Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong khi các cơ quan chức năng không ngừng tuyên truyền, khuyến cáo, phố biến phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới, hướng dẫn người dân cách thức nhận diện, kỹ năng phòng ngừa lừa đảo sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình lừa đảo trên không gian mạng vẫn có xu hướng gia tăng, đặc biệt vào dịp cuối năm.
Thi ảo, mất tiền thật
Mới đây, trên fanpage “Cuộc thi xe đạp dành cho trẻ em 2024” đính chữ “được tài trợ”, một facebooker “T.N ...” cảnh báo: “Mọi người tham gia chú ý nhé, mắc lừa họ đấy, chỉ mất tiền không thôi. Khi chơi họ sẽ cho mình thực hiện nhiều quy trình, họ sẽ ra quy định nọ quy định kia trong khi đang thực hiện họ bắt lỗi lung tung để quỵt tiền... Mà chỉ những người trong hội nhóm nó câu cho những người chưa biết cùng tham gia, rồi bị mất tiền oan thôi. Mình được chứng kiến một nhóm đã ăn quỵt tiền rồi, mình gửi cho mọi người tham khảo kỹ rồi hãy tham gia nhé...”. Chỉ sau vài phút, comment này ngay sau đó bị xoá, chỉ còn lại những “câu dẫn” tham gia. Kết nối với tài khoản này, facebooker cho biết người thân đã bị lừa hơn 100 triệu đồng sau khi đăng ký vào chương trình. PV đã nhanh chóng chụp lại một số hình ảnh facebooker này còn gửi ảnh chụp lại màn hình những đoạn chat trên Telegaram do các đối tượng “giăng bẫy” dẫn dụ con mồi.
Các vụ việc này đã liên tục được báo chí đăng tin về những trường hợp bị lừa số tiền lớn. Đơn cử, giữa tháng 12.2024, Công an tỉnh Đắc Lắc đã tiếp nhận đơn tố giác của một phụ nữ bị lừa hơn 2 tỷ đồng sau khi đăng ký vào chương trình “Kids For Bike - Thử thách đạp xe cho trẻ em 2024” trên facebook.
Theo dõi fanpage “Cuộc thi xe đạp dành cho trẻ em 2024”, với dòng quảng cáo hấp dẫn: “... chương trình thử thách đạp xe dành cho trẻ em là sự kiện thể thao thiện nguyện với mục đích đem lại niềm vui ngày tết cho những trẻ em nghèo khó khăn đồng thời thông qua thử thách còn giúp các bé có thêm sức khỏe và hiểu hơn giá trị nhân văn trong cuộc sống...”. Thời điểm này, có 588 bình luận và 23 lượt chia sẻ, tuy nhiên, qua theo dõi, phần lớn đều là chiêu “câu dẫn” con mồi sập bẫy.
Trước đó, trên Facebook của Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam đã có cảnh báo về nạn lừa đảo trực tuyến chương trình “Thử thách đạp xe trực tuyến trẻ em” để thu hút sự chú ý và tạo dựng lòng tin từ công chúng.
Nở rộ các cuộc thi trực tuyến
Chỉ cần “dạo” một vòng Facebook, các fanpage thông báo về những cuộc thi thử thách trực tuyến lần lượt xuất hiện với dòng chữ “được tài trợ”, cùng nhiều hình ảnh, video clip về cuộc thi lôi cuốn, hấp dẫn. Điều đáng nói, đa số các cuộc thi thử thách trực tuyến này đều dành cho trẻ em.
Trong vai người đăng ký cuộc thi "Thử thách xe đạp trực tuyến trẻ em" và làm nhiệm vụ. Nhóm này có 5 thành viên, nhưng có 4 thành viên đều trong nhóm cùng lên kịch bản lừa 1 nạn nhân- PV. Với chiêu trò không mới, PV được cấp cùng cấp một mã, hướng dẫn điền thông tin vào hồ sơ, cài đặt App Telegram và kết nối với “chuyên viên tư vấn”. Sau khi được xét duyệt hồ sơ, để đủ điều kiện vòng xét duyệt chính thức tham gia giải, “chuyên viên tư vấn” hướng dẫn mua sản phẩm xe đạp thể thao, đồng thời cam kết sẽ hoàn lại 100% số tiền từ 3- 5 phút.
Sau mỗi đợt, giá trị sản phẩm càng tăng cao, muốn được hoàn trả tiền phải làm theo hướng dẫn của “chuyên viên”, bằng các chiêu trò “không mới” như: nộp phí, “hệ thống” báo lỗi sai cú pháp, khảo sát hệ thống và yêu cầu “ứng viên” thực hiện lại bằng cách “tiếp tục nộp phí” với số tiền hàng chục triệu đồng. Để được “tất toán” cùng với số tiền giao dịch “sai”, các ứng viên phải nộp thêm tiền, phí gấp đôi, hoặc nhiều lần số tiền ban đầu, cho đến khi không còn khả năng tài chính nữa, ứng viên tự thoát ra thì cũng là lúc phát hiện bản thân bị lừa. Nhóm Telegram này ngay sau đó cũng tự “giải tán” ngay sau đó, bắt đầu với các con mồi tiếp theo.
Điều đáng nói, ngoài hình ảnh, video clip sinh động, gắn mắc các thương hiệu tài trợ nổi tiếng trong nước, nội dung các trang này còn đưa ra thể lệ, mục đích, giải thưởng cực kỳ hấp dẫn, khiến người xem rất dễ nhầm lẫn giữa các trang thật và giả mạo. Cụ thể: hình thức trực tuyến dành cho các bạn nhỏ từ 4-17 tuổi; tham gia miễn phí; rèn luyện sức khỏe, gây quỹ từ thiện cùng nhiều phần quà hấp dẫn, tiền thưởng lên đến 50 triệu đồng...
Tuy nhiên, hầu hết các trang này đều có một số điểm tương đồng, nếu người xem cẩn thận sẽ dễ nhận ra chiêu lừa trong đó, như: yêu cầu inbox trực tiếp trên fanpage chương trình, xuất hiện hàng loạt bình luận xin tham gia, đăng ký miễn phí, thông tin fanpage không rõ ràng, IP nước ngoài, chạy quảng cáo (được tài trợ)...
Theo báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng 2024 do Ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, năm 2024 ước tính thiệt hại lớn do lừa đảo trực tuyến 18.900 tỷ đồng. Trong đó, hình thức lừa đảo mời gọi đầu tư, lộ lọt dữ liệu cá nhân ở mức báo động. |
Nhiều chiêu lừa mới
Không riêng các fanpage cuộc thi trực tuyến dành cho trẻ em, hiện trên facebook xuất hiện hàng loạt fanpage, reels quảng cáo giả mạo cơ quan công an, văn phòng luật “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa”. Về việc này, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cảnh báo người dân cần đặc biệt lưu ý và tìm hiểu những dấu hiệu để nhận biết và phòng tránh kịp thời. Theo đó, các đối tượng tạo lập các tài khoản ảo, không có thông tin rõ ràng về công ty, địa chỉ hoặc các thông tin liên hệ. Đối tượng lừa đảo chạy quảng cáo các bài đăng với nội dung “hỗ trợ lấy lại tiền”, “cam kết lấy lại được tiền bị lừa”, bên dưới là những bình luận cảm ơn đã lấy lại tiền bằng những tài khoản ảo khác.
Sau khi được người dùng liên hệ, các đối tượng nhiệt tình tư vấn, đồng thời liên tục hứa hẹn, cam kết lấy lại 100% số tiền đã mất. Tiếp đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền đã bị lừa và chuyển khoản thành công “tiền phí dịch vụ”. Tuy nhiên, ngay lập tức nhân viên thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về. Khi nạn nhân thắc mắc thì đối tượng chặn toàn bộ liên lạc.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân khi tiến hành đặt vé của các đại lý vé máy bay, vé tàu xe cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ để xác định chính xác các đại lý vé máy bay, hãng tàu xe là chính thống, hợp pháp, có địa chỉ rõ ràng và được đăng ký thực hiện theo quy định của Nhà nước. Sinh viên chỉ thực hiện thanh toán học phí qua các kênh chính thức của trường. Thường xuyên kiểm tra trang web của trường hoặc liên hệ trực tiếp với phòng tài chính để xác nhận thông tin và hướng dẫn cụ thể. Tuyệt đối không chuyển tiền, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hoặc mật khẩu trên các trang web không rõ nguồn gốc. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Các chuyên gia dự báo, năm 2025 sẽ tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), điện toán lượng tử. Các mã độc sẽ có khả năng tự nâng cấp, công nghệ Deepfake được cải tiến và các công cụ AI tạo sinh khác sẽ giúp kẻ xấu tạo nội dung giả mạo khó lường hơn. Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dùng cá nhân cần trang bị kiến thức, sử dụng các công cụ bảo mật tiên tiến và cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ thông tin trên không gian mạng. Các cơ quan chức năng và tổ chức an ninh mạng cần phối hợp để đối phó hiệu quả với các thách thức mới, bảo vệ một không gian mạng an toàn và đáng tin cậy hơn.
Ngày 23.12.2024, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Công điện số 139/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng. Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới, hướng dẫn Nhân dân cách thức nhận diện, kỹ năng phòng ngừa lừa đảo sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng; kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan hoàn thiện, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông, thương mại điện tử. |
Tâm Giang