Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Từ ngày 13-15.9, tại tỉnh Bến Tre, Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng, khu vực miền Nam.
Mô hình nuôi cà cuống đang được nhân rộng tại xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng.
Trong chuỗi hoạt động có vòng chung kết thuyết trình cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 cấp vùng miền Nam diễn ra vào ngày 14.9. Có 12 dự án xuất sắc của các tỉnh Bến Tre, Bình Phước, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh được lựa chọn tham gia.
Các dự án đạt từ giải ba trở lên sẽ tiếp tục tham dự vòng chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2023. Lễ trao giải cuộc thi cấp vùng được tổ chức vào ngày 15.9. Tổng giá trị giải thưởng cho 12 dự án là 100 triệu đồng và nhiều phần thưởng có giá trị giúp nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh cho các dự án khởi nghiệp tiêu biểu khu vực miền Nam.
Năm 2023 là năm thứ 5 Trung ương hội LHPN Việt Nam tổ chức cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”. Cuộc thi được tổ chức nhằm tìm kiếm, lựa chọn, trao giải, hỗ trợ ươm tạo, nâng cao năng lực cho phụ nữ, nhóm hợp tác/tổ chức do phụ nữ làm chủ/tham gia quản lý có ý tưởng khởi nghiệp/khởi sự xuất sắc.
Qua đó, góp phần gìn giữ, phát triển và nâng cao giá trị tài nguyên bản địa trên cơ sở phát huy sức mạnh nội lực, tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ; khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hoá, nguồn gen, tri thức và công nghệ của địa phương, phục vụ đắc lực trong thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp; thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và quy hoạch phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ.
Đối tượng của cuộc thi gồm phụ nữ, các tổ hợp tác/hợp tác xã/doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ/tham gia quản lý có ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ, mô hình khởi sự kinh doanh/khởi nghiệp góp phần gìn giữ, phát triển và nâng cao giá trị tài nguyên bản địa.
Cuộc thi cũng ưu tiên đối tượng phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn; phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ sống tại địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn chuyển đổi đất nông nghiệp, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ hoàn lương tái hoà nhập cộng đồng; phụ nữ là vận động viên thể thao đã giải nghệ…
Cuộc thi được phát động từ trung tuần tháng 3.2023, sau 1 tháng tiếp nhận 2.024 dự án khởi nghiệp tham gia dự thi (tăng 30,67% so với cuộc thi năm trước đó). Hội LHPN 63 tỉnh, thành phố đã lựa chọn 323 dự án tiêu biểu gửi dự thi vòng sơ loại cấp Trung ương.
Qua sàng lọc, đánh giá, có 273 dự án đủ điều kiện tham dự vòng sơ loại cấp vùng, trong đó có 12 dự án của phụ nữ khuyết tật (chiếm 4,38%). Các lĩnh vực tham gia dự thi gồm nông lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, chế tạo sản phẩm, giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính, y tế chăm sóc sức khoẻ, công nghệ làm đẹp, kinh doanh tạo tác động xã hội…
Nằm trong chuỗi các sự kiện vòng chung kết cấp vùng, khu vực miền Nam, Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội chợ giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp - OCOP của phụ nữ khu vực miền Nam, diễn ra từ 13-15.9, với trên 30 gian hàng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm mang đậm giá trị bản địa của các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam, tạo cơ hội hợp tác, kết nối thị trường, thúc đẩy phát triển các dự án khởi nghiệp của phụ nữ. Trong đó có 12 gian hàng của 12 dự án khởi nghiệp tham dự chung kết cấp vùng miền Nam và 20 gian hàng giới thiệu hơn 100 sản phẩm OCOP và thủ công mỹ nghệ chế biến từ dừa của phụ nữ Bến Tre.
Tại Tây Ninh, Hội LHPN tỉnh tổ chức cuộc thi “Phụ nữ Tây Ninh sáng tạo khởi nghiệp” năm 2023 và nhận được 86 dự án tham gia. Hội đã tuyển chọn, sơ loại các dự án, xây dựng kế hoạch tập huấn hướng dẫn, hỗ trợ kinh doanh cho các thí sinh và chọn 5 dự án tham gia cấp Trung ương.
Qua sàng lọc, đánh giá, có 1 dự án được chọn tham gia chung kết cấp vùng miền Nam, đó là dự án “Xây dựng trang trại chăn nuôi cà cuống và chế biến sản phẩm từ con cà cuống như: nước mắm, muối và rượu cà cuống” của chị Hoàng Thị Hương ở xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng.
Ngô Tuyết