Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đang đến gần. Sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước. Đây cũng là thời điểm lượng thực phẩm được tiêu thụ lớn nhất trong năm, nhất là các loại thực phẩm như: thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát và các loại dầu có hạn.
Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, hiện nay các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang bước vào giai đoạn “nước rút” để đẩy nhanh việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu của đơn vị mình. Bên cạnh đó, thời tiết thời gian này khu vực phía bắc thường ẩm ướt, phía nam lại nắng nóng gay gắt, là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm chất lượng thực phẩm, có thể dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm.
Nhằm bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh ATTP đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2017. Theo đó, tại tuyến trung ương, Ban chỉ đạo liên ngành thành lập sáu đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP, với sự tham gia của các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Công an, Khoa học và Công nghệ và các ban, ngành đoàn thể.
Các đoàn sẽ thanh tra, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm, gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Thọ, Tuyên Quang, An Giang, Đồng Tháp, Gia Lai, Kon Tum. Đồng thời, các tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường đều thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP tại địa phương mình trong dịp này.
Mục đích của các cuộc thanh tra, kiểm tra nhằm đánh giá công tác quản lý nhà nước về bảo đảm ATTP của các cấp, ngành từ tuyến tỉnh, huyện đến xã, phường; việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP của các cơ sở sản suất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Thông qua việc thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, hạn chế số vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, cũng như đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm trước người tiêu dùng, xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình, cần thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP, nhất là thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình chế biến, vận chuyển, bảo quản thực phẩm; nâng cao kiến thức cho người lao động trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn…
Các cơ quan chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách chọn, mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; nâng cao vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định về vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.
Đồng thời, thông báo kịp thời cho người dân các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm có hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân tẩy chay và không mua phải những thực phẩm kém chất lượng.
Với sự vào cuộc một cách quyết liệt và đồng bộ của các bộ, ngành, UBND các cấp; các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với người tiêu dùng, cũng như sự tham gia tích cực của người dân trong đấu tranh, phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP, tin rằng người dân sẽ được đón Tết Đinh Dậu và mùa lễ hội Xuân 2017 mà không còn nỗi lo về thực phẩm.
Nguồn Báo Nhân dân