Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp:
Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế
Thứ bảy: 22:37 ngày 09/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 9.5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó dịch Covid-19.

Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự hội nghị có ông Phạm Văn Tân- Chủ tịch UBND tỉnh, ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ban, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu tham gia hội nghị tại Hội trường UBND tỉnh Tây Ninh.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trước những thách thức trên toàn cầu do đại dịch Covid-19, hội nghị lần này cần phải tập trung hơn nữa vào các giải pháp nhằm tái khởi động nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của các tổ chức quốc tế là khoảng 2,55%; đặc biệt phải giữ kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Thủ tướng đưa ra 6 đề nghị tới cộng đồng doanh nghiệp. Đó là doanh nghiệp nêu cao tinh thần yêu tổ quốc, làm gì cũng phải nghĩ đến tổ quốc, thượng tôn pháp luật, có tinh thần chia sẻ; cần đoàn kết, mất đoàn kết là tự làm yếu mình; không nản chí, nản chí là tự bỏ cuộc; năng động quyết đoán, thụ động lưỡng lự là mất cơ hội; sáng tạo, thiếu sáng tạo là tự thụt lùi; có niềm tin, tự mình chối bỏ mình nếu không có niềm tin.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội toàn cầu, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng sản xuất và lưu chuyển thương mại hàng hóa, đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh; tổng cung và tổng cầu trên thế giới giảm mạnh, thất nghiệp gia tăng, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nặng nề.

Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp do Bộ KH&ĐT thực hiện cho thấy: Khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Gần 58% số doanh nghiệp bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Doanh thu quý I.2020 của các doanh nghiệp bị giảm mạnh, còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống còn gần 70% so với cùng kỳ năm 2019.

Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước là nhóm có tỷ lệ thiếu hụt nguồn vốn cao nhất với gần 50% số doanh nghiệp. Theo ngành kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ doanh nghiệp bị thiếu hụt vốn cao nhất, với trên 51% số doanh nghiệp.

Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp liên quan đến lao động. Gần 30% doanh nghiệp áp dụng giải pháp cắt giảm lao động; trên 21% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương và gần 19% doanh nghiệp giảm lương lao động.

Thu hút đầu tư nước ngoài trong quý I.2020 cũng bị giảm cả về số lượng và tổng vốn đầu tư đăng ký. Tính đến hết ngày 20.3, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm cả FDI) đạt gần 8,55 tỷ USD, bằng 79,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 13,2% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký bổ sung giảm 20,4%; quy mô doanh nghiệp bị thu hẹp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh...

Song song với nhiệm vụ chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, ổn định và khôi phục sản xuất. Ngay từ khi dịch Covid-19 mới ảnh hưởng tới Việt Nam, Bộ KH&ĐT đã nắm bắt khó khăn, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Đại biểu tham gia hội nghị trực tuyến tại Hội trường Tỉnh ủy Tây Ninh.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhiều chính sách quan trọng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền kịp thời ban hành như các chính sách về giảm chi phí đầu vào; các chính sách về miễn, giảm phí, lệ phí; các chính sách về giảm giá hàng hóa, dịch vụ; hỗ trợ tín dụng và điều hành tỷ giá; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhóm chính sách tài khóa; hỗ trợ người dân, người lao động, hộ kinh doanh; về tăng cường xuất khẩu, phát triển thị trường...

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ khi kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cùng ý kiến với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng mong muốn Chính phủ tập trung tháo gỡ ngay những thủ tục phiền hà, ngăn cản sự phát triển.

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh "Nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày thì doanh nghiệp có thể không còn, do đó cần nhiều giải pháp một cách nhanh chóng, kịp thời để doanh nghiệp phục hồi và phát triển".

Tham gia hội nghị, các doanh nghiệp, bộ, ngành, hiệp hội ngành nghề, hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài đều đồng lòng cùng Chính phủ tìm ra giải pháp để vượt qua thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế. Đồng thời cam kết sẽ đồng hành cùng cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam và Chính phủ Việt Nam trong việc phục hồi và phát triển nền kinh tế Việt Nam. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hội nghị là cuộc thảo luận dân chủ với các doanh nghiệp, đã thành lập trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, tại hội nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp của các ban ngành, hiệp hội doanh nghiệp, Chính phủ, các cơ quan liên quan cần lắng nghe để Chính phủ có Nghị quyết tốt nhất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, kể cả hệ thống ngân hàng cùng nhau sẻ chia, cùng nhau hợp tác và quyết tâm cao để đóng góp cho sự phát triển đất nước, phát triển của bản thân doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành cần "xắn tay" vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế phát triển tăng tốc hơn nữa.

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục