Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Các hoạt động của Ankara tại đây đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ xung đột quân sự mới.
Chiến dịch quân sự xuyên biên giới "Nhành Olive" của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria đã làm dấy lên nguy cơ về xung đột trực diện giữa hai đồng minh trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, hóa giải điều này sẽ không chỉ phụ thuộc vào quy mô chính xác của chiến dịch mà còn dựa trên mối quan hệ nóng - lạnh thất thường giữa Washington và Ankara.
Tiềm tàng xung đột trực diện
Mục đích ban đầu của Thổ Nhĩ Kỳ là chiếm cửa ngõ Afrin, vốn đang nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng dân quân người Kurd (YPG), một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức bị coi là khủng bố trong mắt của cả Ankara và Washington.
Tuy nhiên mới đây, Tổng thống Tayyip Erdogan đã quyết định sẽ mở rộng chiến dịch tấn công ra Manbij, thậm chí là hướng về phía Đông tới Rojava, hai khu vực nằm trong lãnh thổ YPG.
Lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria. (Nguồn: Getty Images)
Khác với một Afrin chịu ảnh hưởng của Nga, Manbij và Rojava là nơi được Mỹ sử dụng để huấn luyện và trang bị cho YPG trong cuộc chiến chống lại IS. Hơn 2.000 quân nhân Mỹ và lực lượng đặc nhiệm đang đóng tại đây.
Trong một cuộc điện đàm đầy khó khăn với ông Erdogan, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa quân đội hai nước trên lãnh thổ Syria.
Đáng lo ngại, viễn cảnh có phần cực đoan này hoàn toàn có thể xảy ra. Điều mấu chốt giờ là liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thật sự muốn thách thức sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria không hay những bước đi của Ankara chỉ là một cách để gián tiếp ngăn người Mỹ duy trì mối quan hệ với người Kurd tại Syria. Washington dường như vẫn đang bối rối trước ý định thực sự của ông Erdogan với Damascus.
Lịch sử đã chứng minh rằng khi niềm tin bị xói mòn, các bên có thể tính toán sai lầm. Đáng lo ngại hơn, sợi dây liên kết giữa chính quyền Mỹ - Thổ trước đây đã đứt và nối đuôi nó có thể là liên lạc về quân sự. Hơn nữa, sự suy yếu của các cơ quan phụ trách đối ngoại truyền thống ở hai bên càng khiến tình hình trở nên khó kiểm soát hơn.
Một xung đột trực tiếp giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẽ có hậu quả lâu dài đến an ninh xuyên Đại Tây Dương. Với lợi ích có thể đạt được từ một xung đột như vậy, không loại trừ khả năng Moscow, Tehran và cả Damascus sẽ có động thái khiêu khích nhằm khơi mào chạm trán Ankara – Washington tại Syria.
Hơn nữa, nếu điều này thành sự thực, tương lai về các cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ tại NATO sẽ trở nên mơ hồ hơn, nhất là khi người Thổ không có cái nhìn thiện cảm về khối này. Một cuộc thăm dò dư luận tháng 11/2017 cho thấy 67% người dân tin rằng an ninh quốc gia vẫn được đảm bảo ngay cả khi rời NATO.
Thực tế này còn trở nên rõ ràng hơn trong đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP) – 65% công chúng Thổ Nhĩ Kỳ và 73% đảng viên AKP coi Mỹ là một quốc gia thù địch.
Một điều nhịn, chín điều lành?
Đâu là lối ra cho mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ? (Nguồn: AP)
Vậy Washington nên làm gì trước chiến dịch vượt biên giới rầm rộ của Ankara? Thay vì thử thách sự quyết tâm của người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump nên cân nhắc xác định những lĩnh vực có lợi ích chung với ông Tayyip Erdogan.
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có thể cùng nhau dẫn dắt và xây dựng một hành lang cứu trợ nhân đạo cho dân chúng trong khu vực Afrin, đưa họ ra khỏi vùng chiến sự.
Bầu không khí hợp tác, xây dựng sẽ góp phần cải thiện lòng tin đã bị xói mòn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này vô cùng cần thiết, đặc biệt khi hai bên tiến hành đàm phán về tương lai của Syria nói riêng, cũng như xây dựng một trật tự an ninh mới tại Trung Đông nói chung thời gian tới.
Nguồn baoquocte