Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cuối năm tảo mộ
Thứ tư: 07:20 ngày 18/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với quan niệm “sống có nhà, chết có mồ”, những ngày cuối năm, ngoài việc trang hoàng nhà cửa khang trang, tươm tất, con cháu còn tranh thủ thời gian đi tảo mộ.

Anh Cư lau lại phần mộ của mẹ tại Cực lạc Thái Bình

Với người Việt Nam, tục tảo mộ có từ xưa. Đời trước truyền cho đời sau, cứ đến những ngày cuối cùng của tháng Chạp, đặc biệt là hai ngày 24 và 25, dù làm ăn ở nơi xa, tất bật thế nào đi chăng nữa, mọi người đều dành một ngày để đi tảo mộ, viếng thăm mồ mả ông bà.

Với quan niệm “sống có nhà, chết có mồ”, những ngày cuối năm, ngoài việc trang hoàng nhà cửa khang trang, tươm tất, con cháu còn tranh thủ thời gian đi tảo mộ. Trước là để sửa sang, tu bổ lại nơi yên nghỉ của tổ tiên, ông bà, sau là thỉnh ông bà về cùng đoàn viên, ăn tết với con cháu trong 3 ngày xuân.

Sáng 24 tháng Chạp, tại Cực lạc Thái Bình, khu nghĩa địa của tôn giáo Cao Đài Toà thánh Tây Ninh, hàng trăm người từ nhiều nơi tụ về đây chật cứng các ngả đường.

Em Nguyễn Lê Thảo Trang, học sinh lớp 10 Trường THPT Quang Trung (huyện Gò Dầu) từ chiều hôm trước đã cùng mẹ về nhà ngoại ở xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu để sáng hôm sau đi tảo mộ với bà ngoại, các dì, cậu và anh chị em họ. “Mẹ dẫn em đi tảo mộ từ khi em còn nhỏ xíu. Mẹ nói đi để biết mồ mả ông bà, đi để nhớ nguồn cội. Sau này, đi đâu làm gì cũng phải nhớ về ông bà tổ tiên”- Thảo Trang nói.

Đi tảo mộ, nhiều gia đình không chỉ mang theo cuốc, chổi, khăn, mà còn lỉnh kỉnh những nhang đèn, bánh kẹo, trái cây và cả cọ, nước sơn... để chỉnh trang lại ngôi mộ của người thân.

Gia đình anh Phạm Hữu Phước ở thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) sửa sang lại phần mộ cho cha anh mất cách đây 5 năm. Mẹ anh Phước soạn bánh mứt, trái cây và lọ hoa vạn thọ bày ra trước mộ. Anh Phước định bắt tay dọn dẹp vệ sinh phần mộ, bà cản lại, giải thích cho các con hiểu về lễ nghi tảo mộ: “Trước tiên mình phải cúng bái thắp nhang, trình với đất đai thổ trạch, xin phép người nằm dưới mồ rồi mới dọn dẹp, sửa sang mộ phần”.

Sau khi bà thắp nhang khấn vái, anh Phước và người em trai bắt đầu soạn mớ xi măng trắng cùng dụng cụ làm hồ. “Mộ lâu ngày những đường ron bị đen hoặc nứt, rớt hết rồi, mình chạy lại cho nó sạch sẽ, che kẽ hở để ngôi mộ ấm cúng hơn”- anh Phước vừa ron lại những đường gạch vừa nói.

Phía dãy mộ nữ phái, anh Lê Văn Cư (ấp Ninh Phú, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu) cùng con trai lau chùi phần mộ của mẹ anh, và đặt lên trên mộ chậu hoa vạn thọ. “Nhà tôi sát bên Cực lạc Thái Bình nên rảnh là tôi lại chạy vào thăm mộ ba mẹ, ông bà. Cuối năm, mình vô dọn dẹp lần nữa. Năm nào nhà tôi cũng đi tảo mộ 24 tháng Chạp hết”- anh Cư nói.

Những ngày này là thời điểm người làm công việc chăm sóc mộ bia ở đây có thêm thu nhập. Chị Gái, năm nay 52 tuổi, có hơn 11 năm làm công việc nhang khói, chăm sóc các phần mộ ở đây. Nhà chị Gái ở xã Bàu Năng, địa bàn có nghĩa địa Cực lạc Thái Bình. Trước đây, chị và chồng mua nước đá bỏ mối cho các hàng quán. Một lần, anh bị tai biến nằm một chỗ, chị phải bỏ việc mua bán nước đá để chăm sóc anh, rồi vào khu nghĩa địa tìm việc làm.

“Tôi nhận chăm sóc, nhang khói cho khoảng 20 phần mộ. Rồi nhận trồng hoa ven bên đường cho 2 phần mộ nữa. Thỉnh thoảng người ta vô thăm mộ và gửi tiền cho mình. Ai muốn cho nhiêu cho, mình không ra giá. Cuối năm, việc dọn quét ít hơn, do ai cũng mang theo đồ vô làm. Ai cần ron lại các đường gạch trên phần mộ thì mới gọi, hoặc họ cần gì gọi mình đi mua giùm, rồi họ lì xì chút ít tiền ăn tết. Mỗi năm chỉ cầu có sức khoẻ làm việc, có chút đỉnh tiền lo cho ổng”- chị Gái nói.

Tại khu mộ gia đình của bà Tám Ty (ấp Sân Cu, phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành), nhiều năm qua, đến ngày 25 tháng Chạp, con cháu các nơi tụ họp thật sớm để tảo mộ ông bà. Bà Ty cho biết, đây là phần mộ của gia đình bên chồng bà.

Nơi đây chôn cất ông bà nội chồng, mẹ chồng và một số cô bác trong họ. Trước 25 tháng Chạp vài ngày, con trai bà và các anh em họ lo trước việc dọn cỏ, sơn sửa mộ; đến ngày 25 sẽ tập trung lại cúng kiếng.

“Ngày xưa, ba má tôi và các chú, bác còn mạnh khoẻ, trước ngày tảo mộ, mọi người hùn tiền rồi tôi hoặc các chị em dâu trong nhà đi chợ nấu nướng. Đến khoảng 5-6 sáng 25 là xong mọi thứ, mang ra mộ cúng, sau đó mọi người quây quần lại ăn. Tầm 7 giờ sáng, ai nấy đi về tảo mộ ông bà của mỗi gia đình. Tục lệ này duy trì trong gia đình tôi mấy chục năm rồi”- bà Tám Ty cho biết.

Cuối năm, công việc của mọi người tất bật hơn vì phải cố gắng hoàn thành trước khi năm mới sang. Dẫu vậy, về tảo mộ tổ tiên, ông bà luôn được người Việt giữ gìn. Bởi đó là đạo hiếu của người con với cội nguồn của mình.

Ngọc Diêu

Tin cùng chuyên mục