Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu bám sát các mục tiêu, giải pháp về hồi phục kinh tế - xã hội, đồng thời lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc vào sáng 23-5 tại Hà Nội với sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu Quốc hội khóa XV.
Đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết kỳ họp thứ 3 diễn ra sau thành công tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII với nhiều quyết sách quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Trong gần một năm qua, Quốc hội khóa XV đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, quyết tâm đổi mới, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền, chủ động từ sớm, từ xa, thích ứng linh hoạt với điều kiện thực tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan, gần dân và sát thực tiễn hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Sau khi cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến rất tích cực. Kinh tế Việt Nam đang phục hồi và phát triển rõ nét; nhiều ngành, lĩnh vực đang vươn lên mạnh mẽ và lấy lại đà tăng trưởng; lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn được bảo đảm. Hoạt động giáo dục - đào tạo, văn hóa, xã hội, y tế, thể thao… cơ bản đã trở lại bình thường; an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại không ngừng được mở rộng...
"Thành công vang dội của Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31, ngày hội của tinh thần đoàn kết Đông Nam Á, đặc biệt là thành tích xuất sắc bảo vệ thành công ngôi vô địch của cả bóng đá nam và bóng đá nữ Việt Nam, đã và đang truyền cảm hứng lớn đến đồng bào ta ở trong và ngoài nước cũng như bạn bè quốc tế" - Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhìn nhận thực tế còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, yếu kém. Tuy nhiên, những kết quả quan trọng đạt được đã củng cố thêm niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và niềm tin vào cả hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng 23-5 Ảnh: TTXVN
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho những tháng còn lại của năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội bám sát các yêu cầu, mục tiêu, giải pháp tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19 năm 2022, về các khung kế hoạch 5 năm 2021-2025, về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực; bất ổn của thị trường tiền tệ, tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản cả ở trong và ngoài nước để đánh giá sát, đúng những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém.
Từ đó, chỉ rõ những khó khăn, thách thức phải vượt qua và hiến kế, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2022, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Lựa chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao
Tại ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 3, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày tờ trình về dự kiến chuyên đề giám sát năm 2023. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về nội dung này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao trong năm 2023; 2 chuyên đề còn lại sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Cụ thể, 4 chuyên đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn gồm: "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng"; "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030"; "Việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông" và "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021".
Tham gia thảo luận, nhiều đại biểu dành sự quan tâm đặc biệt đến chuyên đề số 3 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội), cử tri đang rất bức xúc về các chương trình giáo dục phổ thông với nhiều điểm không phù hợp, trong đó có vấn đề dạy và học môn sử. "SGK khi thì in sai, ngôn từ còn nhiều chỗ không phù hợp, hình ảnh chưa được chuẩn mực.
Đặc biệt, SGK không được sử dụng lại nên hằng năm, cả xã hội vẫn phải tốn hàng ngàn tỉ đồng để mua sắm sách mới, gây khó khăn lớn cho các gia đình có con đi học, đặc biệt những gia đình nghèo" - ông Trí nói và đề nghị giám sát lại để từ đó điều chỉnh phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, nêu quan điểm chuyên đề số 3 cần được giám sát tối cao. Theo nữ đại biểu, 2 nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong những năm qua, ngành giáo dục đã cố gắng triển khai các nghị quyết của Quốc hội song dư luận còn nhiều ý kiến khác nhau về một số kết quả triển khai. Có những vấn đề mà báo chí và đại biểu đã đặt ra từ kỳ họp trước đến kỳ họp này nhưng chưa được giải quyết, ví dụ những sai sót trong 3 bộ SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội còn chỉ ra những bất cập trong Thông tư 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về lựa chọn SGK dẫn đến việc bỏ qua quyền lựa chọn dân chủ của cơ sở giáo dục hay băn khoăn về vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc lựa chọn SGK để bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, không ảnh hưởng xấu đến chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK.
"Thậm chí còn có câu hỏi đặt ra là liệu có "những vụ Việt Á "trong lựa chọn SGK hay không? Những vấn đề này nên được thảo luận rộng rãi ở Quốc hội để thu nhận ý kiến từ nhiều chiều và để cử tri cả nước được biết" - bà Nguyễn Thị Kim Thúy thẳng thắn.
Người Việt gánh nợ công 35 triệu đồng/người
Chiều cùng ngày, trình bày Báo cáo kiểm toán, quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết dư nợ công đến 31-12-2020 là hơn 3,52 triệu tỉ đồng, tăng 6,02% so với năm 2019, bằng 55,94% so với GDP (dưới mức trần 65% GDP). Nợ công bình quân đầu người là 35,1 triệu đồng/người và có xu hướng tăng qua các năm. N.Thế
Nguồn NLDO