Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ông Hai Hùng là cựu chiến binh gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, nhiệt tình giúp đỡ bà con vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng địa phương giàu đẹp.
Trong cái nắng gay gắt của những ngày tháng 6, chúng tôi đi trên con đường về ấp Thanh Xuân, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên - con đường mà người dân ấp Thanh Xuân gọi đây là “đường của cậu Hai Hùng”- cái tên rất đỗi thân thuộc với người dân ấp này. Ông Hai Hùng là cựu chiến binh gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, nhiệt tình giúp đỡ bà con vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng địa phương giàu đẹp.
Ở độ tuổi 76, ông Hùng vẫn có thể tự điều khiển máy cày.
Nghỉ hưu mới khởi nghiệp
Ông Ðặng Văn Hùng (sinh năm 1945) sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ nhỏ, ông đã phải đi coi trâu, làm thuê cho đến năm 17 tuổi. Ngày 17.9.1964, ông tham gia cách mạng, công tác tại xưởng quân giới thuộc Bộ CHQS tỉnh (đóng căn cứ tại huyện Dương Minh Châu).
Hai năm sau, ông được kết nạp Ðảng vào ngày 23.9.1966. Ðến tháng 9.1972, ông được học tại Trường Sĩ quan Hậu cần Miền. Năm 1973, ông trở về làm việc tại Ban Quân nhu thuộc Phòng Hậu cầu của Bộ CHQS tỉnh.
Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông Hùng làm trợ lý quân nhu, đến năm 1985 trở thành Trưởng Ban Quân nhu. Cuối năm 1986, ông về làm Phó Giám đốc Xí nghiệp liên hiệp 22 tháng 12 (đơn vị làm kinh tế của Bộ CHQS tỉnh). Ðến năm 1993, ông nghỉ hưu.
76 tuổi, cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông Hùng vẫn thường xuyên đi rẫy ở huyện Tân Châu. Hôm nào thiếu công, ông lên máy cày tự điều khiển. Kể về những ngày đầu lập nghiệp sau khi nghỉ hưu, người cựu chiến binh chia sẻ; ông được Bộ CHQS tỉnh cho thuê 85 ha đất, 1 lò ép mía thủ công và một chiếc máy cày. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm của bạn bè, ông đầu tư trồng mía trên diện tích đất thuê.
“Sau 2 năm chịu khó lao động, năng suất đạt cao, tôi bắt đầu có vốn, cộng với sự tin tưởng cao của đối tác mua nhà. Họ cho tôi vay tiền để mua thêm thiết bị nên công việc làm ăn ngày càng thuận lợi”- ông Hùng nói.
Năm 2006, ông thành lập trang trại, với diện tích ban đầu 9 ha, đến nay đã có 65 ha (trồng mía 35 ha, cao su 30 ha); thuê thêm 70 ha đất trồng mía. Kinh tế gia đình ngày càng ổn định và phát triển, doanh thu hằng năm đạt từ 5-6 tỷ đồng. Số lao động bình quân 80 người, thu nhập người lao động tăng từ 6 triệu đồng lên 7 triệu đồng/người/tháng.
Từ thiện xuất phát từ trái tim
Khi kinh tế gia đình ổn định, thấy cuộc sống của người dân ở địa phương vẫn còn khó khăn, vất vả, ông Hùng bắt đầu làm từ thiện, giúp đỡ bà con, trong đó có đồng đội, gia đình thương binh, liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam.
Ông Hùng tâm sự: “Trong kháng chiến, đồng đội sát cánh bên nhau chống kẻ thù. Trong thời bình, đã là đồng chí, phải giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Những ngày tham gia cách mạng, tôi và đồng đội được người dân đùm bọc, yêu thương.
Nếu không có bà con, chúng tôi làm sao sống được đến bây giờ! Khi có điều kiện, mình phải báo đáp lại tình cảm ấy, được giúp đỡ mọi người là điều hạnh phúc. Ðây là công việc xuất phát từ trái tim”.
Nói là làm, ông trích lợi nhuận từ trồng mía ủng hộ 10 triệu đồng giúp đỡ cho một hội viên Cựu chiến binh nghèo. Trong sản xuất, ông Hùng tạo việc làm cho 70-80 lao động, trích lợi nhuận tăng lương, đóng bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế cho công nhân của ông.
Ông còn tặng quà vào các ngày lễ, tết cho người nghèo; tặng học bổng cho học sinh nghèo 15 triệu đồng/năm; hỗ trợ xây mới 5 căn nhà cho người nghèo địa phương trị giá 200 triệu đồng; xây mới 3 căn nhà cho hội viên Cựu chiến binh trị giá 150 triệu đồng; ủng hộ Quỹ Vì người nghèo 50 triệu đồng; Quỹ phòng, chống lụt bão 270 triệu đồng; hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam 50 triệu đồng; ủng hộ Quỹ khuyến học huyện Tân Biên 50 triệu đồng. Với tinh thần chung tay phòng, chống Covid-19, ông Hùng ủng hộ 10 triệu đồng và cùng với đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh tỉnh đi thăm, tặng quà cho các chốt phòng dịch ở huyện Bến Cầu.
Ông Nguyễn Văn Cường- Bí thư Chi bộ, trưởng ấp Thanh Xuân cho biết, trước đây, trong khu vực tổ 1 có một tuyến đường hư hỏng nghiêm trọng, đi lại khó khăn. Ông Hùng ủng hộ 1 tỷ đồng nâng cấp con đường dài 3km, kéo đường điện trung thế giúp 20 hộ dân hai bên đường có điện để sinh hoạt và sản xuất. Bà con nơi đây thường gọi tuyến đường này là “đường của cậu Hai Hùng”.
Ông Nguyễn Văn Quyết- Chủ tịch Hội CCB huyện Tân Biên ghi nhận: ông Hùng có cách sống bình dị, chân chất của người nông dân đã từng khoác áo lính. Mỗi năm, ông làm từ thiện từ 200-300 triệu đồng, khi địa phương cần ông luôn nhiệt tình giúp đỡ.
Từ những cống hiến thầm lặng ấy, ông được UBND tỉnh, huyện tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Hội cấp trên công nhận danh hiệu hội viên Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi (cấp xã năm 2016, cấp tỉnh 2018, cấp trung ương 2018 - 2019 và 2020).
Với lòng nhiệt huyết và phẩm chất người lính, ông Ðặng Văn Hùng ấp ủ nhiều dự định làm từ thiện, giúp đỡ đồng đội, bà con nghèo có điều kiện vươn lên. Mong muốn của ông là còn sức khoẻ để tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển của địa phương.
Phương Thảo - Hà Quang