Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cửa khẩu quốc tế Xa Mát: Cần sớm kêu gọi đầu tư kho bãi xuất nhập khẩu, logistic
Chủ nhật: 22:48 ngày 22/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát có đến 5 địa điểm được quy hoạch kho bãi xuất nhập khẩu, logistic.

Mỗi ngày có khoảng 200 đến 300 xe chở củ mì tươi nhập khẩu qua Cửa khẩu Chàng Riệc.

Việc Tổng cục Hải quan tạm dừng hoạt động địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu ở biên giới của Công ty TNHH MTV Đồng Phước Tây Ninh tại Cửa khẩu quốc tế Xa Mát trong vòng 6 tháng do không bảo đảm điều kiện, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của một số doanh nghiệp, hiện đang là cao điểm nhập khẩu nông sản, nhất là khoai mì. Một cửa khẩu quốc tế như Xa Mát nhưng chỉ có duy nhất một điểm tập kết, kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu cho thấy việc kêu gọi đầu tư kho bãi logistic tại đây thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức.

Chuyện buồn sau 20 năm

Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát được thành lập theo Quyết định số 186/2003/QĐ-TTg ngày 11.9.2003 của Thủ tướng Chính phủ với quy mô 34.197 ha, bao gồm địa giới hành chính của các xã Tân Lập và Tân Bình thuộc huyện Tân Biên. Trong đó, quy hoạch Khu đô thị cửa khẩu Xa Mát 728 ha.

Ngày 23.2.2005, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 130A/2005/QĐ-UB phê duyệt Quy hoạch chung Khu KTCK Xa Mát đến năm 2020 và Quyết định số 130/2005/QĐ-UB về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/2.000 Khu đô thị cửa khẩu Xa Mát. 

Địa điểm tập kết hàng hoá của Công ty Bốn Mùa tại Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát chưa được Tổng cục Hải quan công nhận.

Ngày 3.3.2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 410/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết đến năm 2020 Khu đô thị cửa khẩu Xa Mát (thay thế Quyết định số 130/2005/QĐ-UB).

Hiện tại, đã có chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu KTCK Xa Mát đến năm 2045 theo Văn bản số 1188/TTg-CN ngày 17.9.2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, đất kho bãi xuất nhập khẩu, logistic có diện tích khoảng 70,85 ha bao gồm 5 vị trí (KBXN-1: 20,86 ha KBXN-2: 24,9 ha; KBXN-3: 11,29 ha; KBXN-4: 6,64 ha; KBXN-5: 7,16 ha).

Thế nhưng sau 20 năm, Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát chỉ có dự án xây dựng kho bãi của Công ty TNHH MTV Đồng Phước Tây Ninh, với diện tích khoảng 47.260m2. Trong đó, Công ty dành khoảng 7.840m2 để làm địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu và được Tổng cục Hải quan công nhận đủ điều kiện. Trong khi đó, từ quốc lộ 22B đến cửa khẩu, có đến hàng chục kho bãi của nhiều doanh nghiệp, cá nhân nhưng chẳng nơi nào được Tổng cục Hải quan công nhận.

Hệ luỵ của việc chưa quan tâm đúng mức trong đầu tư kho bãi xuất nhập khẩu, logistic tại Cửa khẩu quốc tế Xa Mát đã thấy rõ. Các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này mong muốn ngành chức năng tạo điều kiện, vì đến mùa cao điểm nhập khẩu nông sản nhưng không có địa điểm nào tại khu vực cửa khẩu được Tổng cục Hải quan công nhận.

Cần đầu tư hạ tầng

Theo Quyết định số 1200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14.10.2023 phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh có thêm một cửa khẩu quốc tế là Chàng Riệc - Dar (Tboung Khmum) và một cửa khẩu phụ là Hoà Hiệp - Khse Dek (Svay Rieng). Việc mời gọi đầu tư để nâng cấp hạ tầng, kho bãi, logistic cần được quan tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Cửa khẩu Chàng Riệc- nằm trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên, hiện nay hoạt động xuất nhập khẩu khá nhộn nhịp. Hiện có một địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu được Tổng cục Hải quan công nhận nằm giữa barie số 1 và barie số 2, quy mô diện tích hơn 6 ha, được doanh nghiệp đầu tư đáp ứng đủ các tiêu chí như có hệ thống camera, kho chứa, bàn cân, cửa phương tiện vào bãi, cửa cho phương tiện ra bãi…v.v…

Hàng nông sản tại địa điểm tập kết hàng hoá do UBND huyện Tân Biên quản lý tại khu vực cửa khẩu quốc tế Xa Mát.

Ghi nhận của chúng tôi, dù mới đầu vụ thu hoạch nông sản nhưng lượng phương tiện chở khoai mì tươi từ Campuchia nhập vào Việt Nam qua địa điểm này, mỗi ngày dao động khoảng 200-300 xe. Một cán bộ Hải quan cho biết, sắp tới, có thể mỗi ngày lượng phương tiện nhập khẩu nông sản từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc và đưa vào địa điểm tập kết này tăng lên khoảng 300-400 xe.

Do đó, khi nâng cấp Cửa khẩu Chàng Riệc thành cửa khẩu quốc tế, cần phải có sự quan tâm trong việc kêu gọi đầu tư kho bãi xuất nhập khẩu, logistic vì hiện tại ở cửa khẩu này cũng chỉ có duy nhất một địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được Tổng cục Hải quan công nhận.

Tấn Hưng

Trong các số báo trước, Báo Tây Ninh phản ánh nguyện vọng của Công ty TNHH XNK nông sản Bốn Mùa xin giao nhận hàng tại bãi của doanh nghiệp. Công ty này cho biết, mỗi ngày, doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 40-50 xe tải khoai mì tươi, mỗi xe tầm 20-50 tấn. Việc thực hiện theo Thông báo số 1196/TB-HQXM của Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát, sang tải hàng hoá tại barie số 1 và barie số 2 của cửa khẩu gây khó khăn cho doanh nghiệp; ảnh hưởng đến tiến độ giao nhận hàng hoá. 

Trong văn bản trả lời kiến nghị của Công ty Bốn Mùa vào ngày 17.10, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Xa Mát nhấn mạnh, kho bãi của công ty trong khu vực cửa khẩu, do đó, để được sang hàng, công ty phải thực hiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định 68/2016/NĐ-CP và Nghị định 67/2000/NĐ-CP. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Công ty gửi hồ sơ đến Tổng cục Hải quan để được xem xét công nhận.

 

Tin cùng chuyên mục