Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Huyện Gò Dầu:
Đã kiểm soát được dịch viêm da nổi cục trên bò
Thứ sáu: 19:37 ngày 22/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau nhiều nỗ lực, đến nay, trên địa bàn huyện Gò Dầu đã khống chế và đẩy lùi được dịch bệnh viêm da nổi cục trên bò. Công tác phối hợp, chỉ đạo và thực hiện phòng bệnh- chữa bệnh của huyện Gò Dầu có thể rút ra một số kinh nghiệm cho các địa phương khác.

Bò của chị Nhi đã giảm bệnh.

Trước đó, ngày 8.8, tại xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu, xuất hiện một số cá thể bò có nghi vấn mắc bệnh viêm da nổi cục. Ngay sau đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi của tỉnh lấy mẫu gửi xét nghiệm. Kết quả, các mẫu bệnh phẩm cho thấy có virus gây bệnh viêm da nổi cục trên da của bò.

Hơn 10 ngày sau, dịch bệnh bắt đầu xuất hiện liên tiếp trên 5 hộ ở 2 ấp Phước An và Phước Hội. Sau đó thì bệnh lan rất nhanh ra 9 xã, thị trấn trong huyện. Ngày 20.8.2021, huyện Gò Dầu đã công bố dịch bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn huyện.

Bà Trương Thị Phú- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu cho biết: “Trước tình hình đó, huyện yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện đúng theo chỉ đao về phòng chống dịch bệnh của huyện và tỉnh.

Đồng thời tuyên truyền cho người dân thực hiện 5 không: Không giấu dịch, không vận chuyển mua bán trâu bò chết, trâu bò bệnh, không giết mổ tiêu thụ trâu bò bệnh, không vứt xác trâu bò bệnh ra môi trường. Đặc biệt không chăn thả trâu bò bệnh chung với đàn gia súc trên cùng một cách đồng”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Gò Dầu có trang trại của ông Phạm Đăng Minh ở khu phố 1, thị trấn Gò Dầu hơn 300 con bò thịt. Đây là trang trại gia súc lớn nhất và đạt chuẩn VietGap đầu tiên của huyện. Ngay khi có dịch xuất hiện ở một số điểm trên địa bàn tỉnh, ngành thú y đã liên lạc với ông Minh để thông báo tình hình dịch bệnh và hướng dẫn chủ trang trại tìm nguồn vaccine tiêm phòng cho đàn gia súc.

Ông Minh chia sẻ: “Ngay khi được anh em bên ngành thú y địa phương hướng dẫn, tôi liền tìm mua thuốc về tiêm ngừa cho đàn gia súc. Nhờ tiêm ngừa trước một bước, nên đàn bò của tôi không bị mắc bệnh”.

Nhờ kịp thời cứu chữa nên đàn bò của gia đình anh Hằng tôi không bị tổn thất

Đối với các hộ chăn nuôi trâu, bò nhỏ lẻ, nhân viên thú y phụ trách địa bàn cũng nhanh chóng thống kê số lượng gia súc, tuyên truyền và tư vấn người chăn nuôi đề phòng dịch bệnh.

Gia đình chị Đặng Phương Nhi, ngụ khu phố Thanh Bình A, thị trấn Gò Dầu có 2 con bò sinh sản, cả hai con bò này đều bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục khá nặng. Ngay khi phát hiện tình hình, chị Nhi liên lạc với cán bộ thú y nhờ đến nhà hướng dẫn cách vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng và điều trị.

Đàn bò của gia đình anh Nguyễn Thanh Hằng, khu phố Thanh Hà, thị trấn Gò Dầu bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục. Anh Hằng thông báo với cán bộ thú y phụ trách địa bàn. Cán bộ thú ý liền đến tận nhà xem xét và điều trị, hướng dẫn gia đình vệ sinh chuồng trại, tách bò bị nhiễm bệnh ra nuôi nhốt riêng để tránh lây bệnh.

Anh Đặng Thanh Vui- nhân viên Thú y ở thị trấn Gò Dầu cho biết, trong thời gian qua, anh đã chữa trị cho 8 con bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục. Thời gian điều trị trung bình từ từ 20- 30 ngày/con, cá biệt, có con bị bệnh nặng, phải điều trị suốt 2 tháng mới khỏi.

Cán bộ thú y hướng dẫn tiêm ngừa ở trang trại bò của ông Minh

Theo anh Vui, hiện nay, căn bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò chưa có thuốc đặc trị. Khi phát hiện gia súc có hiện tượng nhiễm bệnh, người chăn nuôi trâu, bò cần nhanh chóng thông báo với cán bộ thú ý để được hướng dẫn cách vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng và tiêm kháng sinh. “Phát hiện sớm, phối hợp chặt chẽ giữa người dân và ngành thú y mới mang lại hiệu quả tốt trong phòng bệnh và điều trị bệnh”, anh Vui đúc kết kinh nghiệm.

Ông Nhuyễn Văn Dũng- Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Gò Dầu khuyến cáo người dân nuôi gia súc không chăn thả trâu, bò nhiễm bệnh viêm da nổi cục chung cánh đồng với đàn gia súc khỏe mạnh, hạn chế người và động vật ra vào chuồng trại. Ngoài ra, bà con cần tăng cường tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại và không chỉ tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục, mà cần phải tiêm phòng các bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng để bảo đảm an toàn dịch bệnh, đạt hiệu quả kinh tế.

Nhờ tiêm ngừa trước một bước, nên đàn bò của ông Minh không bị mắc bệnh viêm da nổi cục

Bà Nguyễn Thị Liên- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Dầu cung cấp thông tin, đến đầu tháng 10, tổng đàn trâu, bò của huyện Gò Dầu có hơn 9.500 con, trong đó có 1.448 con nhiễm bệnh, điều trị khỏi 1.193 con , chết 230 con.

Ông Minh kể về quá trình phòng bệnh viêm da nổi cục đối với đàn bò của mình

Lực lượng thú y phối hợp với các xã, thị trấn tiêm phòng được 6.580 liều vaccine, trong đó tỉnh cấp 5.500 liều, còn lại là nguồn vaccine từ xã hội hóa. “Sau gần 2 tháng kể từ ngày công bố dịch, huyện Gò Dầu đã khống chế và đẩy lùi được dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Hiện nay trên địa bàn huyện không có ca nhiễm mới”, bà Liên khẳng định.

Hồng Minh- Đại Dương

Tin cùng chuyên mục