Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cuộc chạy đua toàn cầu điều chế vaccine Covid-19
Thứ sáu: 09:42 ngày 27/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong ba tháng đại dịch Covid-19 chết người lây lan khắp thế giới, Trung Quốc cùng các nước châu Âu, châu Mỹ cố gắng chạy đua chế tạo vaccine đầu tiên.

Các nhà khoa học, các công ty có nhiều sự hợp tác thậm chí giữa đối thủ trực tiếp của nhau. Tuy nhiên trên hết vẫn là tinh thần dân tộc với mong muốn giành ưu tiên cho người dân nước mình và đạt được lợi thế trong nỗ lực giải quyết các hậu quả do dịch bệnh gây ra.

Câu hỏi ai sẽ có được những tiến bộ khoa học, bản quyền công nghệ và trên hết là doanh thu từ việc điều chế thành công vaccine, trở thành vấn đề an ninh quốc gia. Sự thật là bất kỳ loại vaccine nào hiệu quả với nCoV được điều chế ra cũng sẽ thiếu nguồn cung, do chính phủ sẽ ưu tiên người dân của họ đầu tiên.

Ở Trung Quốc, 1.000 nhà khoa học đang cùng nghiên cứu một loại vaccine với sự hợp tác của Học viện Quân y Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm tình nguyện viên cho thử nghiệm lâm sàng.

Những nỗ lực này giờ đây mang đậm tính tuyên truyền. Mới đây trên mạng xã hội xôn xao bức ảnh của tiến sĩ Chen Wei, một chuyên gia về virus của quân đội, tiêm thứ được cho là loại vaccine đầu tiên. Sau đó bức ảnh này bị phát hiện là giả.

Một nhà nghiên cứu vaccine đang làm việc tại phòng thí nghiệm của hãng dược Arcturus Therapeutics ở San Diego. Ảnh: Reuters

Tổng thống Donald Trump yêu cầu lãnh đạo của các công ty dược phải đảm bảo vaccine được sản xuất trên đất Mỹ và nước Mỹ sẽ nắm quyền kiểm soát nguồn cung. Các quan chức chính phủ Đức cho biết họ nghi ngờ Mỹ thậm chí còn lôi kéo CureVac, một công ty dược của nước này, tham gia nghiên cứu và sản xuất.

Công ty CureVac phủ nhận việc nhận được lời đề nghị trên, tuy nhiên các nhà đầu tư chính của họ khẳng định rằng việc tiếp cận của chính phủ Mỹ là có thật. Điều này khiến cho Ủy ban châu Âu ngay lập tức tài trợ thêm 85 triệu USD cho CureVac, sau nhiều lần hỗ trợ trước đó.

Một tập đoàn Trung Quốc cũng đề nghị mua 133,3 triệu USD cổ phần của một công ty vaccine khác tại Đức là BioNTech.

Cũng giống như việc phát triển máy bay tự hành và các loại vũ khí công nghệ cao, các nước đều không muốn thua kém trong việc tiếp cận những loại thuốc cần thiết cho thời điểm khủng hoảng.

"Các quốc gia trên toàn cầu đã nhận ra công nghệ sinh học cũng là một ngành công nghiệp chiến lược", ông Friedrich von Bohlen, giám đốc của công ty mẹ nắm giữ 82% cổ phần CureVac, nói.

Một vài chuyên gia cho rằng sự cạnh tranh này lành mạnh và có ích, miễn là bất cứ thành công nào đều được chia sẻ với toàn thế giới. Trong đại dịch cúm lợn năm 2009, một công ty dược ở Australia phát triển thành công vaccine đầu tiên trên thế giới, nhưng lại bị yêu cầu phải đáp ứng đủ nhu cầu của người dân Australia trước khi xuất sang Mỹ và các nước khác. Việc thiếu hụt này đã gây ra làn sóng phẫn nộ và những hệ lụy chính trị sau đó.

Lãnh đạo của các công ty dược phẩm cũng đang thảo luận chặt chẽ với các công ty khác và với chính phủ. Mục tiêu hiện tại vừa là sản xuất ra vaccine nhanh nhất có thể, vừa thỏa thuận để chính phủ các nước không thâu tóm lượng vaccine này khi nó ra đời. Việc này sẽ tác động mạnh tới mục tiêu chung là dập tắt đại dịch trên toàn cầu.

Mặc dù các loại thuốc kháng virus đang được thử nghiệm liên tục trên những bệnh nhân nặng, liều vaccine đầu tiên sẽ còn cần từ 12 đến 18 tháng nữa.

Việc cạnh tranh về điều chế thuốc giữa các quốc gia không mới. Vài tháng trước khi dịch bệnh bùng phát, FBI đã tiến hành điều tra nghi vấn ăn trộm nghiên cứu y sinh từ Mỹ bởi các nhà khoa học gốc Trung Quốc hoặc đã được nhập quốc tịch Mỹ. Tính cấp thiết của việc chế tạo ra vaccine sẽ chỉ làm vấn đề trở nên nóng hơn.

Các nhà nghiên cứu làm việc tại phòng thí nghiệm của trường đại học VirPath ở Lyon, Pháp hồi tháng 2. Ảnh: AFP

Trong một cuộc họp báo hôm 19/3, lãnh đạo 5 công ty dược lớn nhất nói sẽ chia sẻ tài nguyên để tăng cường năng lực sản xuất chung một khi xác định được vaccine hoặc thuốc kháng virus có hiệu quả. Họ cũng kêu gọi tăng số lượng thử nghiệm và cấp phép nhanh chóng để sớm mở rộng quy mô sản xuất.

Kể cả khi vaccine được cấp phép, vấn đề về cách thức và địa điểm sản xuất cũng vô cùng quan trọng. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào chính phủ các quốc gia. Nếu như họ có chủ đích tích trữ vaccine để dùng cho người dân của mình, việc chuyển vaccine tới những vùng thật sự bị ảnh hưởng sẽ trở nên khó khăn, theo Seth Berkley, giám đốc điều hành GAVI - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp vaccine tới các quốc gia đang phát triển.

Lường trước được điều này, chính quyền các nước châu Âu và các tổ chức phi lợi nhuận đã thực hiện các biện pháp để phòng tránh sự độc quyền của Mỹ hoặc Trung Quốc. Sau đại dịch Ebola giai đoạn 2014-2016, Na Uy, Anh và các quốc gia châu Âu cùng với Quỹ Bill & Melinda Gates đã đóng góp hàng triệu USD vào một liên minh đa quốc gia để tài trợ cho việc nghiên cứu vaccine.

Phát ngôn của liên minh này cũng nêu rõ: "Các loại vaccine phù hợp sẽ được cung ứng đầu tiên cho những vùng thật sự cần thiết để ngăn chặn hoặc hạn chế sự bùng phát dịch bệnh, bất kể chi phí như thế nào".

Trong vòng hai tháng qua, liên minh đã tài trợ cho 8 trong số các nghiên cứu triển vọng nhất để điều trị Covid-19.

Nguồn VNE

Tin liên quan