Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mô hình trồng xen cây đinh lăng với cây mãng cầu của anh Đào Quốc Trọng (ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) là điển hình trong việc tận dụng diện tích đất hạn hẹp để mang lại hiệu quả kinh tế.
Mô hình trồng xen cây đinh lăng trong vườn mãng cầu của mình.
Từ lâu, khái niệm xen canh trong nông nghiệp không còn xa lạ với người nông dân, tuy nhiên, việc tìm hiểu đặc tính từng loại cây trồng thích hợp để kết hợp với nhau, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế là điều không phải dễ.
Mô hình trồng xen cây đinh lăng với cây mãng cầu của anh Đào Quốc Trọng (ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) là điển hình trong việc tận dụng diện tích đất hạn hẹp để mang lại hiệu quả kinh tế.
Thấy những khoảng đất trống giữa những hàng cây mãng cầu bỏ không khiến cỏ dại mọc đầy, anh Trọng suy nghĩ phải làm thế nào để vừa tận dụng hết khoảng đất trống trong vườn, đỡ tốn công làm cỏ mà lại có thêm thu nhập. Cuối năm 2016, anh quyết định chọn cây đinh lăng trồng xen mãng cầu. Đến nay, vườn đinh lăng của anh phát triển khá tốt.
Anh Trọng cho biết, được sự tư vấn của Công ty TNHH nông nghiệp Thiên Đường, tháng 11.2016, anh mạnh dạn mang về 15.000 gốc cây đinh lăng trồng xen với 500 cây mãng cầu trong vườn. Đến cuối năm 2017, sau đợt cắt tỉa cành, lá đầu tiên, anh thu về hơn 12 triệu đồng.
Dự kiến sang đợt sau, thu nhập có thể tăng gấp 2, 3 lần. Việc tận dụng đất trống giữa các hàng cây mãng cầu để trồng xen đinh lăng nhằm tận dụng nước tưới và phân bón dư thừa sau khi chăm sóc cây mãng cầu. Việc trồng cây đinh lăng còn hạn chế cỏ dại trong vườn.
Thay vì mỗi tháng phải làm cỏ một lần, sau khi trồng cây đinh lăng, chu kỳ làm cỏ kéo dài khoảng hai tháng/lần.
Anh Trần Hoài Việt- Giám đốc Công ty Thiên Đường cho biết, ngoài việc cam kết bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, từ đầu năm 2018, công ty áp dụng chính sách “trả lương” cho người trồng trên 1.000 gốc đinh lăng với mức 1 triệu đồng/tháng, nhằm khuyến khích người dân trồng cây đinh lăng bán cho công ty.
Thanh Bình