Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cuộc sống ổn định nhờ vườn sơ ri
Thứ tư: 09:03 ngày 28/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - 15 năm nay, thu nhập chính của gia đình bà Huỳnh Thị Kim Có ở ấp Trường Thiện, xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành nhờ vào vườn sơ ri 100 gốc. Năm nay đã 66 tuổi, bà Có một mình chăm sóc vườn sơ ri kể từ khi chồng bà bị tai biến.

Vào mỗi đợt hái trái, bà Có phải làm việc từ sáng sớm. Lúc cao điểm, bà hái ngày hai buổi sáng chiều. Mỗi ngày, có khi bà hái hơn 100kg. Mỗi đợt thu hoạch kéo dài từ 1 tuần đến 10 ngày.

Khoảng hơn 1 tháng chăm sóc sẽ có một đợt trái mới thu hoạch, chủ yếu bán cho lái hoặc con gái bà mang đi tiêu thụ tại các chợ ở Dương Minh Châu, thành phố Tây Ninh, Châu Thành. Những năm qua, giá sơ ri tại vườn dao động trên dưới 10 ngàn đồng/kg, mỗi tháng thu nhập bình quân 5 triệu đồng. Đây là nguồn thu chính của hai vợ chồng bà.

Bà Huỳnh Thị Kim Có hái trái sơ ri tại vườn nhà.

Theo bà Có, việc trồng và thu hoạch sơ ri tại nhà cũng thuận tiện nhưng vẫn tốn nhiều công chăm sóc. Sau hai đợt trái là phải tỉa nhánh để cây phát triển, bón phân, tưới nước đủ vào mùa khô. Bà Có thường bón tro và phân 20-15 cho cây. Ngoài ra, bà còn thường theo dõi để kịp thời xử lý, tránh ong đốt hư trái. Có thời điểm giá sơ ri xuống thấp, chỉ 2 ngàn đồng/kg, nên nhiều người chuyển sang trồng loại cây khác.

Bà Có vẫn quyết giữ vườn, vì bà nghĩ trồng hàng bông hay những loại cây khác cũng bấp bênh. Lúc khó khăn, bà trồng xen vào các loại khác như bưởi, nhãn, chuối. Đến hiện tại, vườn nhà bà Có chỉ còn cây sơ ri và cho thu nhập ổn định.

Sơ ri tại vườn bà Có mới được hái.

Vườn sơ ri của bà Có dù trái không to bằng giống khác nhưng vẫn bảo đảm độ ngọt, giòn và chắc thịt nên được nhiều người ưa chuộng. Khi cây già cỗi hay bị ngã đổ do thời tiết, bà tự chiết cành và trồng lại cây con. Sơ ri trồng khoảng 1 năm thì có thể hái trái, cây càng lâu năm trái càng nhiều.

Ngoài chăm vườn, bà còn làm tổ trưởng tổ vay vốn của Hội Nông dân xã; chăm lo cho người chồng bị khuyết tật, đưa ông đi sinh hoạt câu lạc bộ. Mới đây, gia đình bà được CLB người khuyết tật xã giới thiệu vay vốn từ chương trình hỗ trợ sinh kế của Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh. Bà Huỳnh Thị Kim Có chia sẻ: “Tôi cần vốn để chăm sóc vườn cây, vay vốn không lãi suất cũng mừng vì có thêm nguồn để đầu tư chăm sóc vườn cho năng suất tốt hơn rồi”.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục