PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo
Thứ sáu: 20:06 ngày 03/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Dù đã hơn 60 tuổi, ông Nguyễn Chí Trung- Tổ trưởng Tổ hợp tác vẫn tích cực cùng anh em trong tổ duy trì sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Các công đoạn đều được làm tỉ mỉ, chỉn chu.

Thời gian qua, Tổ hợp tác sản xuất đồ gỗ của các cựu chiến binh (CCB) phường IV, thành phố Tây Ninh không chỉ trở thành điểm tựa giúp nhau giảm nghèo, vượt qua khó khăn mà còn là nơi để các CCB cùng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, gắn kết nghĩa tình đồng đội.

Bà Nguyễn Thị Rọi- Chủ tịch Hội CCB phường IV cho biết, trong Chi hội khu phố 4 có một số hội viên biết làm nghề mộc với tay nghề cao nhưng không có vốn, thiếu máy móc, chỉ có thể làm thủ công tự phát tại nhà; có trường hợp đi làm thuê cho các cơ sở sản xuất đồ gỗ trên địa bàn thị xã Hoà Thành và các huyện Dương Minh Châu, Tân Biên…

Trước tình hình trên, năm 2018, Hội CCB phường tham mưu, đề xuất với Đảng uỷ, UBND phường thành lập Tổ hợp tác sản xuất đồ gỗ thuộc Hội CCB phường gồm 6 thành viên; tham mưu và xin ý kiến Hội CCB tỉnh hỗ trợ vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để Tổ hợp tác đi vào hoạt động.

Dù đã hơn 60 tuổi, ông Nguyễn Chí Trung- Tổ trưởng Tổ hợp tác vẫn tích cực cùng anh em trong tổ duy trì sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Chí Trung cho biết: “Thời gian đầu chưa có mặt bằng sản xuất, tôi bàn với gia đình ông Phan Thanh Hùng- Tổ phó, nhất trí thu xếp sân vườn tạo mặt bằng khoảng 50m2 làm nơi sản xuất, thu mua gỗ và sinh hoạt định kỳ của tổ.

Tuy nhiên, khi Tổ hợp tác sản xuất đồ gỗ đi vào hoạt động, một số thành viên vẫn chưa nhiệt tình trong công tác phối hợp xây dựng kế hoạch hoạt động. Được sự hỗ trợ, động viên của Hội CCB phường, thành phố, các thành viên trong tổ dần thống nhất trong sản xuất với các tiêu chí đẹp về mẫu mã, đúng số lượng, chất lượng, động viên nhau cùng vươn lên phát triển kinh tế”.

Dù lúc đầu thu nhập chưa cao nhưng không ai nản chí. Sau 2 năm hoạt động, Tổ hợp tác tạo được lòng tin của khách hàng, từ đó thu nhập được nâng lên. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, Hội CCB Thành phố và Thường trực Hội CCB tỉnh giúp đỡ cho Tổ vay vốn mở rộng quy mô, mua sắm nhiều thiết bị hiện đại như máy cưa, máy bào, máy khoan… nâng cao năng suất, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Tổ hợp tác sản xuất đồ gỗ của Hội CCB phường IV giúp nhau phát triển kinh tế, thêm gắn bó tình đồng chí, đồng đội.

Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và uy tín trong kinh doanh, duy trì sản xuất có hiệu quả, đầu ra ổn định, đến nay trừ mọi chi phí, thu nhập bình quân đầu người trong tháng của mỗi thành viên từ 10-12 triệu đồng.

Nhiều mặt hàng cao cấp được khách hàng từ nơi khác đến đặt mua như cầu thang gỗ cho nhà cao tầng, cửa ra vào, những bộ ghế, bàn bằng gỗ quý… Đến nay, Tổ đã trả hết toàn bộ số vốn vay 80 triệu đồng và tích luỹ gần 200 triệu đồng để thăm hỏi nhau lúc ốm đau và duy trì sản xuất.

Hoạt động của Tổ không chỉ giúp các thành viên giảm nghèo, làm giàu chính đáng mà còn tạo việc làm cho nhiều con, em CCB và lao động nhàn rỗi trên địa bàn. Tổ còn tham gia đóng góp Quỹ hội, cùng với CCB phường thăm, tặng quà cho hội viên CCB khó khăn trong các dịp lễ, tết, mỗi năm từ 10-15 triệu đồng.

CCB Nguyễn Văn Lập (sinh năm 1963), ngụ tổ 12, khu phố 4 cho biết: “Trước khi đi bộ đội, tôi đã biết làm nghề mộc. Lúc xuất ngũ về địa phương vì không có vốn, công cụ sản xuất thô sơ với vài cây đục, cưa, tôi chỉ làm được một số sản phẩm đơn giản như bàn ăn, tủ chén, ghế ngồi cá nhân…

Do làm sản phẩm thủ công nên năng suất không cao, mỗi tháng chỉ kiếm được 1-2 triệu đồng. Tôi phải đi làm mướn cho 1 xưởng mộc tư nhân gần Trung tâm thương mại Long Hoa, thị xã Hoà Thành.

Từ khi tham gia Tổ hợp tác, việc làm của tôi dần ổn định, thu nhập bình quân mỗi tháng trên 10 triệu đồng, cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn. Tôi luôn phát huy bản chất “người lính Cụ Hồ”, vừa học, vừa làm, không sợ khổ, sợ khó thì mới có thể thành công”.

Tập trung đo và cắt gỗ.

Anh Phan Thanh Dũng (sinh năm 1993)- con của CCB Phan Thanh Hùng nói: “Từ khi Tổ hợp tác sản xuất đồ gỗ của CCB được thành lập đã tạo việc làm ổn định cho con em CCB. Chúng tôi vừa có thu nhập ổn định, vừa học hỏi được tính kỷ luật cao trong công việc, sức chịu đựng, sự nhạy bén và tuân thủ nghiêm ngặt nội quy bảo đảm an toàn trong lao động của Tổ”.

Theo Hội CCB phường IV, để Tổ hợp tác sản xuất đồ gỗ được duy trì và phát triển bền vững, thời gian tới sẽ thu hút thêm hội viên, củng cố và kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động giúp nhau phát triển sản xuất, tăng cường giao lưu, liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Ông Cao Xuân Vinh- Chủ tịch Hội CCB thành phố Tây Ninh đánh giá, Tổ hợp tác sản xuất đồ gỗ của Hội CCB phường IV không chỉ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, còn khơi dậy sự đoàn kết gắn bó tình đồng chí, đồng đội, nêu cao vai trò gương mẫu, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Sản phẩm do các thành viên Tổ hợp tác sản xuất đồ gỗ thực hiện.

Các hội viên trong Tổ được bình chọn là hội viên CCB sản xuất kinh doanh giỏi. Riêng CCB Nguyễn Chí Trung được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2016-2021.

Phương Thảo - Hà Quang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh