Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cuộc bầu cử sớm nguy cơ khiến Pháp 'thủng ngân sách'
Thứ ba: 08:23 ngày 25/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nếu phe cực tả hoặc cực hữu thắng trong cuộc bầu cử sớm và thực hiện cam kết giảm thuế, tăng lương, nước Pháp có nguy cơ thâm hụt ngân sách nghiêm trọng.

Sau khi chứng kiến phe cực hữu trỗi dậy trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) hồi đầu tháng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố giải tán quốc hội và bầu cử sớm trong một "ván cược" để ngăn chặn kịch bản trao chìa khóa quyền lực cho lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen.

Cuộc bầu cử sẽ diễn ra hai vòng vào ngày 30/6 và 7/7. Hạn chót để ứng viên đăng ký tranh cử đã kết thúc hôm 16/6. Các đảng phái đang chạy đua vận động nhằm có kết quả tốt nhất, với hàng loạt cam kết dân túy được đưa ra để thu hút cử tri.

Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) và liên minh cánh tả New Popular Front, gồm 6 đảng xoay quanh đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất (FI), đều đưa ra những lời hứa hẹn như giảm thuế xăng, giảm tuổi nghỉ hưu cho công chức và tăng lương. Mục tiêu mà hai phe nhắm tới là đánh bại Tổng thống Macron cùng đảng Phục hưng theo đường lối trung dung của ông.

Những cam kết tranh cử này nếu được thực hiện có thể tàn phá ngân sách vốn đang eo hẹp của chính phủ Pháp, đẩy lãi suất tại Pháp tăng, ảnh hưởng đến quan hệ giữa Paris với Liên minh châu Âu (EU), theo giới quan sát.

"Cuộc bầu cử sớm có thể khiến chính phủ Pháp được điều hành bởi một đảng đang tìm cách lôi kéo cử tri bằng những cam kết phớt lờ kỷ luật tài chính", nhà kinh tế Brigitte Granville, Đại học Queen Mary, Anh, viết trên Project Syndicate.

Kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra. Kết quả khảo sát do đơn vị thăm dò IFOP thực hiện ngày 14-17/6 cho thấy RN nhận được 33% sự ủng hộ từ cử tri trong vòng một. Ở vị trí thứ hai và ba lần lượt là New Popular Front (28%) và liên minh cầm quyền của ông Macron (18%).

"Phe trung dung như đang tan biến", kinh tế gia người Pháp Nicolas Veron, nhà nghiên cứu tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế, Mỹ nói. RN và New Popular Front "cực đoan theo hướng khác nhau" và đều rất xa rời xu hướng mà phe trung dung của ông Macron theo đuổi.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Paris ngày 21/6. Ảnh: AFP

Cả phe cực tả và cực hữu Pháp đều hưởng lợi từ sự phẫn nộ của cử tri trước tình trạng vật giá leo thang, ngân sách hộ gia đình trở nên eo hẹp và những khó khăn khác trong bối cảnh kinh tế Pháp đang suy yếu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Pháp năm nay chỉ tăng trưởng 0,7%, tiếp tục giảm so với mức không mấy ấn tượng 0,9% năm ngoái.

Thông tin về sự trỗi dậy của RN đã khiến chỉ số chứng khoán Pháp CAC 40 trải qua một tuần tệ nhất trong hơn hai năm qua. Lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp tăng do lo ngại về những khó khăn tài chính tiềm ẩn của chính phủ.

Ông Macron cho hay những cam kết về kinh tế mà RN đưa ra "có thể khiến người dân vui hơn", nhưng ước tính sẽ khiến ngân sách Pháp mất 100 tỷ euro (107 tỷ USD) mỗi năm.

"Kế hoạch của phe cánh tả còn tốn kém hơn 4 lần", ông chủ Điện Elysee nói.

Chủ tịch RN Jordan Bardella cam kết nếu đảng cực hữu thắng cử và ông trở thành thủ tướng, chính phủ của ông sẽ giảm thuế suất với nhiên liệu, điện và khí đốt từ 20% về 5,5% vì cho rằng "hàng triệu người dân Pháp đang không thể chi trả cho sưởi ấm, buộc phải hạn chế đi lại".

Viện chính sách Institut Montaigne, trụ sở Paris, ước tính cam kết này sẽ khiến ngân sách Pháp mất nguồn thu 9-13,6 tỷ euro mỗi năm. Bộ Tài chính Pháp đưa ra con số lên tới 16,8 tỷ euro mỗi năm.

Bardella bác bỏ con số Tổng thống Macron đưa ra, nhưng không nêu cụ thể con số ước tính của đảng này hay sẽ lấy nguồn lực nào để bù đắp cho những thâm hụt ngân sách khi họ thực hiện cam kết tranh cử.

Về phía cánh tả, New Popular Front đưa ra danh sách 23 trang liệt kê các cam kết tranh cử, trong đó có giữ nguyên giá các mặt hàng thiết yếu, gồm nhiên liệu, năng lượng và thực phẩm, cũng như nâng lương cơ bản hàng tháng thêm 200 euro.

New Popular Front tuyên bố sẽ "xóa bỏ các đặc quyền của tỷ phú", tăng thuế với giới nhà giàu.

Liên minh cho hay không có ý định làm gia tăng gánh nặng nợ công của Pháp. Lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất khuất Jean-Luc Melenchon cho biết các cam kết của liên minh sẽ cần 200 tỷ euro chi tiêu công trong 5 năm, nhưng sẽ giúp thu về 230 tỷ euro nhờ kích thích được kinh tế Pháp.

Institut Montaigne cho rằng ngân sách công của Pháp sẽ thiệt hại 12,5-41,5 tỷ euro vì hai cam kết mà phe cực tả đưa ra. Tổ chức cảnh báo tăng lương còn ảnh hưởng đến nền kinh tế Pháp, vì khiến chi phí lao động tăng.

Cánh tả và cánh hữu đều tuyên bố sẽ đảo ngược cải cách hưu trí mà ông Macron đưa ra năm ngoái. Ông chủ Điện Elysee nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, bất chấp hàng loạt cuộc biểu tình phản đối, nhằm hỗ trợ hệ thống hưu trí. Thay đổi chính sách này sẽ khơi lại câu hỏi gây tranh cãi là Pháp có thể duy trì hệ thống hưu trí thế nào khi dân số già đi.

Chủ tịch RN Jordan Bardella trả lời báo giới tại một trang trại gần vùng Chuelles, miền trung Pháp ngày 14/6. Ảnh: AFP

Trước khi chính trường biến động, Pháp đã đối mặt áp lực phải hành động vì ngân sách chính phủ mất cân đối. EU chỉ trích Pháp vì nợ công lớn, cao hơn so với các nước láng giềng, ước tính tương đương hơn 110% GDP. Tỷ lệ nợ công so với GDP của khối đồng tiền chung châu Âu (eurozone) là dưới 90%, ở Đức chỉ là 63%.

EU nhấn mạnh các nước thành viên phải giữ thâm hụt ngân sách hàng năm dưới 3% GDP, nhưng mục tiêu này thường bị phớt lờ. Thâm hụt ngân sách của Pháp năm ngoái là 5,5% GDP.

Vị trí của Tổng thống Macron không bị ảnh hưởng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, nhưng nếu đảng Phục hưng thất bại, tiếng nói của ông trong chính sách kinh tế sẽ suy giảm đáng kể. Ông khi đó sẽ phải làm việc với thủ tướng của phe cực hữu hoặc cực tả, những người có quyền định đoạt các vấn đề đối nội của Pháp.

Kịch bản ác mộng với Pháp là lặp lại chuyện xảy ra ở Anh tháng 9/2022. Thủ tướng Anh khi đó là Liz Truss đề xuất giảm thuế hàng loạt nhưng không đưa ra hướng cắt giảm chi tiêu công tương ứng, khiến thị trường tài chính phản ứng tiêu cực. Ngân hàng trung ương Anh buộc phải can thiệp để ổn định tình hình, còn bà Truss từ chức khi chỉ mới đương nhiệm 7 tuần.

"Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ không muốn giải cứu Pháp, trừ khi và cho đến khi chính phủ nước này đưa ra kế hoạch đáng tin cậy để giảm thâm hụt ngân sách", theo Andrew Kenningham, kinh tế gia trưởng về châu Âu tại Capital Economics. "Nhưng nếu tình hình mất kiểm soát, họ vẫn buộc phải can thiệp".

Nguồn VNExpress

Tin cùng chuyên mục