Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Số ca nhiễm và tử vong giảm mạnh ở thủ đô Jakarta và rộng hơn là trên đảo Java. Nhưng giới chuyên gia nhận định những hạn chế trong xét nghiệm và truy vết có thể đã khiến virus lây lan tới một số địa điểm khác.
Indonesia dường như đã kiểm soát được làn sóng lây nhiễm thứ hai từng lập đỉnh trong tháng 7. Ảnh: EPA
Có vẻ như Indonesia đã bước qua đỉnh dịch COVID-19 được thiết lập hồi tháng 7. Ở thời điểm này, cứ ba ca xét nghiệm sẽ cho một ca dương tính, tương ứng tỉ lệ 33%. Tỉ lệ này hiện giảm xuống mức bình quân 3,64% và là mức thấp nhất từng được ghi nhận ở Indonesia kể từ khi dịch bùng phát, nằm dưới ngưỡng tiêu chuẩn 5% mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra để xác định một quốc gia kiểm soát thành công dịch hay không.
Indonesia ghi nhận số ca mắc kỉ lục trong ngày 15/7, với 56.757 ca mắc mới. Các bệnh viện trên đảo Java, nơi tập trung phần lớn dân số Indonesia, rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân. Nhưng đến ngày 15/7, con số này chỉ còn 3.948 ca. Số ca tử vong cũng giảm tương ứng, từ hơn 2.000 ca/ngày trong tháng 7, xuống còn 267 ca trong ngày 15/7. “Làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Indonesia dường như đã lùi vào quá khứ”, giáo sư Gusti Ngurah Mahardika, chuyên gia virus học hàng đầu tại Đại học Udayana ở Bali, nhìn nhận.
Tuy nhiên, ẩn sau thông tin tích cực đó vẫn còn một số điểm đáng lo ngại. Đầu tiên là mức độ đáng tin cậy của thông tin về xét nghiệm và truy vết. Theo ông Mahardika, với mỗi ca mắc COVID-19, Indonesia thường chỉ truy vết dưới 5 tiếp xúc gần (F1). Trong khi theo khuyến nghị của WHO, con số này phải tối thiểu là 15, nhưng không nên vượt quá 30.
Ông Mahardika cũng lên tiếng chỉ trích việc chính phủ thiên về sử dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên “dưới chuẩn” thay cho “xét nghiệm tiêu chuẩn vàng” PCR. Nếu tất cả được thực hiện xét nghiệm PCR, con số có thể đã cao hơn.
Kawal COVID-19 - một sáng kiến cung cấp dữ liệu độc lập ở Jakarta, cũng đồng ý nhận định của giáo sư Mahardika. Dữ liệu của Kawal COVID-19 cho thấy trong tổng số 98.900 người xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên hôm 13/9, chỉ có 1% cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Nhưng 21.700 mẫu xét nghiệm PCR được thực hiện cùng ngày lại cho ra tỉ lệ dương tính lên tới 7,6%.
Theo Septian Hartono, chuyên viên của Kawal COVID-19, xét nghiệm kiểu test nhanh không chính xác bằng PCR, vì độ sai số lớn. Nhưng xu hướng dịch bệnh giảm theo số liệu công bố chính thức vẫn chính xác. Hartono tin rằng tình hình ở Indonesia tương tự như Ấn Độ - tức dịch lây nhiễm tăng vọt sau đó giảm cũng nhanh, vì biến thể Delta không còn động lực phát tán.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN
“Hệ số lây nhiễm cơ bản của Delta là từ 6-8 (tức một ca nhiễm có thể kéo theo 6-8 trường hợp lây nhiễm mới), nhưng lệnh khẩn cấp giúp thu hẹp hệ số này. Một yếu tố khác chính là tỉ lệ người nhiễm bệnh đã quá cao, và khi đã nhiễm thì bệnh nhân COVID-19 đã có kháng thể, nên tỉ lệ tái nhiễm là thấp. Hệ số lây nhiễm của Delta ở Indonesia hiện rút xuống từ 3-4, tương tự với biến thể Alpha”, ông Hartono nói.
Tiến sĩ Dicky Budiman, chuyên gia dịch tế từng dự báo chính xác diễn biến trong làn sóng lây nhiễm thứ hai cho rằng chính phủ đã “thành công nhất định” trong kiểm soát đại dịch. Nhưng mức độ kiểm soát này mới chỉ rõ ở đảo Java. Xu hướng đáng ngại hiện nay chính là việc dịch bệnh đã dịch chuyển từ các đô thị tới vùng nông thôn, từ Java cho tới các đảo xa trung tâm. Dữ liệu về dịch bệnh “chuyển biến tốt” tại những địa phương này có thể chưa đủ độ tin cậy, bởi đây là những vùng yếu kém về phòng chống dịch trong một năm rưỡi vừa qua.
Ông Budiam cũng đồng thuận với quan điểm của giáo sư Mahardika khi cho rằng tỉ lệ dương tính giảm một phần là do giảm mẫu xét nghiệm PCR. Xét nghiệm “tiêu chuẩn vàng” này đã giảm từ 60.000 mẫu/ngày xuống chỉ còn 20.000 mẫu/ngày trong tuần đầu tháng 9. Đây là một tín hiệu đáng lo ngại với một quốc gia đông dân như Indonesia.
Indonesia được mệnh danh là “quốc gia vạn đảo”, đi cùng đó là tổ chức xã hội kết cấu rời rạc về địa lý, thiếu gắn kết và thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Nên việc tiêm chủng vaccine cho hơn 270 triệu dân ở Indonesia chưa bao giờ là một công việc đơn giản. Hiện mới chỉ có khoảng 20% trong tổng số 181,5 triệu dân từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ hai liều vaccine và khoảng 35% tiêm ít nhất một mũi. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu Indonesia sắp phải đối diện với một làn sóng lây nhiễm thứ 3 hiển hiện ở phía trước?
Dựa trên mô hình dự đoán cho rằng COVID-19 sẽ lập đỉnh sau mỗi 6 tháng, giáo sư Mahardika cho rằng làn sóng kế tiếp có thể sẽ xuất hiện vào tháng 1/2022. Theo ông, vấn đề không phải là lây nhiễm tái bùng nổ hay không, mà là vaccine có hiệu quả trong việc kiểm soát ca bệnh nặng và tử vong hay không.
Ông Hartono nhìn nhận có thể ngăn chặn làn sóng thứ 3 ở Indonesia nếu như chính phủ triển khai nghiên cứu về số người dương tính (seroprevalance) với COVID-19 trên phạm vi toàn quốc. “Kiểm nghiệm dương tính sẽ đưa ra câu trả lời về tổng số người đã nhiễm bệnh và số người đã được tiêm vaccine, qua đó cho thấy khoảng lặp. Dựa trên ước đoán có 40-50% dân số đã nhiễm bệnh, tôi cho rằng tỉ lệ dương tính ở Indonesia vào khoảng 60%”, chuyên viên của Kawal COVID-19 nói.
Ông Hartono giải thích, có trong tay dữ liệu này, chính phủ sẽ có được bức tranh tổng thể rõ ràng hơn về đại dịch và từ đó sử dụng để ra các quyết định về có nới lỏng hạn chế được ban hành trong tháng 7 hay không dựa trên căn cứ, dữ liệu khoa học. “Chính quyền Trung ương bị ám ảnh bởi những gì đã diễn ra tại Indonesia vừa qua, nên mọi quyết định, bước đi sẽ được thực thi cẩn trọng. Nhưng nếu chính phủ dỡ bỏ mọi hạn chế, tỉ lệ nhiễm bệnh sẽ lại tăng lên” - ông Hartono nhận định.
Nguồn Báo Tin tức (Theo Straitstimes)