Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 22.5, đoàn công tác của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh về công tác PBGDPL, hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tiếp và làm việc với đoàn có ông Đoàn Trung Kiên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp, thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp.
Theo báo cáo, năm 2024 và quý I.2025, các cấp, ngành tiếp tục tổ chức tuyên truyền nội dung văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; phổ biến, giới thiệu các luật, nghị quyết được Quốc hội khoá XV thông qua được hơn 10.300 cuộc với trên 465.00 lượt cán bộ, công chức, chiến sĩ, giáo viên, học sinh, người lao động trong doanh nghiệp và Nhân dân tham dự; phát hành hơn 47.500 tài liệu tuyên truyền pháp luật.
Các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền, PBGDPL đến cán bộ và Nhân dân bằng nhiều hình thức, như lồng ghép tuyên truyền pháp luật thông qua tiếp công dân, trong quá trình xét xử, hoà giải các vụ án; thi tìm hiểu pháp luật; băng rôn, biểu ngữ, áp phích, xe loa cổ động, mạng xã hội...
Bên cạnh đó, các cấp, ngành còn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trên trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Tây Ninh, cổng thông tin điện tử của các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện hơn 10.400 văn bản, bài viết, thông tin pháp luật, thông tin phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông…
Địa phương triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong tuyên truyền, PBGDPL như sáng kiến “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL”, Câu lạc bộ “Nông dân phòng, chống tội phạm”; mô hình “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông dân và phụ nữ dân tộc thiểu số”, “Công dân với pháp luật và Cán bộ thông tin pháp luật”, “Thanh niên với pháp luật”, “Nông dân với pháp luật”, “Tăng cường tuyên truyền, PBGDPL thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở”…
Hiện toàn tỉnh có 539 tổ hoà giải với 3.683 hoà giải viên. Địa phương đẩy mạnh thu hút đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, công an, bộ đội biên phòng, lực lượng bảo vệ ở cơ sở, những người có kiến thức pháp luật... tham gia hỗ trợ hoạt động hoà giải ở cơ sở. Năm 2024, các tổ hoà giải ở cơ sở đã hoà giải thành 497/532 vụ mâu thuẫn, tranh chấp, đạt 93,42% (năm 2023, hoà giải thành 526/567 vụ, đạt 92,77%).
Thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” trên địa bàn tỉnh, địa phương đã chọn 5 xã thực hiện điểm. Trong đó, 2 xã chọn theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp gồm xã Long Giang (huyện Bến Cầu) và xã Tân Hoà (huyện Tân Châu); 3 xã chọn theo chỉ đạo của UBND tỉnh gồm xã Hoà Hiệp (huyện Tân Biên), xã Long Thuận (huyện Bến Cầu), xã Chà Là (huyện Dương Minh Châu).
Năm 2024, toàn tỉnh có 92/94 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt 97,9%. UBND tỉnh đã chỉ đạo chỉ đạo Sở Tư pháp ban hành công văn hướng dẫn thực hiện nội dung chỉ tiêu, tiêu chí “trợ giúp pháp lý” trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh và công văn triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2024 và quý I.2025, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tiếp nhận thụ lý và phân công trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng 527 vụ việc; phối hợp với các địa phương thực hiện 35 đợt truyền thông trợ giúp pháp lý, cấp phát 8.400 tài liệu, tờ gấp pháp luật cho hơn 1.800 lượt người tham dự; tổ chức tư vấn pháp luật tại trụ sở đối với những vụ việc mang tính chất đơn giản cho 132 lượt người dân.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận một số nội dung về công tác truyền thông, PBGDPL cho người dân ở khu vực biên giới; công tác trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng; việc mở rộng đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý; mô hình Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh sau khi sáp nhập; công tác phối hợp của các cơ quan, ban, ngành trong PBGDPL; chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, nhất là triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”; nâng cao năng lực đội ngũ hoà giải viên; sự cần thiết của việc đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị thời gian tới, các cấp, ngành tiếp tục đa dạng hoá công tác PBGDPL, đẩy mạnh truyền thông chính sách pháp luật; phát huy vai trò, trách nhiệm của thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp; quan tâm việc triển khai thực hiện các đề án liên quan; cụ thế hoá các quy định của cấp trên liên quan đến các mặt công tác này; cần khắc phục khó khăn, hạn chế và có giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng PBGDPL, hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; quan tâm tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hoà giải viên…
Thiên Di