Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cư dân P25- Đã an cư lạc nghiệp ở khu tái định cư mới
Thứ sáu: 04:30 ngày 14/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những năm gần đây, ở ấp Suối Bà Chiêm (xã Tân Hoà, huyện Tân Châu) hình thành Khu tái định cư số 4. Tính đến nay, đã có 88 hộ dân di dời từ "xóm giữa rừng" P25 về sinh sống tại khu tái định cư.

Hai căn nhà mới xây trong khu tái định cư số 4.

Một thời vất vả trong P25

Những năm 1980-1985, nhiều người dân ở phường 25, quận 10, TP. Hồ Chí Minh đến xã Tân Hoà khai thác gỗ, sau đó, họ không trở về mà ở lại rừng làm ăn sinh sống, dần hình thành một xóm nhỏ trong rừng, người dân địa phương quen gọi xóm dân cư này là P25 (cách gọi tắt của phường 25).

Những năm tiếp theo, nhiều người dân từ khắp nơi kéo về P25 lập nghiệp, trong đó có đến 48 hộ di dân từ Campuchia. Năm 2008, trong P25 có 109 hộ dân với 503 nhân khẩu. Xóm nhỏ này toạ lạc giữa rừng sâu, nghèo nàn, lạc hậu và gần như biệt lập với xã hội bên ngoài.

Họ sống trong cảnh không điện thắp sáng, không đường giao thông, không trạm y tế, không chợ và chỉ có một ngôi trường tiểu học nhỏ. Cư dân ở đây kiếm sống bằng cách trồng mì, vào rừng bẻ măng le đem ra chợ bán, hoặc mò cua, bắt ốc, đánh bắt cá dưới lòng hồ Dầu Tiếng.

Cả xóm có chừng 2 căn nhà tường và chỉ những gia đình khá giả này mới có máy phát điện. Một vài hộ khác thì có đèn măng-xông hoặc thắp sáng từ bình ắc-quy. Những hộ còn lại đều sử dụng đèn dầu để thắp sáng. Trong P25 có một điểm phụ của Trường tiểu học Tân Hoà B, với 3 lớp học, mỗi lớp chưa tới 10 học sinh.

Ông Bùi Xuân Hiệu quê ở Thái Bình, năm 1986, di dân tự do vào P25 sinh sống, lập gia đình. Vợ chồng ông có với nhau 7 người con. Vì ở sâu trong rừng, khi vợ mang thai đến ngày sinh nở, không tiện đường chở vợ ra trạm y tế nên hầu hết những đứa con đều do ông Hiệu tự tay đỡ đẻ tại nhà. Gia đình ông Hiệu có 1,4 ha đất trồng mì. Những lúc nông nhàn, vợ chồng ông sang tỉnh Bình Dương làm thuê làm mướn. Mặc dù cật lực lao động, nhưng hàng chục năm qua, gia đình cư dân này vẫn thuộc diện khó khăn ở P25.

Lớp học trong P25 trước năm 2008.

Di dời về nơi ở mới

Năm 2016, tỉnh thành lập Khu tái định cư số 4 ở ấp Suối Bà Chiêm, được phân chia thành 3 lô đất, giữa các lô đất có đường đất đỏ, trải sỏi phún rộng rãi; có điện, nước sạch, cây xanh... Năm 2017, chính quyền địa phương đã di dời 88 hộ dân trong P25 về khu tái định cư, mỗi hộ được cấp một phần đất nền với diện tích 400m2 và được hỗ trợ 30 triệu đồng để di dời tài sản. Tính đến nay, đã có 83 hộ dân cất nhà sinh sống.

Những hộ còn lại tiếp tục chuẩn bị xây nhà. Ngày 6.10.2022, khi chúng tôi đến Khu tái định cư số 4, thấy trước phần đất được giao cho gia đình ông Bùi Xuân Hiệu vừa đổ một đống cát, đá và hàng ngàn viên gạch xếp ngay ngắn để chuẩn bị xây nhà. Ông Đoàn Công Văn- Trưởng Ban công tác Mặt trận, Phó Ban quản lý ấp suối Bà Chiêm cho biết, vợ chồng ông Hiệu đang đi làm thuê ở tỉnh Bình Dương, sắp tới sẽ trở về đây cất nhà. 

Đối diện phần đất của ông Hiệu là căn nhà tường khang trang, rộng đẹp của gia đình ông Đỗ Văn Cần. Chủ nhà 62 tuổi này quê ở xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành. Năm 1978, ông lên Đồng Pan (thị trấn Tân Châu) tìm kế sinh nhai. Nghe trong P25 đất rộng, người thưa, dễ làm ăn sinh sống, năm 1990, vợ chồng ông Cần đến lập nghiệp.

Hằng ngày, vợ chồng ông trồng mì trên đất bán ngập, vào rừng bẻ măng le, đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng. “Lúc đó, nhà của vợ chồng tôi cất bằng gỗ tạp, lợp tôn, vách làm bằng tăng ni-lông, mưa gió rách te tua”- ông Cần nhớ lại. Khi có chủ trương di dời về Khu tái định cư số 4, gia đình ông Cần vui vẻ chấp hành.

Được chính quyền địa phương cấp một phần đất thổ cư, vợ chồng ông sang nhượng lại phần đất trồng mì trong P25, dùng tiền ra khu tái định cư xây căn nhà tường với chi phí 500 triệu đồng. Thời gian đầu ở đây, ông cũng có phần hoang mang, vì không biết công ăn việc làm ra sao.

Tuy nhiên, ngay sau đó, vợ chồng ông nhanh chóng bắt nhịp cuộc sống trên vùng đất mới, cùng đi làm thuê làm mướn cho người dân trong vùng. Nhờ siêng năng, cần mẫn nên ngày nào cũng có người đến thuê vợ chồng ông chặt hom mì, nhổ mì hoặc làm cỏ, xịt thuốc... “Trung bình mỗi ngày, tôi kiếm được 200 ngàn đồng. Vợ tôi cũng vậy. Những ngày mưa gió, nghỉ đi làm, ở nhà 2-3 ngày liên tục vẫn có tiền mua gạo”- ông Cần tâm sự.

Vợ chồng ông Cần có hai người con trai, cũng được cấp đất trong khu tái định cư. Cả 2 đều đã cất được nhà tường, ổn định cuộc sống. Hiện vợ chồng ông Cần sống chung với người con trai lớn. “Tôi cảm ơn các cấp chính quyền nhiều lắm. Nhờ ra khu tái định cư, cha con tôi mới có cuộc sống đàng hoàng như thế này”- ông Cần xúc động nói.

Bà Nguyễn Thị An, 63 tuổi, cũng là hộ dân mới trong Khu tái định cư số 4. Quê ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, sinh ra, lớn lên ở Campuchia, năm 1992, gia đình bà về P25 sinh sống. Vợ chồng bà An có 6 người con, trong đó hai người con lớn đã lập gia đình ra ở riêng trong P25. Năm 2017, 3 hộ gia đình này được cấp 3 phần đất nền trong khu tái định cư và đến nay đều cất nhà ở, ổn định cuộc sống.

Vợ chồng bà An còn đất trồng cao su trong khu P25 nên thường xuyên ra vào chăm sóc, thu hoạch mủ cao su. “Mấy đứa cháu lớn của tôi đều đi làm công nhân trong xí nghiệp. Hằng ngày có xe ô tô đến tận nơi đưa đón chúng đi làm. Mấy đứa cháu nhỏ đều được đến trường, học hành đàng hoàng”- bà An vui cười, khoe.

Khu tái định cư số 4 hoàn thành đã góp phần bảo vệ rừng, giúp người dân ổn định cuộc sống và tạo điều kiện để xã Tân Hoà đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới.

Đại Dương - Quốc Sơn

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục