Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Của chìm
Thứ bảy: 18:43 ngày 17/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khi mấy người hàng xóm cùng thấy cây mận nhà Cò Bất chết héo, thấy đất quanh gốc cây có dấu vết đào lên lấp xuống, trong bụng nghi nghi nhưng cũng chẳng đoán ra manh mối gì.

Chiều muộn, tôi đi một vòng ngắm nghía quanh khu vườn nhà chú tôi. Dưới mỗi bước chân, tôi nghe lá khô vỡ vụn kêu lạt sạt. Đây là kiểu vườn tạp. Chắc do tuổi đã già chẳng còn nhiều công sức chăm sóc nên chú tôi để nhiều loại cây mọc chen chúc nhau chẳng ra hàng lối nào.

Quá nửa cây đã cỗi. Già nhất là cây mít, cành lá trông xơ xác vậy nhưng lạ kỳ quanh gốc nó treo lúc lỉu những trái ram rám nở gai nây tròn. Lát sau, chú tôi ra bể múc nước mưa tưới mát rổ trái cây cúng tổ, ông chỉ tay về phía căn nhà lợp rạ bé tẹo như cái lều coi vịt nhô hai nửa mái bạc phếch qua khỏi bờ rào hóp gai làm ranh giới, từ một lỗ thủng trên nóc, những làn khói xanh lam mỏng như nét vẽ lượn lờ bay lên. Tỏ vẻ thất vọng, ông lắc đầu thở dài:

- Nhà thằng Tèo đấy. Nó cùng họ mình, cùng ngành nhưng khác chi. Mới ngoài ba chục tuổi đầu đã tòi ra những bốn thằng con. Cả đôi vợ chồng cùng lười chảy thây. Làm cái gì cũng dốt. Chỉ cái khoản đẻ là giỏi nhất làng.

Sáng sớm hôm sau, vừa thức dậy, chú tôi lại nói tiếp về chuyện ấy:

- Quái lạ cái con vợ thằng Tèo cả nửa tháng nay không thấy cắp rá sang nhà chú vay gạo. Mọi khi, một tháng ít nhất hai, ba lần nó ca bài bốn đứa con nhịn đói đã vài ngày. Thằng chồng có đồng nào nướng vào rượu đồng ấy. Rồi thì là ngửa chiếc rá tuột vành, hứa cuối tháng thế nào con cũng trả. Mà rồi cuối năm chắc gì trông thấy hạt gạo nhà nó tròn méo ra sao.

Nhả xong bụm khói thuốc lào mù mịt, giọng chú trầm hẳn xuống:

- Mà lạ nữa, mấy bữa nay nghe bên nhà nó cúc cắc băm thớt ngày mấy bận. Mùi thịt chó rựa mận, mùi thịt bò xào rau cần thơm điếc mũi bay cả sang bên này. Cái khoản vợ chồng cãi nhau í oẳng cũng tịt luôn. Làng mình đang có sự lạ đây.

Chưa đầy nửa giờ sau, cái sự lạ mà chú tôi đoán già đoán non ấy đã huỳnh huỵch những bước chân gấp gáp chạy qua đầu ngõ. Tiếng người la hốt hoảng: Bớ làng nước, có người chết đuối. Chú tôi ném phịch ống điếu cày chạy theo. Tôi nhanh chân chạy trước. Tới đầu xóm, chỗ rẽ ngoặt ra bờ đê sông Nguồn đã thấy quây tròn nhiều người hiếu kỳ đứng chen nhau lố nhố trên hai bờ ao góc đường.

Giữa ao, một cái đầu người trọc lóc ngửa mặt thò lên giữa đám bèo hoa dâu xanh thẫm đang bị quấy đảo sùng sục bởi một cánh tay vùng vẫy. Miệng anh ta phì phì phát ra từng tiếng kêu cứu ằng ặc như bị sặc nước. Bàn tay bên kia bấu vào tấm gương chiếu hậu hắt ánh nắng ban mai sáng loé gắn vào hai càng tay lái chiếc xe máy chìm lỉm giữa ao.

Láo nháo nhiều tiếng nói: Ai như thằng Tèo. Người cãi: Xì… Ba đời nữa nhà thằng ấy cũng chưa sờ được vào đít con xe bình bịch. Tôi nhảy ùm xuống ao. Tiếp theo lại nghe một tiếng ùm. Tôi nhận ra thằng bé tóc đỏ tối hôm qua gọi anh Phương là đại ca. Một tay tôi nâng mái đầu người bị nạn đang nhô trên mặt bèo vài đốt ngón tay, một tay mò mẫm xuống phía dưới, phát hiện hai đầu gối anh ta co quặp bị cả chiếc xe đè gí xuống bùn.

Nước ao mà đầy thì chết sặc rồi. Tôi đẩy đầu xe, thằng đầu đỏ đẩy đít xe, rồi cùng xốc nách kéo anh ta lên ngồi tạm mép bờ ao. Trên người anh Tèo, chiếc quần short lửng xé gấu te tướp giả làm đồ rách và tấm áo thun màu đỏ chói in hình ban nhạc nước ngoài lấm lem bùn đất lúc này ướt sũng, dính sát vào lồng ngực dẹt đét, trông thật khôi hài.

Lại nghe láo nháo  nhiều người cùng ồ lên: Đúng thằng Tèo… đúng thằng Tèo. Lạ nhể. Là cái thằng Tèo chú tôi vừa nhắc đến lúc nãy đấy ư? Đầu thì tròn vo lam nham bèo tấm, cái mũi hếch và hai răng cửa dài như răng thỏ. Bộ dạng chả khác vai diễn hài trên màn bạc.

Biết chắc anh Tèo chân tay không gãy, mình mẩy không bị vết thương nào, hai chúng tôi bảo nhau ì ạch đẩy chiếc xe lên mặt đường. Dựng chân chống rồi vơ qua loa những mảng bèo tấm và bùn đất đen đúa bám khắp thân xe, tôi nhận ra chiếc xe Nhật tay ga màu đỏ chót còn mới long lanh, giá ít nhất cũng hơn bốn chục triệu.

Lẫn giữa đám đông toàn phụ nữ và con nít, anh Đó huơ huơ cánh tay cụt thun lủn nói oang oang: “*éo biết đi còn bày đặt đú đởn mượn xe máy chạy cho oai. Phen này bán cả cái lều nát cũng không đủ tiền đền đâu con ạ”. Anh Tèo đang ngồi ủ rũ mặt xanh mét, đứng phắt lên chỉ thẳng mặt anh Đó: “Này thằng cụt, bố mày bây giờ không còn rách như bố con mày đâu nhá. Con xe này hỏng á, bố mày vứt. Thằng cụt dám thách bố mày mua một lúc mười con mới khự cho thiên hạ lé mắt không?”. Không có chú tôi chạy đến can ngăn có lẽ bọn họ đánh nhau to.

Thấy vậy, cánh đàn bà con nít chạy tản đi, hiện trường còn lại mấy người đàn ông, chú tôi bảo thằng tóc đỏ giúp anh Tèo dắt xe về nhà. Chú cháu tôi cũng nhẩn nha cùng về. Đi được mấy bước nghe anh Tèo gọi với theo, giọng kẻ cả: “Chú mày dân Sài Ghềnh chính hiệu, con ông tướng họ tao phải không? Chiều nay sang nhà tao ăn thịt chó nhá.

Quê mùa đãi khách chỉ có vậy, đừng chê, chú em”. Tôi dạ dạ, chú tôi không trả lời. Ông còn mải lẩm bẩm một mình: À ra vậy… Tao đoán ra rồi. Không lẽ nào, không lẽ nào. Tôi quay lại thấy hai mắt ông mở to, vẻ mặt bần thần, kinh ngạc. Từ lúc ấy, suốt đường về chú tôi luôn lí nhí trong kẽ răng câu ấy. Đôi lúc hai môi ông há ra tròn vo không ngậm lại, giống hệt điệu bộ người dở hơi.

Tôi tắm rửa xong lên nhà trên đã thấy chú tôi khư khư kẹp chiếc điếu cày giữa hai đầu gối, hai má lõm lại sâu hút, cả môi trên môi dưới tụt vào miệng điếu. Đốm lửa như trái ớt đỏ khé chui tọt lỗ nõ điếu. Ông rít liên tù tì dễ đến mấy điếu liền. Chừng như trong đầu đã loé ra vấn đề gì đấy, da mặt ông giãn ra, bình thản. Rồi ông lên tiếng trịnh trọng như thuyết trình trước hội nghị:

- Cái thằng cùn đời, xó bếp nhà nó chỉ toàn niêu đất với bát mẻ lại có tiền mua xe máy Nhật cũng lạ thật. Nó mua thật đấy, chứ ở làng này có thằng điên mới cho nó mượn xe. Trúng số độc đắc thì không có cửa nào, vì kiếm được vài ngàn đã cho vào vài chén rượu rồi, tiền đâu mua số. Chú dám quyết nó đào được của chìm trong lòng đất cháu ạ. Lịch sử làng mình có nhiều cái lạ lắm, rồi từ từ chú kể cháu nghe.

Chợt nhớ có lần bà tôi ngồi thoa dầu nóng lên hai đầu gối, vừa ối a kêu đau vừa rên rẩm: Dưới lòng đất làng mình trông khô cằn vậy mà có lắm của chìm lắm đấy. Ngày xưa nhà cụ Thiên Hộ đứng hàng phú gia địch quốc. Sau vụ giặc Tây xử bắn ba con trai cụ ở chân núi Cánh Diều, vậy là dòng họ ấy tuyệt tự. Các cụ vẫn truyền vào tai nhau thắc mắc: Của cải nhà ấy đã bí mật chuyển đi đâu mà tới lúc họ trốn đi, mấy cơ ngơi bỏ lại trống toang, mấy gian nhà kho, bao nhiêu hòm xiểng cũng đều rỗng tuếch chả còn đồng xu mẻ.

Chú tôi kể: Chả nghe ai nói cụ Thiên Hộ họ gì, tên gì. Anh em thúc bá của cụ bây giờ cũng chẳng còn ai ở làng. Cả một dòng họ biến mất một cách bí ẩn không còn dấu vết. Thiên hộ là nghìn nhà. Là tước phong cho cụ tổ nhà ấy tự đời vua nào cũng chả ai còn nhớ. Chỉ biết đời đời con cháu họ được hưởng lộc của nghìn nhà. Đáng lẽ đóng thuế cho nhà vua thì nộp cho nhà Thiên Hộ. Tích góp bao nhiêu đời, nhà Thiên Hộ giàu nứt đố đổ vách. Chỗ chú cháu ta đang ngồi, đất cả cái làng này xưa đều là của nhà Thiên Hộ đấy.

Chuyện lạ lắm. Các cụ nhà ta vẫn kể: Năm giặc Tây chiếm tỉnh lỵ Ninh Bình, hưởng ứng hịch Cần Vương, ba con trai cụ Thiên Hộ chiêu mộ được khoảng vài trăm nghĩa quân cùng với bộ hạ tâm phúc tôi tớ trong nhà kéo lên cướp lại tỉnh thành. Công cuộc nghĩa dũng ấy bị giặc Tây đánh bại. Ba chủ tướng bị chúng bắt rồi đem xử bắn.

Nghĩa quân tan tác. Chỉ còn vài ba chục tâm phúc chạy được về làng. Lúc ấy giặc Tây chưa bình định được các vùng nông thôn. Cụ Thiên Hộ biết trước sau cũng bị bọn Việt gian phản phúc tố cáo hòng lĩnh thưởng, nên mới gấp rút cho mua mấy chục cỗ tiểu sành chở đầy mấy thuyền lớn cập bến làng mình.

Rồi phao tin rằng mở lò buôn đồ gốm. Nhưng chỉ sau mấy đêm, bao nhiêu cỗ tiểu biến đi đâu mất. Cùng lúc trên những cánh đồng bát ngát của nhà Thiên Hộ rải rác mọc lên những ngôi mộ mới đất vàng au. Sau đấy cả họ tộc nhà Thiên Hộ và vài chục tay chân tâm phúc cũng bí mật biến đi đâu mất.

Duy chỉ một ông chăn ngựa già lụ khụ còn ở lại. Mãi sau này, gặp năm Cách mạng tháng Tám thành công, người cháu bốn đời cụ già ấy lên nộp cho chính quyền cách mạng tỉnh một ống gốm sứ bịt xi kín mít. Nói rằng cụ tổ nhà mình để lại với lời dặn dò tuyệt đối không được mở.

Chỉ khi nào gặp vận hội nước nhà nổi lên đánh đuổi thằng Tây thì đem nộp cho ngài thủ lĩnh. Chả ai trông thấy trong ống sứ ấy đựng gì. Chỉ biết sau đấy một đoàn công tác của chính phủ về làng, họ chia ra mấy đội, mỗi đội mang theo một tờ giấy ố vàng ngắm ngắm nghía nghía, đo đo vẽ vẽ rồi đào lên được rất nhiều cỗ tiểu sành, nghe nói số lượng áng chừng cả trăm, mang về tập trung ở sân đình.

Lúc ấy du kích xã canh phòng cẩn mật lắm. Chú tuy còn bé tí nhưng cũng chả cho bén mảng đến. Rồi họ chuyển những tiểu sành ấy lên ô tô chở đi đâu chả biết. Về sau dân làng đồn đoán hôm ấy chính phủ thu được cơ man vàng bạc nhà cụ Thiên Hộ chôn cất khắp nơi.

Người cháu năm đời cụ già xưa đi theo cách mạng từ buổi ấy. Hiện ông còn sống, cao tuổi nhất làng nhưng vẫn minh mẫn. Hễ ai gặng hỏi chuyện cũ ông chỉ mỉm cười bí hiểm. Bây giờ trong nhà ông còn giữ tấm giấy khen của Uỷ ban Hành chính tỉnh ghi nhận đóng góp to lớn của gia tộc ông. Ông hưu trí lâu rồi. Cấp bậc cũng to to. Những ngày lễ trọng quốc gia, chính quyền tỉnh vẫn trọng vọng đánh xe về tận làng mời ông đi dự.

Lại nhớ bà tôi một lần đã kể: Năm giặc Mỹ bỏ bom nống ra miền Bắc, lớn bé cả làng đều tham gia đào giao thông hào chạy dài quanh xã. Ông Tá người xóm Gò Chùa đào được một hũ sành chứa năm mươi thỏi bạc to bằng ngón chân cái. Ông đem nộp chính quyền. Được cấp trên trọng thưởng, ông chỉ nhận tấm giấy khen còn số tiền kèm theo ông tặng Uỷ ban xã dùng làm quỹ cứu thương.

Có người bảo ông: Đồ ngu, của giời cho không biết giữ. Ông Tá đáp: Của giời là thế nào, của nhà cụ Thiên Hộ di chúc góp tài vật cho chính phủ đánh Tây, mình không có đóng góp thì đừng tham lam những nén bạc thiêng liêng ấy. Tôi hỏi chú chuyện này có thật vậy không hay bà cháu hoang tưởng tuổi già? Chú bảo: Thật đấy. Ông Tá bị trúng bom, hy sinh trong đêm chở thuyền tải đạn qua sông Nguồn sau ngày ông nộp hũ bạc cho chính phủ đâu chừng vài tháng.

Kể tới đây, chú tôi dừng lại vỗ đùi cái đét: Ngớ ngẩn thật. Thế mà mình không nghĩ ra. Đúng y chóc thằng Tèo đào được hũ bạc của cụ Thiên Hộ rồi. Chả là thế này, tháng trước, chú ngứa miệng bảo nó: Nhà mày có cây cau Liên Phòng giống quý lắm đấy. Dạo này cưới hỏi người ta hay lùng mua loại cau này.

Những mấy trăm ngàn một buồng chứ ít đâu. Muốn cau đậu nhiều buồng thì phải hạ gốc nó sâu xuống chừng mét rưỡi. Để lêu đêu thế một quả cũng chả có đâu. Vợ nó tính toán chục buồng cau được dăm triệu, ăn gạo cả nhà nửa năm không hết.

Vậy là bắt chồng hì hục đào gốc cau. Nửa tháng sau thấy cây cau đổ ềnh, nằm héo rũ, chú bảo sao không dựng lên lấp đất lại, để chết uổng lắm. Nó hề hề: Cháu bận quá. Mà có một cây cau hủi, tiền bạc bõ bèn gì. Đứng lênh chênh giữa vườn chướng mắt. Bác có thích đem về mà trồng. Vậy là chính xác dưới gốc cau ấy nó vớ được của báu rồi. Đất nhà chú, đất nhà nó và vài chục hộ liền kề là đất của cụ Thiên Hộ bỏ hoang tự xưa. Hồi cải cách ruộng đất chính quyền cấp cho đấy.

Chả riêng gì chú tôi nghĩ vậy. Cả làng Diễm ai cũng cho là vợ chồng thằng Tèo đào được của. Có người bỗ bã hỏi thẳng, chỉ được anh ta lấp lửng trả lời: Của giời đâu dễ kiếm vậy. Rồi nhay nháy hai mắt, nắm tay thân thiết kéo vào quán đãi vài vại bia ướp lạnh. Tan chầu nhậu, anh ta rút tấm ví căng phồng móc ra tờ năm trăm ngàn mới cứng, bẹo má em tiếp viên nhăn nhở: Tiền dư anh boa luôn. Cơ hội trời cho, mấy cô tiếp viên nõn nà xuất chiêu bá vai, vuốt áo cưng nựng Tèo chả khác gì đại gia thành phố về làng.

Những nhà cùng có nguồn gốc đất của cụ Thiên Hộ xưa lại càng tin anh Tèo đào được hũ vàng. Bởi cùng thấp thỏm hy vọng dưới lòng đất nhà họ đang chứa những hũ vàng lấp lánh. Chả ai bảo ai, đêm đêm cha nào con ấy lăm lăm cây cuốc, cây xiên sắt nhọn hoắt âm thầm chọc chọc chỗ này chỗ nọ. Hễ nghe mũi xiên vương vướng vật gì cứng cứng là mừng toát mồ hôi, cuốc cuốc đào đào hối hả. Tới lúc chính tay mình nhấc lên hòn gạch vỡ hay cục đá ong lại ỉu xìu ngồi phịch xuống miệng hố, hí hóp thở như sắp chết. Có nhà đào đến bật gốc những cây ăn trái có tuổi mấy chục năm, chẳng kiếm được gì, vẫn hăm hở xiên vào nền bể nước mưa rồi moi moi bới bới đến nỗi đáy bể gãy đôi đổ sập, suýt gây tai nạn chết người. Lại chuyện vườn cam sành nhà nọ có cả thảy vài chục gốc đang kỳ mơn mởn những trái non hứa hẹn tết nay thu mấy tạ, bán tận vườn chắc dư dăm chục triệu cũng bị xới tung gốc rễ. Hậu quả hũ vàng, hũ bạc chả thấy đâu, cam thì héo quắt, vợ đòi tự tử. Vậy mà các ông chồng vẫn chưa tỉnh cơn say những thỏi kim loại giời ơi đất hỡi. Họ tính toán, năm ấy ông Tá đào được hũ bạc nén, chứng tỏ ngày xưa chính phủ chưa khai quật hết, hoặc tấm gia phả cụ Thiên Hộ để lại đánh dấu còn sơ sót. Vậy là thăm dò hết vườn nhà mình, họ xiên xéo qua bờ rào sang đất vườn bên cạnh. Đến nỗi đang nửa đêm xảy ra xô xát chửi bới om tỏi. Nếu không vướng cái bờ rào, dễ họ nhảy xổ sang bổ cuốc lên đầu nhau không biết chừng. Trong cơn sốt này, thằng Tèo cũng dính phải một cắc cớ dở cười dở khóc. Chả là vườn của anh Tèo liền kề vườn nhà người cháu mấy đời cụ Phó Kết, một nhân vật ngày xưa có tính lỡm lờ nổi tiếng của làng Điềm. Đến bây giờ, hậu duệ của cụ đời nào cũng ít nhiều mang gien cụ. Có người còn khôi hài xiên xỏ hóm hỉnh hơn cả cụ tổ. Mấy đêm liền cha con người cháu Phó Kết hì hục đào bới nhưng chẳng kiếm được gì. Đang cơn thất vọng, họ phát hiện có kẻ lấp ló theo dõi rình mò, liền nghĩ kế lỡm chơi. Đêm ấy, bên kia hàng rào, cha con nhà Phó Kết thì thào: Đúng chóc rồi, bây giờ sao? Thì ôm vào trong nhà hãy mở. Bên này thằng Tèo hiếu kỳ hồi hộp bò nhoai nửa người qua bờ rao nghe ngóng. Thế là… ào… Một xô nước phân người thối hoắc dội trúng tóc tai mặt mũi. Thằng Tèo nổi quạu: “Đ*t mẹ tổ cha cả họ nhà Phó Kết”. Bên kia cười rũ rượi: “Cho mày cả hũ vàng con bày đặt chửi bố mày hả?”. Ngày mai cả làng đều biết chuyện. Hễ Tèo ngồi quán nào liền bị nói móc: Mùi phân ở đâu mà thúi xông đến tận đây cà?

Ở cuối làng Điềm có một xóm nhỏ cách xa khu dân cư đông đúc. Nguyên đấy là thổ ngơi của gia tộc ông Cai tổng Cầu. Năm 1954, cả nhà Tổng Cầu đi cư vào Nam. Anh Cò Bơ vốn là người ở mấy đời chăn trâu cho nhà ấy. Thời cải cách ruộng đất, Cò Bơ được chia quả thực ba gian bếp lợp ngói Tây và miếng vườn liền kề của ông chủ cũ. Có mấy sào ruộng, có nếp nhà, Cò Bơ khi ấy đã ngoài ba chục tuổi mới lấy được vợ. Vợ Cò Bơ người khô như cây hóp, mấy năm sau mới sinh được anh Cò Bất bây giờ. Hồi nhỏ, Cò Bất chật vật sáu bảy năm chưa qua nổi lớp ba. Lại mắc tật lặp năm lặp bảy không nói được một câu rành mạch, nên xấu hổ bỏ học, ở nhà suốt ngày đánh dậm cua, đơm vó tép ngoài đồng. Bố mẹ chết rồi, Cò Bất bỏ luôn ruộng, sống bằng nghề tôm cá. Mươi năm trở lại đây, đồng ruộng dùng nhiều phân hoá học với thuốc trừ sâu, sông ngòi trong vắt chả còn bóng con cua con tép, Cò Bất xoay ra đi làm thuê cho trang trại chăn nuôi của ông chủ ở đâu về kinh doanh cả ngàn con lợn trong chuồng. Tiền công Cò Bất nhận được chỉ đủ cho vợ con ngày hai bữa cơm rau. Bỗng nhiên anh ta đổi đời vào đúng dịp thằng Tèo mua con xe máy mấy chục triệu. Chuyện là thế này, tết năm rồi, hai người cháu Tổng Cầu từ Mỹ về thăm quê đã ghé vào chơi nhà anh Cò Bất. Hai chị em họ đi rảo khắp vườn rồi đến chỗ cây mận già, nó già đến nỗi cả chục năm nay chả ra nổi quả nào. Anh Cò Bất mấy lần định chặt đi, nhưng chị vợ bảo để cho con nó có bóng mát tụ tập chơi đùa. Bữa ấy, hai Việt kiều rảo quanh khắp vườn, xì xồ với nhau bằng tiếng Mỹ một hồi lâu. Đến chỗ cây mận già, họ cúi xuống săm soi từng ngọn cỏ, rồi gậm gậm chân coi thử mặt đất còn chắc không. Khi lên xe, cô chị ướm hỏi: Anh Cò muốn bán lại miếng vườn này không? Chờ lần sau chúng tôi về thương lượng nhé. Rồi họ bai bai, để lại anh Cò đứng bất động, lòng đầy nghi hoặc. Cho đến hôm nghe đồn thằng Tèo đào được hũ vàng, anh Cò Bất nửa đêm bật dậy ôm vợ hét lên: Nhà mình giàu to rồi. Chờ đấy, ông bán cho, về mà húp đất. Chị vợ ngỡ anh phát điên sợ run cầm cập.

Khi mấy người hàng xóm cùng thấy cây mận nhà Cò Bất chết héo, thấy đất quanh gốc cây có dấu vết đào lên lấp xuống, trong bụng nghi nghi nhưng cũng chẳng đoán ra manh mối gì. Đến buổi có người hàng xóm gặp vợ Cò Bất dẫn con lên thị trấn huyện mua sắm bao nhiêu quần áo mới. Rồi hằng ngày dây phơi ngang sân nhà Cò Bất chấp chới đỏ xanh vàng tím giăng đầy như quầy thời trang trong siêu thị. Họ cũng chỉ đoán mò với nhau Cò Bất lại đào được vàng vậy thôi, chả có gì cụ thể. Nhưng rồi một đêm nhà Cò Bất bị trấn lột, bọn lưu manh chả lấy được gì khi anh Cò đưa cho chúng xem tấm thẻ tín dụng mệnh giá năm mươi triệu chẵn. Ngoài ra chỉ có mớ áo quần, bọn chúng chả thèm. Vậy là cái tin anh Cò Bất đào được vàng lại tung ra khắp xã. Lần này anh Đó cụt mò tới. Biết Đó cụt là đại ca có số má vùng này, Cò Bất khai thật đã đào được một chum đồ cổ dưới gốc cây mận già. Nguồn gốc có lẽ của nhà Chánh tổng Cầu năm ấy chôn giấu lúc di cư. Đó cụt hỏi: Bán cho ai? Cò Bất nói đại ý: Ông chủ tiệm vàng trên thị trấn. Lại hỏi: Những thứ gì? Nhiều lắm. Toàn đồ sứ. Chỉ nghe họ nói với nhau loáng thoáng Tống, Minh, Khang Hi, Càn Long gì đó. Đó cụt đấm tay đánh rầm xuống mặt phản: “Đ* má! Nó lừa mày rồi. Đống của ấy hàng tỷ đồng không hết”. Nghe vậy, Cò Bất lặp lặp: “T*t… T*t mẹ … thằng… thằng…”. Đó sốt ruột sẵng giọng: “Thằng thằng cái c… c... Ngu thì ăn cứt. Thế còn tí nào không?”. Đáp: “Không… mảnh vỡ thì… thì… còn … còn”. Nói rồi Cò Bất dẫn Đó cụt ra gốc mận bới lên một đống mảnh sứ chẳng ra hình thù nào. Đó cụt ngồi tỉ mẩn ghép lại được hai chiếc bát sứ mỏng như vỏ trứng, bảo Cò Bất dúm tất cả cất đi rồi tính. Mấy bữa sau, Đó cụt dẫn theo một ông đeo kính gọng vàng, mồm ngậm píp thuốc trễ một bên mép. Cầm chiếc kính lúp bằng miệng chén săm soi đống mảnh vỡ ấy, hết gật gật, lại trề môi lắc lắc, hồi lâu, ông ấy phán: “Tiếc quá, vỡ nát hết rồi. Toàn men đời Lý đời Trần cực kỳ quý hiếm. Còn nguyên thì chỉ hai cái bát thời Lý này cũng đáng giá dư năm chục triệu. Những mảnh vỡ này tôi gom về chưa biết làm gì. Thôi hai anh cầm đỡ ba triệu coi như trả công đi lại. Đào được thêm nhớ báo cho biết nhá”.

Lúc ông khách chuẩn bị ra về, ngồi cẩn thận xếp tất cả mảnh vỡ vào chiếc cặp mang theo, Cò Bất bất thần hằm hằm rút cây dao phát bờ lặp lặp sùi bọt mép: “Ông thì… ông thì cho… thằng chủ tiệm vàng một nhát”. Ông khách thủng thẳng: “Phi vụ này tôi biết đã mấy hôm rồi. Thằng chủ tiệm vàng ấy cũng chỉ được thí cho năm chục triệu thôi. Hơn tỷ bạc bọn nó sang tay cho tụi Đài Loan rồi. Chớ dại đụng vào bầy sói ấy mà tiêu mạng đấy”.

Những chuyện này tôi nghe lỏm được trong một buổi tối mấy bác cựu chiến binh ngồi ở nhà chú tôi uống trà đàm đạo. Cụ già nhất khẳng định: Nhà Tổng Cầu có ông tổ làm tới chức Ngự sử qua hai đời vua ở kinh đô. Chum đồ sứ cổ ấy chắc cụ mang về từ Huế. Cụ khác chép miệng cảm thán: Mới qua mấy chục năm mà sao lớp người bây giờ khác với bọn ta thế nhỉ?

V.T.K

Tin cùng chuyên mục