Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tây Ninh bước vào mùa mưa với “điệp khúc” cứ mưa là ngập và tình trạng ngập diễn ra từ thành thị đến nông thôn. Khiến người dân không khỏi lo lắng khi đường ngập nước, di chuyển khó khăn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất…
Ám ảnh đi qua vùng ngập
Chuyện các tuyến đường nội ô TP. Tây Ninh mới “chớm mưa đã ngập” không còn là chuyện hiếm. Báo Tây Ninh cũng đã có nhiều bài phản ánh về tình trạng ngập úng cục bộ, phía cơ quan chức năng cũng triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này như nạo vét, khai thông cống rãnh, dọn vệ sinh quanh các hố dẫn nước vào hệ thống cống xả quanh các tuyến đường…
Tuy nhiên, do hạ tầng kỹ thuật hệ thống các cống xả ngầm quanh khu vực Thành phố không đồng bộ và nhiều hệ thống xây dựng đã lâu nên không bảo đảm việc lưu thông dòng chảy khiến “ngập vẫn hoàn ngập”.
Đường Cách mạng tháng 8 đoạn qua UBND phường Hiệp Ninh bị ngập nặng mỗi khi có mưa lớn.
Cơn mưa nặng hạt chiều ngày 2.7 dù chỉ xảy ra khoảng hơn 1 giờ đồng hồ nhưng cũng khiến nhiều tuyến đường ngập nặng như đường Cách Mạng Tháng Tám, đường Quang Trung, đường Nguyễn Văn Rốp… Cùng với đó là hàng chục tuyến đường, ngõ hẻm nhỏ trong nội ô thành phố Tây Ninh cũng chìm trong nước.
Đáng chú ý là đường 30.4, đây là tuyến đường mới được tỉnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo và ngầm hoá đường 30.4 với kỳ vọng sẽ trở thành một trong những con đường đẹp, hiện đại của tỉnh, là điểm nhấn của thành phố Tây Ninh, một thành phố đang trong quá trình phát triển năng động. Thế nhưng, đầu mùa mưa năm nay, tuyến đường này cũng đã có nhiều điểm bị ngập úng cục bộ, như nút giao đường 30.4 - Phạm Tung; Vòng xoay Trường Nam; nút giao đường 30.4 - Hoàng Lê Kha…
Không riêng gì thành phố Tây Ninh; đường 781, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu cũng chịu cảnh ngập úng cục bộ, mỗi khi có ô tô chạy qua, xe máy lại khổ sở vì bị từng đợt sóng lớn đánh vào.
Đã quen với cảnh nhiều tuyến đường của thành phố Tây Ninh ngập nặng sau mưa lớn, nhưng nhiều người vẫn bị ám ảnh mỗi khi vào mùa mưa. Anh Nguyễn Hoàng Xuân, ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh cho biết: cơn mưa chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ nên anh Xuân nghĩ rằng tình trạng ngập úng tại đường CMT8 sẽ không quá nặng. Tuy nhiên, khi lưu thông qua khu vực trước UBND phường Hiệp Ninh, do bị ngập nặng nên xe của anh Xuân bị chết máy và phải đẩy bộ.
Anh Xuân chia sẻ: “Tình trạng ngập úng tại đường CMT8 đã diễn ra hơn 10 năm qua, hầu như năm nào đi qua đoạn đường này tôi cũng phải đẩy bộ vì xe bị chết máy, tốn từ vài trăm đến cả triệu đồng để sửa xe. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng nhưng tình trạng này đến nay vẫn chưa được khắc phục. Tôi mong cơ quan chức năng có biện pháp để khắc phục tình trạng này”.
Còn chị Nguyễn Nga, ngụ phường 3, thành phố Tây Ninh cho biết: “Mỗi lần đi qua đường ngập tôi lại lo sợ, sợ xe chết máy hay thậm chí có vật cản dưới mặt đường mà mình không hay biết, có thể gây tai nạn giao thông. Việc thành phố Tây Ninh bị ngập nước là chuyện nhức nhối biết bao năm qua chưa tìm ra được giải pháp, hoặc đã có nhưng cũng chưa hiệu quả. Do đó, chúng tôi mong rằng lãnh đạo tỉnh, sở ngành cần có biện pháp để khắc phục hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài”.
Miệng cống thoát nước trên đường Trưng Nữ Vương, thành phố Tây Ninh có khá nhiều rác, lá cây.
Cần sự chung tay từ nhiều phía
Tình trạng ngập úng cục bộ trên địa bàn tỉnh không là câu chuyện mới xảy ra, các địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp ngắn hạn nhằm giải quyết tình trạng ngập như: cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét kênh rạch; triển khai thực hiện các hạng mục công trình cấp bách khống chế tình trạng phát sinh khu vực ngập mới...
Thế nhưng, công tác chống ngập vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn bởi một số tuyến đường đã được đầu tư, nâng cấp vẫn có khả năng xuất hiện ngập khi mưa lớn vượt tần suất thiết kế; một số tuyến đường chưa được kết nối đồng bộ với các dự án thoát nước; ý thức, trách nhiệm của người dân chưa cao…
Đơn cử như 2 cơn mưa chiều ngày 2.7 và 5.7.2023 đều gây ngập úng cục bộ đường CMT8, dù rằng trước đó, UBND thành phố Tây Ninh đã thực hiện đầu tư cải tạo miệng thu nước các hố ga, các hẻm cũng đã được đầu tư hệ thống thoát nước.
Tuy nhiên, theo nhiều người dân, bất cập ở tuyến đường này là nhiều miệng cống lấy nước cao hơn mặt đường khiến việc tiêu nước không hiệu quả. Và việc bị người dân xả rác, làm chắn miệng cống. Do đó, để giảm ngập, nhiều người dân đã phải chủ động khơi thông miệng cống thoát nước.
Trao đổi với chúng tôi, một người dân cho biết: Nếu khơi miệng cống, lấy rác thì nước sẽ ngập khoảng 1-2 giờ sẽ rút hết. Nhưng nếu không khơi miệng cống thì có thể ngập 4-5 giờ đồng hồ mới rút hết được. Do đó, để việc lưu thông thuận tiện hơn và không ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh thì mỗi khi xảy ra mưa lớn người dân nơi có đường bị ngập đã chủ động khơi dòng nước.
Anh Nguyễn Văn Nam- ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh cũng cho biết: “Tình trạng người dân xả rác bừa bãi là một trong những nguyên nhân rất lớn gây tình trạng ngập úng ngày càng nặng. Muốn cải thiện tình trạng ngập thì mỗi người dân phải có ý thức không xả thải bừa bãi trước đã. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần có biện pháp rất quyết liệt trọng việc xử lý những hành vi làm ảnh hưởng đến tiêu thoát nước cũng như nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước".
Cơn mưa chiều ngày 2.7 đã làm đường Quang Trung ngập trong nước.
Ông Lương Bá Can- Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh, cho biết: “Ðể giải quyết tình trạng ngập úng, thành phố Tây Ninh đang từng bước đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông được tập trung và chú trọng đầu tư hệ thống thoát nước.
Theo đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành tỉnh thực hiện kế hoạch đầu tư các hệ thống thoát nước chính, hệ thống thoát nước lớn trên địa bàn thành phố. Đối với thành phố Tây Ninh cũng đang đẩy nhanh tiến độ gồm: dự án đường Lê Duẩn, đường Nguyễn Văn Rốp, khi thực hiện các tuyến đường trên, các hẻm ngang kết nối sẽ được đầu tư đầu tư đấu nối vào hệ thống thoát nước ra đường chính của khu vực”.
UBND Thành phố cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ cho thành phố thực hiện đầu tư các công trình giao thông có hệ thống thoát nước, như: đường Bời Lời, đường Trường Chinh, hệ thống thoát nước dọc tuyến đường 784, Đường 793 để UBND thành phố thuận tiện hơn trong việc đầu tư đấu nối hệ thống thoát nước các nhánh vào hệ thống thoát nước của đường chính trên địa bàn thành phố Tây Ninh.
Vũ Nguyệt