Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cùng em lớn lên an toàn
Chủ nhật: 08:59 ngày 11/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
“Lớn lên an toàn” là sáng kiến của nhóm bạn trẻ khóa học Mùa thu về phát triển - một khóa học do Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường thực hiện.


Giờ thuyết trình gọi tên các bộ phận trên cơ thể của các học sinh lớp 5 Trường liên cấp Lê Quý Đôn (Đồng Nai) - Ảnh: UYÊN TRINH

Cả đoàn rời Đồng Nai khi trời mưa lắc rắc, trong những cái vẫy tay tạm biệt của các em học sinh Trường liên cấp Lê Quý Đôn.

Vậy là hành trình mang kiến thức về giáo dục giới tính, phòng tránh xâm hại tình dục với học sinh huyện Tân Phú của dự án “Lớn lên an toàn” đã kết thúc.

“Lớn lên an toàn” là sáng kiến của nhóm bạn trẻ khóa học Mùa thu về phát triển - một khóa học do Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường thực hiện.

Thành lập tháng 6-2016 tại miền Bắc và chỉ mới nhân rộng để phát triển mô hình trong Nam, nhưng đến nay các bạn trẻ đã tập huấn và tuyên truyền về phòng chống xâm hại tình dục cho hơn 1.000 học sinh ở các trường học trên cả nước.

Lớp học ngập tràn những tiếng cười khi các em vẽ cơ thể mình trên giấy và gọi đúng tên các bộ phận. Những nụ cười e thẹn, những ánh mắt ngượng ngùng, cái cười ồ của cả lớp khi gọi tên bộ phận sinh dục.

Trung - một tình nguyện viên - nhẹ nhàng nói: “Nó cũng như các bộ phận khác trên cơ thể nhưng tại sao chúng ta lại ngại, không dám nhắc tới?”.

Đến phần xác định đâu là vùng an toàn, vùng nhạy cảm và vùng riêng tư, các học sinh lớp 6 tranh cãi gay gắt khi xác định miệng là vùng nhạy cảm hay vùng riêng tư.

Còn các bé tiểu học lại cười giòn, xòe tay bịt mắt khi các tình nguyện viên đứng lớp hướng dẫn “những vùng riêng tư” trên thân thể.

Yến dõng dạc nói: “Bản thân con, ba mẹ và bác sĩ điều trị khi có sự cho phép của con mới được đụng vào vùng riêng tư của con. Ngoài ra, ai có hành động: nhìn, nói, đụng chạm vào vùng riêng tư của con thì gọi là xâm hại”.

Không khí lớp học càng nóng hơn khi nhóm bạn học sinh lớp 6 lại tranh cãi quyết liệt về việc có cho bạn đụng vào vùng nhạy cảm và riêng tư hay không.

Trung “hạ nhiệt” không khí lớp học bằng cách tóm gọn: “Quan điểm mỗi bạn là khác nhau nên ai được đụng vào cơ thể các con là do chính bản thân con quyết định”.

“Cơ thể con thuộc về con là của chính con. Không ai có thể đụng vào vùng riêng tư khi không có sự cho phép của con. Ai đó làm đau, làm tổn thương mình thì họ là người có lỗi. Còn chúng ta chẳng có lỗi gì cả, các con có nhớ không nào?” - Tuyền nhấn mạnh.

Đề cập trực diện, mạnh dạn trao đổi thẳng thắn để các em có sự nhận thức, quan tâm vấn đề xâm hại tình dục một cách nghiêm túc, không đùa cợt mỗi khi nhắc đến là mục đích của “Lớn lên an toàn”.

“Vẽ đường cho hươu chạy đúng” - thông điệp xuyên suốt chương trình được các bạn ưu tiên chú trọng, để làm sao hướng dẫn trẻ biết cách bảo vệ mình.

Lớp học ấm áp hơn khi mọi người cùng nhau ngồi vòng tròn chia sẻ và giải quyết những tình huống giả định giúp trẻ nhận thức, quan sát cảm giác thật của bản thân, lựa chọn cách giải quyết phù hợp.

Là một trong những người đề xuất sáng kiến của dự án “Lớn lên an toàn” và hiện là quản lý chương trình tại miền Nam, Xuân Hường chia sẻ:

“Một số trẻ không phải không biết, nhất là các học sinh trung học, nên nhóm không truyền đạt điều gì ghê gớm, không lấy kiến thức đặt quá nặng mà chủ yếu tạo sự tin tưởng, cởi mở để trẻ dám nói, dám đề cập trực diện vấn đề mà lâu nay vẫn cho rằng nhạy cảm, khó nói.

Có người giúp các em hiểu xâm hại là gì, có người lắng nghe những băn khoăn về giới tính ở lứa tuổi dậy thì là nhóm đã thành công lắm rồi”.

Thầy Trương Văn Minh (phó hiệu trưởng Trường THCS Núi Tượng) thông tin thêm: “Trường hay trao đổi ở những buổi chào cờ về vấn đề xâm hại tình dục nhưng chuyên sâu cho từng lớp thì không có.

Là một trường ở xa, cũng thường xuyên có những lớp dạy kỹ năng sống cho học sinh, nhưng đây là lần đầu trường đem vấn đề lâu nay vẫn cho rằng nhạy cảm và khó nói vào trao đổi trực diện, thẳng thắn với học sinh”.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục