Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đà Nẵng có thể là địa phương đầu tiên được lập khu thương mại tự do
Thứ bảy: 00:02 ngày 01/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sáng 31/5, Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù mới cho TP Đà Nẵng, trong đó có đề xuất lập khu thương mại tự do.

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định thành lập, hoạt động với khu thương mại tự do. Trong khi đó, đây là mô hình kinh tế phổ biến đã có trên 150 quốc gia, tạo cơ chế đột phá, cạnh tranh để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ.

Việt Nam đã từng bước tiếp cận tới mô hình kinh tế này thông qua việc phát triển những mô hình tương tự có quy mô nhỏ hơn như khu chế xuất, khu phi thuế quan, cửa hàng miễn thuế nhằm hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.

Trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình khu thương mại tự do thành công trên thế giới như EU, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và tiếp cận có chọn lọc các chính sách ưu đãi, dự thảo Nghị quyết được xây dựng với phương án phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Khu thương mại tự do này sẽ gồm 3 khu chức năng: sản xuất, hậu cần cảng - logistics và thương mại - dịch vụ. Chính sách thí điểm tại khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ được quy định phù hợp với thể chế Việt Nam hiện nay, hạn chế rủi ro có thể gặp phải trong triển khai. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ đánh giá, xem xét đề xuất mở rộng cho phù hợp.

"Khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế xã hội của thành phố, phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ", Bộ trưởng Dũng nói, cho biết đây là tiền đề để luật hóa quy định này.

Các công trình văn hóa, giải trí tại trung tâm thành phố Đà Nẵng đang được hoàn thiện, tháng 11/2023. Ảnh: Nguyễn Đông

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh tán thành nội dung này. Ông nói thành lập khu thương mại tự do là chủ trương lớn, chính sách mang tính đột phá, là quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của TP Đà Nẵng và Chính phủ. Nếu thực hiện thành công, khu thương mại tự do sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương và cả vùng.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra gợi ý TP Đà Nẵng lựa chọn lĩnh vực đột phá để tập trung phát triển là vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đây là vấn đề lớn, liên quan đến cả quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gắn với thể chế và hệ thống pháp luật nên Chính phủ cũng cần quy định cụ thể khái niệm, mô hình tổ chức; nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng khu thương mại tự do; đánh giá tác động đến phát triển doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội và tính lan tỏa vùng miền.

Đa số ý kiến Ủy ban thống nhất về chủ trương thí điểm cơ chế "một cửa" tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng, song đề nghị Chính phủ giải trình thêm về tính hợp lý trong thẩm quyền, tác động về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là khi quy định mới có liên quan đến yếu tố nước ngoài.

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đề xuất thí điểm thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội đối với dự án xây dựng trung tâm logistics và trong khu thương mại tự do, phù hợp với đặc thù của TP Đà Nẵng và theo tinh thần của Bộ Chính trị. Việc thu hồi đất cần bảo đảm không tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, cảnh quan; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Ủy ban cũng đề nghị việc thu hồi đất phải mang lại hiệu quả kinh tế; tránh lãng phí đất đai, tài nguyên và quy định rõ trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân trong thí điểm thu hồi.

Năm 2021, tại dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển Hải Phòng, Chính phủ đề xuất xây dựng khu thương mại tự do tại thành phố này. Đây là khu vực có ranh giới địa lý xác định, do Quốc hội quyết định thành lập; được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, đột phá và tổ chức thành các khu chức năng.

Tuy nhiên tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2021, đề xuất này đã được rút khỏi dự thảo. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi đó cho biết do không đủ thời gian nghiên cứu tiếp nên sẽ giữ tinh thần chung, thí điểm trong 5 năm, sau này có thể tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cơ chế chính sách cần thiết. "Ví dụ với Hải Phòng cần thêm khu thương mại tự do, nếu sau khi nghiên cứu kỹ và được Bộ Chính trị cho phép thì bổ sung vào cơ chế chính sách sau", ông Dũng nói.

Bốn năm trước, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 119 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc triển khai nghị quyết còn chậm so với kế hoạch. Một số cơ chế đã được thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp, có chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang chờ hướng dẫn.

Sáng cũng ngày, Chính phủ cũng trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An với 17 chính sách cụ thể, trong đó cho phép Nghệ An giữ lại khoảng 600 tỷ đồng tiền thuế thu từ 22 nhà máy thủy điện để phát triển hạ tầng, xã hội vùng khó khăn phía Tây.

Chính phủ cũng đề xuất cho UBND tỉnh có 5 phó chủ tịch, tăng một so với tỉnh loại I; UBND tỉnh được giao và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho nhà đầu tư trong nước tại khu vực biển cách bờ 6 hải lý. Bên cạnh đó, UBND tỉnh được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án bến cảng, khu bến cảng có quy mô từ 2.300 tỷ đồng trở lên; thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP) đối với các dự án thể thao và văn hóa...

Nguồn vnexpress.net

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục