Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đã biết người xây mộ cổ đá trắng
Thứ tư: 13:08 ngày 28/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vào tháng 6.2016, chúng tôi từng có bài viết về “Mộ cổ đá trắng”, được phát hiện trong vườn một nhà dân ở hẻm 17, khu phố 1, phường 1, thành phố Tây Ninh. Đây là ngôi mộ khá đặc biệt, có lẽ là duy nhất ở Tây Ninh, vì được xây dựng hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng.

Bia đầu mộ.

Mặt bằng khu mộ kích thước 3,6 x 5m, khá lớn so với các ngôi mộ cổ có ở Tây Ninh. Vậy mà tất cả các chi tiết bên trên gồm tường bao, trụ góc, bình phong, bia đầu mộ và ngay cả tường móng bao quanh cũng đều bằng cẩm thạch. Tường móng được ghép lại từ các khối đá dày tới 40 cm, đặt sâu vào hồ móng, chỉ nổi lên khoảng 10 cm so với nền đất tự nhiên. Tại nơi đặt các trụ cột lại là các khối móng riêng lớn hơn nữa. Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn cả vẫn là ở các khối xây trên mặt đất.

Gọi khối xây e rằng chưa chính xác. Vì thực ra có vết xây với hồ, vữa nào đâu! Xem kỹ từng cấu kiện đá đã được tháo dỡ ra mới biết đấy là các cấu trúc “ngàm” với các chi tiết mộng, lỗ đục để ráp vào nhau. Dù sao, đấy cũng chỉ là kết cấu ngôi mộ đá. Còn giá trị cao nhất của nó chính là nghệ thuật chạm khắc đá trên từng cấu kiện. Xin trở lại vấn đề này sau, còn trước hết, xin thông báo thêm một chi tiết mới tìm ra về người xây ngôi mộ.

Phù điêu lân.

Trên tấm bia đá trắng đầu mộ, được khắc chìm những dòng chữ Hán sắc sảo, đến nay còn thấy rõ từng nét có ba dòng “lạc khoản”. Nó có ý nghĩa như lời ghi chú về người lập và thời gian xây mộ. Dòng bên phải cho ta biết thời gian, đấy là câu, phiên âm ra là: “Bảo Đại lục niên thanh minh kiết nhật lập thạch”. Nghĩa là vào năm Bảo Đại thứ 6 (1932), ngày lành của tiết thanh minh thì xây mộ đá (lập thạch).

Điều này cũng có nghĩa là mộ đã có thể có từ trước năm 1932; đến năm 1932 thì xây lại bằng đá mà thôi! Phần “lạc khoản” bên trái có hai dòng. Dòng bên trong phiên âm là:- Nam Hồng lô Tự khanh Lê Tấn Thăng, đích tôn Lê Lộc. Dòng ngoài là:- Hôn cung nhân Trần Thị Dã nội tôn bát danh thị đồng bái. Nghĩa là các con cháu của người quá cố đã thành kính xây nên. Trong ba cái tên người, người chủ chốt đứng ra xây mộ hẳn phải là ông Lê Tấn Thăng, người đã ghi kèm theo tên là tước hiệu của mình. Tước hiệu ấy là “Hồng lô Tự khanh”- một phẩm trật được phong tặng bởi các vua triều Nguyễn.

Gần đây, khi đọc lại cuốn sách chép tay của cụ Đặng Văn Rỡ, nhan đề: “Sự tích xã Gia Lộc, đình Gia Lộc, linh thần đình Gia Lộc, những di tích ở Trảng Bàng” (1989), mới gặp lại cái tên Lê Tấn Thăng. Đoạn văn ấy có ở 2 trang, trang 16 kể chuyện Sắc thần và trang 35 viết về “ông Cả”. Đoạn văn này như sau:

“Gia đình họ Đặng, ông Đặng Văn Đây, Đặng Văn Khương và Đặng Văn Bá soạn ra- sự tích và ghi rõ công nghiệp để cho xã Gia Lộc trình thượng cấp xin sắc phong Bổn- Cảnh- Thành- Hoàng cho ông Cả. Đó là về phần đề nghị chánh thức. Còn trong Kiến họ có người cháu ngoại của ông Đặng Văn Dinh là ông Lê Tấn Thăng làm chức Hồng lô Tự khanh liên lạc với phía Triều đình Huế… Năm 1933, vua Bảo Đại sắc phong cho ông Cả Đặng Văn Trước: “Bổn Cảnh Thành hoàng”. Cuộc nghinh tiếp sắc thần rất long trọng và rất linh đình…”.

Chúng tôi xin giải thích thêm, rằng ông Đặng Văn Dinh chính là con trai của Lãnh binh Tòng, cháu nội của ông Cả. Lãnh binh từng nổi tiếng với nhiều chiến công đánh giặc, trong đó có thể xem là người đầu tiên cầm quân chống Pháp ở Trảng Bàng. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên bị giặc Pháp đưa đi đày tới đảo Inini thuộc quần đảo Guyane, sau khi bị bắt.

Đến đây, thì đã rõ một phần về các chủ nhân ngôi mộ. Thì ra, người xây mộ cho bậc tiền nhân của dòng họ mình chính là ông Lê Tấn Thăng, người đồng thời là cháu ngoại cụ Đặng Văn Dinh. Ông có chức (tước hiệu) Hồng lô Tự khanh dưới triều vua cuối cùng của họ Nguyễn là Bảo Đại. Tuy vậy, vẫn còn một đáp án chưa được giải. Đấy là người dưới mộ là ai? Tấm bia đã kể trong khu mộ bằng đá trắng vẫn ngời ngời hàng chữ Hán nằm dọc chính giữa bia như một lời thách đố. Dòng ấy phiên âm là “Đại Nam Hoàng triều hiền khảo gia tặng Võ Công Đô uý Cẩm y Hiệu uý Lê Công, tự Tôn Hiền Sơn chi mộ”.

Phù điêu chim phượng.

Vậy người này có chức quan Hiệu uý, tên họ là Lê Công, tự Tôn Hiền Sơn. Sau khi mất được “gia tặng” thêm chức “Võ Công Đô uý cẩm y”. Hai chữ Đại Nam là quốc hiệu nước ta từ triều vua Minh Mạng (1820) trở về sau. Thế nhưng, ông quan này đến Tây Ninh giữ vai trò gì, vì sao mất và được chôn cất trên địa bàn phường 1, thành phố Tây Ninh vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Xin trở lại với những tàn tích trên ngôi mộ. Vì mộ đã được gia đình con cháu từ Huế vào bốc cốt đem đi khoảng năm 2014. Tuy nhiên những gì còn lại cũng thật đáng quan tâm do nghệ thuật điêu khắc đá rất đặc sắc trên từng cấu kiện hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Đấy là tấm bia đầu mộ từ nguyên khối đá, cao 1,2m và rộng 0,8m, chứa đựng thông tin cả người dưới mộ và người  xây mộ.

Đường viền bao quanh bia được chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ những hoa lá vân mây. Bia này nằm giữa hai trụ đá cùng chiều cao và điêu khắc hoa văn với hình tượng rồng bay. Đặc biệt là còn nhiều bức phù điêu trên các mảng tường bao quanh chu vi mộ, cùng những trụ góc tạo hình búp sen hoặc trái cây miền Nam bộ. Những phù điêu này cũng là những khối đá cẩm thạch trắng tươi, trên ấy là hình tượng bộ “Tứ linh” huyền thoại: rồng uốn lượn trên mây; kỳ lân dũng mãnh đè sóng và lướt gió; rùa kiên nhẫn bơi giữa sóng nước điệp trùng; chim phượng giang cánh, vẫy đuôi lộng lẫy giữa trời mây.

Đặc biệt là kỳ lân rất giống với linh vật con Nghê của người Việt đã có suốt chiều dài ngàn năm lịch sử. Những tác phẩm vừa có giá trị lịch sử, vừa rất đẹp về nghệ thuật này mà không hề được cơ quan chức năng nào bảo tồn. Quả phí phạm lắm thay!

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục