Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cùng suy ngẫm: Khi lợi thế nhân công giá rẻ không còn
Thứ ba: 09:52 ngày 27/12/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Dệt may thường được coi là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước. Trong giai đoạn 2010 - 2015, ngành dệt may luôn đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 15%/năm. Năm 2015, dù mức tăng trưởng chỉ đạt hơn 10% nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may vẫn đạt 27,5 tỷ USD. Năm 2016, ngành đặt chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 10 đến 15%, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 31 tỷ USD.

Tuy nhiên, những biến động của thị trường cùng nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm, khiến kim ngạch xuất khẩu dệt may nước ta chỉ đạt khoảng 28,3 tỷ USD, tăng gần 1,5 tỷ USD, tương ứng mức tăng trưởng gần 5% so năm 2015; mức tăng trưởng thấp nhất từ năm 2008 tới nay. Không chỉ vậy, do sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường, các doanh nghiệp (DN) trong nước gặp rất nhiều khó khăn trong mở rộng, tìm kiếm khách hàng, thậm chí đối diện nguy cơ sụt giảm đơn hàng do mất dần lợi thế cạnh tranh.

Theo nhận định của các chuyên gia, nếu như trước đây, các đơn hàng may ồ ạt đổ về Việt Nam nhờ sự cạnh tranh về giá nhân công thì nay không còn nữa, vì tiền lương nhân công ở nước ta ngày càng cao. Điều tất yếu, các đơn hàng sẽ dịch chuyển về các nước có chi phí thấp hơn như Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma,...

Một trong những điểm mấu chốt mà ngành dệt may Việt Nam thời gian qua luôn đi tìm lời giải là làm sao thoát khỏi tình trạng may gia công, giá trị gia tăng thấp. Đồng thời, tránh phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài (hiện nay nước ta vẫn nhập hơn 80% nguồn nguyên phụ liệu) để làm chủ về giá, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Mặc dù Tập đoàn Dệt may Việt Nam và một số DN lớn đã đầu tư vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm - hoàn tất nhưng dường như chừng đó vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của hàng nghìn DN chuyên may xuất khẩu. Trong khi đó, các DN không đủ sức đành quay ra nhận may thuê với chi phí thấp, thu hồi vốn nhanh. Mặt khác, muốn ngành dệt may phát triển lên cấp độ cao hơn, với yếu tố cạnh tranh bằng kỹ năng nhân công, công nghệ của máy móc thiết bị, đa dạng về chủng loại sản phẩm cũng là bài toán khó có lời giải trong một sớm một chiều.

Do hạn chế nguồn vốn, hầu hết DN chọn cách đầu tư dần theo từng năm, điều này trái ngược hoàn toàn so với các doanh nghiệp FDI khi họ chiếm chưa tới 25% trong tổng số gần 7.000 DN dệt may cả nước nhưng lại chiếm 70% năng lực xuất khẩu toàn ngành. Điều đó cho thấy, sự lấn át của DN nước ngoài so với DN trong nước ngày càng tăng nếu như chúng ta không có những chính sách, hướng phát triển hợp lý.

Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 2016 là năm hết sức khó khăn đối với ngành dệt may nước ta, với mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2008 (năm mà dệt may Việt Nam không có tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu do khủng hoảng kinh tế thế giới) tới nay.

Từ nay đến năm 2018, dệt may Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, nhất là các DN vừa và nhỏ phải đóng cửa vì mất khả năng cạnh tranh và điều kiện sản xuất hết sức khó khăn. Nhiều khách hàng đã và đang chuyển bớt đơn hàng sang Cam-pu-chia, Mi-an-ma và Lào, những nước có ưu đãi về thuế xuất hàng đi châu Âu và Mỹ - hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam.

Chính vì vậy, các DN cần phải thay đổi phương thức sản xuất theo phương thức ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán thành phẩm), OBM (tự thiết kế, sản xuất sản phẩm gắn thương hiệu và tự phân phối) cũng như tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động, đầu tư công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm,...

Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, có các chính sách hỗ trợ về vốn, cơ sở hạ tầng; thu hút, sử dụng lao động, thu nhập, mức đóng bảo hiểm y tế… một cách hợp lý để DN yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất.

Nguồn Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục