Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cuộc không chiến “độc nhất vô nhị” giữa Nga và Ukraine
Thứ sáu: 09:16 ngày 02/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hơn 9 tháng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, cuộc chiến giành quyền kiểm soát bầu trời Ukraine vẫn quyết liệt.

Các bên liên tục triển khai nhiều loại như máy bay chiến đấu cánh cố định, trực thăng vận tải, trực thăng tấn công và máy bay không người lái (UAV). Song song với đó, cả Nga lẫn Ukraine cũng gia tăng việc sử dụng dụng vũ khí phòng không với mức độ tinh vi hơn để ngăn chặn các cuộc không kích.

Máy bay quân sự Nga tham gia một cuộc diễn tập. Ảnh: GettyImages

UAV và máy bay có người lái

Đây không phải là cuộc xung đột đầu tiên có sự xuất hiện của UAV. Tuy nhiên, chưa bao giờ máy bay không người lái lại đóng vai trò to lớn và được sử dụng trên chiến trường với tần suất nhiều như vậy. Sự phổ biến của UAV được giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá là do sự biến đổi về phương thức tác chiến hiện đại và việc sử dụng rộng rãi các loại công nghệ hiện đại giúp rút ngắn quá trình phát hiện - tiêu diệt mục tiêu.

Tác động của UAV được thể hiện rõ ràng trong những ngày đầu tiên chiến sự nổ ra. Ukraine đã sử dụng UAV tấn công TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất để ngăn cản lực lượng Nga tiến lên. Theo thời gian, môi trường chiến đấu dần thay đổi. Sự xuất hiện của các hệ thống phòng không hiện đại đã làm giảm vai trò của các UAV tấn công cỡ lớn, trong khi khiến những UAV trinh sát cỡ nhỏ trở nên quan trọng hơn. Trong vòng 1 tháng qua, UAV đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến dịch không kích của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng và mạng lưới điện của Ukraine.

Tuy vậy, máy bay có người lái vẫn tiếp tục đóng một vai trò nhất định. Trong những ngày đầu của cuộc xung đột, cường kích và máy bay ném bom của Nga đã thực hiẹn các cuộc tấn công dữ dội vào mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng của Ukraine. Trong khi đó, máy bay chiến đấu của Ukraine đã giúp các lực lượng nước này ngăn chặn nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình của Nga trên khắp đất nước.

Các quân nhân Nga đang chuẩn bị phóng một chiếc máy bay không người lái.

Mạng lưới phòng không

Việc thiết lập mạng lưới phòng không tại Ukraine cũng cung cấp nhiều bài học mới. Từ lâu, các chuyên gia quân sự cho rằng, hệ thống phòng không hiện đại có thể khiến chiến dịch không kích trở nên cực kỳ tốn kém. Mặc dù vậy, chiến thuật Chế áp các hệ thống phòng không của đối phương (SEAD), bằng cách sử dụng tên lửa chính xác cao hoặc tên lửa tàng hình có thể làm suy yếu hệ thống phòng không của đối phương và biến một khu vực khó tiếp cận thành khu vực dễ tiếp cận.

Nhưng việc thực hiện chiến thuật này là điều rất khó khăn đối với quân đội của bất cứ quốc gia nào. Bởi lực lượng mặt đất thường vận hành rất nhiều hệ thống phòng thủ, từ các hệ thống pháo phòng không, đến tên lửa phòng không, trong đó có cả tên lửa đất đối không tầm xa. Những hệ thống này khiến máy bay chiến đấu rất khó tiếp cận mục tiêu, trừ khi bay ở tầm thấp nhất và đây có thể là lý do ngăn cản Nga tiến hành chiến dịch không kích quy mô lớn vào sâu trong lãnh thổ Ukraine.  Hiện, phương Tây vẫn tiếp tục cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không để giúp các lực lượng nước này duy trì sức chiến đấu.

Ưu thế trên không

Nga và Ukraine vẫn đang quyết liệt giành ưu thế trên không. Dù sở hữu lực lượng không quân hùng hậu, Nga chưa thể giành toàn quyền kiểm soát bầu trời Ukraine, còn Ukraine tìm cách khai thác triệt để lỗ hổng của Nga để tấn công.

Trận không chiến kéo dài gây tổn thất lớn cho các phi đội máy bay cánh cố định của cả Nga lẫn Ukraine. Nhưng các bên vẫn có khả năng thực hiện nhiệm vụ tấn công trên không và trên bộ. Trong khi Nga liên tiếp thực hiện các cuộc không kích bằng tên lửa tầm xa, Ukraine tiếp tục sử dụng máy bay cánh cố định để tấn công gần mặt trận và thực hiện vai trò phòng thủ khu vực.

Giới phân tích cho rằng, chưa có một cuộc chiến trên không nào kéo dài như vậy kể từ những năm 1980. Nhưng điều này có thể giúp 2 bên tìm kiếm những chiến thuật mới để áp đảo đối phương. Song, nếu phương Tây quyết định cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine thì điều này có thể khiến cán cân trên chiến trường thay đổi.

Vũ khí chính xác tầm xa

Để tránh mạng lưới phòng không và hoạt động tuần tra chiến đấu trên không, cả Nga và Ukraine đều sử dụng vũ khí chính xác tầm xa. Nga có lợi thế hơn về số lượng vũ khí này, nhưng Ukraine cũng đang nỗ lực lấp đầy kho dự trữ tên lửa tấn công tầm xa.

Theo các chuyên gia quân sự, ở thời điểm hiện tại Nga đang sử dụng nhiều tên lửa tầm xa để tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine. Còn ở giai đoạn đầu chúng được dùng để phá hủy các mục tiêu quân sự, trong đó có cả sân bay. Trái lại, Ukraine sử dụng đạn pháo tầm xa để tấn công các căn cứ không quân của Nga, phá hủy nhiều máy bay chiến đấu. Với việc sử dụng vũ khí chính xác tầm xa, các bên có thể gây thiệt hại lớn cho đối phương dù rằng cả hai đêu vận hành những mạng lưới phòng không tinh vi.

Các lực lượng không quân trên thế giới chắc chắn sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng những tình huống đang xảy ra trong cuộc xung đột Nga-Ukraine để rút ra bài học thực tiễn. Ban đầu, Nga được cho là sẽ dễ dàng áp đảo Ukraine trong cuộc chiến này, nhưng các vũ khí hiện đại của phương Tây cung cấp cho Kiev đã làm thay đổi tình hình./.

Nguồn VOV.VN (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục