất về quy mô kinh tế của Trung Quốc, có tới 87 nơi đang chịu hạn chế phòng dịch với chiều hướng ngày càng thắt chặt. Điều này khiến cho nhiều nhà kinh tế lo ngại Trung Quốc khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% cả năm nay.
Tâm lý lo ngại của nhà đầu tư cũng được thể hiện qua phản ứng trái chiều của các thị trường châu Á sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế mới.
Tại Mỹ, thị trường chứng khoán phái sinh của Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch sáng 18-4 (giờ địa phương), giữa lúc giới đầu tư chờ đợi tuần lễ công bố doanh thu quan trọng của quý I/2022. "Tiên phong" công bố báo cáo là Ngân hàng Mỹ, tiếp đó là hàng loạt đại gia như IBM, Procter and Gamble, Johnson and Johnson… cùng những tên tuổi dẫn dắt xu hướng như Netflix, Tesla, Snap…
Nguồn NLDO