Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cự Nẫm- Từ làng binh trạm đến làng du lịch nổi tiếng thế giới
Thứ sáu: 10:21 ngày 07/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong những năm chiến tranh, làng Cự Nẫm (xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) là nơi đặt binh trạm của bộ đội Trường Sơn; nơi dừng chân nghỉ lại một đêm của những đoàn quân trước lúc vào miền Nam đánh giặc… Còn hôm nay, trên mảnh đất một thời phải hứng chịu mưa bom bão đạn đó lại đang là điểm đến đầy hấp dẫn của khách du lịch khắp nơi trên thế giới…

Chuyện làng “một đêm”

Đích thân dẫn chúng tôi đi thăm thú một vòng xung quanh làng, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm Nguyễn Thanh Hùng không giấu được niềm tự hào khi giới thiệu về quê hương mình: “Cự Nẫm được khách du lịch tìm về ngày một đông không chỉ vì nó là một làng quê có cảnh sắc thiên nhiên đẹp như tranh vẽ, mà nơi đây còn là một địa chỉ đỏ, một điểm đến huyền thoại của lòng yêu nước…”.

Khách du lịch nước ngoài khám phá làng quê Cự Nẫm bằng xe đạp. Ảnh: P.P

Hồi tưởng về một thời kỳ lịch sử hào hùng của làng, ông Hùng cho biết, suốt cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, làng Cự Nẫm trở thành cửa ngõ vào Nam, ra Bắc, là trạm giao liên - điểm dừng chân cuối cùng của bộ đội trước khi vào chiến trường. Lúc đó, ngôi làng này được gọi là “làng một đêm”, bởi từ năm 1969 đến năm 1973 các sư đoàn bộ đội trên đường hành quân đều dừng lại đây một đêm trước khi vào trận, và các thương bệnh binh trên đường ra Bắc cũng dừng lại đây một đêm để nghỉ ngơi, lấy nhu yếu phẩm…

Ông Hùng dẫn chúng tôi đến nhà ông Mai Xuân Giá - cựu binh năm nay đã bước qua tuổi 100 nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Khi chúng tôi hỏi chuyện, những ký ức của một thời ác liệt, hào hùng lại hiện về vẹn nguyên trong lòng người cựu chiến binh già. “Ngày đó, hết đợt này, đến đợt khác, bộ đội nườm nượp vào làng, rồi lại đi, lại vào liên tục. Người dân Cự Nẫm ngày lao động, đêm đến lại bốc vác, vận chuyển lương thực, quân trang, vũ khí phục vụ bộ đội. Cả làng đều nhường nhà cho bộ đội ở. Tui nhớ ngày mô cũng có 1 - 2 đoàn bộ đội đến, cả làng giúp bộ đội đến 1 - 2 giờ sáng mới đi ngủ. Tổng cộng có 6 sư đoàn đã qua đây, đã ngủ lại đây trong sự đùm bọc của người dân Cự Nẫm” – ông Giá kể.

Chèo thuyền kayak trên hồ Đồng Suôn. Ảnh: P.P

Không chỉ ông Giá, hầu hết những người có tuổi trong làng đều có thể kể vanh vách những câu chuyện về trạm giao liên trong lòng dân và những kỷ niệm sâu sắc với bộ đội. Đó là mẹ Lê Thị Ngạn ngày ngày chặt hàng chục gánh bổi để ngụy trạng pháo và che nắng cho Tiểu đoàn pháo binh 19. Đó là mẹ Phan Thị Luyến ngồi một ngày liền để giặt áo quần cho cả một trung đội. Đó là mẹ Nguyễn Thị Xê một mình nấu nướng chăm sóc cho cả đại đội, rồi khi một chiến sĩ trong đại đội bị thương, mẹ đã chăm bẵm từng thìa cháo…

Làng thuần nông hút du khách quốc tế

Không có lợi thế như xã Sơn Trạch là nằm ngay Trung tâm của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng nhưng những năm gần đây, Cự Nẫm đang được khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài tìm đến ngày một nhiều. Và bây giờ Cự Nẫm không chỉ là làng “một đêm” như những năm chiến tranh mà nhiều đoàn khách du lịch đến đây đã ở lại dài ngày với Cự Nẫm. Không chỉ khám phá làng thuần nông với bầu không khí trong lành và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, du khách - đặc biệt là khách nước ngoài còn háo hức ra đồng làm đất, cày ruộng, gieo trồng và thu hoạch mùa màng cùng nông dân.

Ông Nguyễn Thanh Hùng – Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm cho biết, hiện ở làng Cự Nẫm và những vùng lân cận đã có hàng chục hộ dân đầu tư mở khách sạn, nhà hàng và dịch vụ homestay (ở trọ nhà dân) để phục vụ khách du lịch. Trong số đó phải kể đến cơ sở du lịch  Phong Nha Farmstay của vợ chồng anh Ben - chị Bích. Anh Ben (tên mọi người thường dùng để gọi thân mật Benjamin Joseph Mitchell), vốn là một kỹ sư xây dựng đến từ Úc; còn chị Lê Thị Bích thì sinh ra và lớn lên ở quê hương Cự Nẫm. Anh chị gặp nhau khi anh Ben đang làm giám sát công trường cho một công ty Canada tại cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), còn chị Bích đang còn là một hướng dẫn viên du lịch ở Đà Nẵng. Năm 2008, sau khi kết hôn, họ quyết định cùng nhau về quê Bích để bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề du lịch.

Theo chị Bích, tuy nằm ở một làng quê hẻo lánh, không có lợi thế sát biển, cũng như không nằm kề cận di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, nhưng Farmstay của chị lại được bao bọc bởi những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay và không khí làng quê yên tĩnh, thanh bình, người dân hồn hậu. Khách du lịch hoàn toàn có thể tham gia vào các công việc đồng áng, tự tay trồng rau, tưới cây, bắt cá và chuyện trò với những người nông dân mến khách nơi đây…

Với mô hình làm du lịch “đậm chất nông dân” nhưng rất thành công này, thời gian qua vợ chồng anh Ben, chị Bích cũng đã hướng dẫn  cho nhiều người nông dân khác làm theo và cũng rất thành công. Anh Trần Văn Quý và chị Nguyễn Thị Nhất vốn là những “lâm tặc”, trước đây cuộc sống của gia đình phụ thuộc những chuyến vào rừng khai thác lâm sản trái phép. Thế nhưng, từ năm 2010, anh Quý chính thức đoạn tuyệt với nghề đi rừng, cùng vợ quyết định mở cơ sở du lịch ngay tại nhà.

Cơ sở du lịch của vợ chồng anh Quý, chị Nhất lúc đầu cũng chỉ đơn thuần là một quán ăn phục vụ những món ăn dân dã mà gia đình tự làm hoặc mua được từ những người nông dân xung quanh như gà nướng, lạc rang, rau sạch… và những chai bia ướp lạnh.

Cự Nẫm không chỉ có những cảnh đẹp về thiên nhiên, mà còn là một vùng quê có văn hóa, truyền thống đặc sắc. Đặc biệt, con người nơi đây sống thân thiện, chan hòa, tình nghĩa, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi… Chính những điều đó là đã làm nên một thương hiệu du lịch cộng đồng ở Cự Nẫm và ngày càng thu hút được du khách”.

Ông Hồ An Phong

- Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình

Đơn giản có vậy nhưng khách du lịch, trong đó có nhiều người Anh, Úc, Pháp, Mỹ, Canada… đã tìm đến đây ngày một đông. “Với khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài, thái độ phục vụ là điều quan trọng nhất. Khi họ đến với cơ sở của mình thì mình phải luôn vui vẻ, hoà đồng, thân thiện. Giá cả thì cứ tính bình dân thôi. Sau khi họ trở về, những cảm nhận tích cực của họ viết trên blog, facebook nên bạn bè của họ nếu có đi du lịch tại Quảng Bình đều ghé quán vợ chồng tôi” - chị Nhất chia sẻ.

Chỉ bán gà nướng, bia lạnh và những món ăn dân dã của người nông dân nhưng cơ sở du lịch của vợ chồng anh Quý cũng nổi tiếng sang tận trời Tây. “Hữu xạ tự nhiên hương”, chính những vị khách nước ngoài đến đây được họ phục vụ tận tình, trở về nước đã viết, truyền bá cho cơ sở du lịch của vợ chồng anh Quý.

Mới đây nhất, Alison Alison - một khách người Anh đã chia sẻ cảm xúc của mình trên nhật báo danh tiếng của Anh The Guardian (Người bảo vệ). Cô miêu tả về món ăn của vợ chồng Quý bằng cụm từ “thích đến chết với món ăn tuyệt vời này” hay "gà nướng bên cạnh ly bia lạnh là tuyệt nhất trần đời".

Theo đó, khi đến Phong Nha- Kẻ Bàng du lịch, Alison đã chọn cơ sở du lịch của vợ chồng Quý để ăn uống. Alison đã rất cẩn thận khi hỏi vợ chồng anh Quý nhiều câu về nguồn gốc món ăn trước khi gọi. Để chiều lòng cô, vợ chồng anh Quý đã cho Alison vào tận vườn chọn bắt một con gà và vui vẻ hướng dẫn Alison làm món gà nướng... Sau khoảng 45 phút thì món gà được bê lên mâm bên cạnh đồ chấm, một đĩa rau muống xào, cơm trắng và thêm một chai bia lạnh. Nó đã trở thành một bữa ăn để đời với Alison…

Theo DanViet

Tin cùng chuyên mục